18/11/2020 10:20 GMT+7

Yêu nghề dạy học - Kỳ 2: Những 'ông thầy' sáng tạo

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Hai người thầy ấy được gọi là 'ông thầy sáng tạo' vì luôn mày mò cách thức mới để bài giảng của mình cuốn hút hơn, giúp học trò đào sâu kiến thức dễ dàng hơn.

Yêu nghề dạy học - Kỳ 2: Những ông thầy sáng tạo - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Hồng Giang cùng học trò lớp 9/2 trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm - Ảnh: Q.L.

Học trò là trung tâm

Nếu thầy Nguyễn Hồng Giang (Trường THCS Kiến Thiết, quận 3, TP.HCM) được nhắc đến với những phương pháp mới khiến học trò hứng khởi với môn văn học, thì thầy Huỳnh Minh Hải (Trường THPT Marie Curie, quận 3, TP.HCM) lại có công đưa học trò đến gần hơn đam mê sáng tạo, khám phá nghiên cứu khoa học ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường học.

Học hết phổ thông ở Hà Nam, thi đại học ở Hà Nội, nhưng cuối cùng thầy Nguyễn Hồng Giang lại trở thành sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Nhìn lại quãng đường đi học rồi gắn bó với ngôi trường hiện tại, thầy giáo trẻ ấy bảo rằng đúng là cơ duyên. 

Nói là cơ duyên vì đúng ra sẽ dạy THPT nhưng tình cờ gặp ngay lúc trường tuyển giáo viên dạy văn nên dự tuyển và gắn bó với Trường THCS Kiến Thiết đến nay đã gần 8 năm.

Những tiết văn học theo mô hình góc - trạm của thầy Hồng Giang luôn là giờ học sôi nổi. Đây là một trong các cách dạy theo phương pháp mới mà người học là trung tâm. 

Để có được những tiết học này, cả giáo viên và học sinh đều rất cực. Lớp sẽ được chia thành những nhóm nhỏ, từng nhóm chuẩn bị các tư liệu, hình ảnh, thông tin liên quan phần bài học được giao. Thầy sẽ thường xuyên kiểm tra tiến độ để biết cả nhóm đã làm được đến đâu, đôn đốc và gỡ vướng cho nhóm nào gặp khó.

Vào giờ học, mỗi nhóm sẽ là một trạm ở từng góc lớp. Từng nhóm lần lượt đi qua các trạm, trao đổi cùng nhau và ghép thông tin từ các trạm sẽ ra bức tranh toàn cảnh của nội dung bài học hôm ấy. 

"Các em có thêm nhiều kỹ năng mới qua phương pháp này chứ không chỉ là tiếp thu kiến thức. Thường chỉ có thể áp dụng cho tiết ôn tập vì quá trình chuẩn bị công phu, tốn nhiều thời gian, bù lại học sinh ở vai trò trung tâm, sẽ học và nhớ bài lâu hơn" - thầy Giang phân tích.

Vào giờ thí nghiệm vật lý, sau khi chia lớp thành từng nhóm 4 bạn, thầy Huỳnh Minh Hải hướng dẫn phần lý thuyết chung trước khi cả lớp làm bài thực hành lắp mạch điện. Thầy cẩn thận soạn phần hướng dẫn, trình tự các bước, chuẩn bị bộ dụng cụ cho mỗi nhóm và để các bạn tự làm bài. 

"Những giờ học như vậy giúp học sinh chủ động hơn, cứ việc trao đổi cùng nhau thoải mái, miễn sao cuối cùng hoàn thành sản phẩm theo đề bài. Cách học đó đòi hỏi các bạn phải nắm kiến thức chắc, hiểu mới làm được bài" - thầy Hải nói.

Đó là phần chuyên môn lên lớp hằng ngày, phần còn lại dành cho đội tuyển học sinh nghiên cứu khoa học mà thầy Huỳnh Minh Hải trực tiếp hướng dẫn. Các ý tưởng tốt từ cuộc thi ý tưởng sáng tạo do trường tổ chức mỗi năm sẽ được chọn lọc phát triển thành đề tài nghiên cứu dự thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh của TP.HCM. 

Với ý tưởng có phạm vi rộng quá, thầy Hải chia sẻ cùng học trò tạm hình dung về kết quả có thể đạt được khi nghiên cứu, thường theo nhiều hướng để các em chọn. "Dĩ nhiên xuất phát phải là ý tưởng của học sinh, mình chỉ đóng vai trò định hướng, mục tiêu cuối cùng là hình thành sản phẩm nghiên cứu phù hợp trình độ học sinh" - thầy Hải nói.

Yêu nghề dạy học - Kỳ 2: Những ông thầy sáng tạo - Ảnh 2.

Thầy Huỳnh Minh Hải hướng dẫn học sinh làm bài thực hành vật lý lắp mạch điện - Ảnh: Q.L.

Người dẫn đường

Với thầy Huỳnh Minh Hải, gắn bó cùng Trường THPT Marie Curie gần chục năm qua là cơ duyên tình cờ. Hồi đó khi chọn nơi thực tập, cậu sinh viên sư phạm vật lý đăng ký ngôi trường này vì vốn thích nữ bác học mà trường mang tên. 

Hai tháng thực tập, hầu như hoạt động nào của trường Hải cũng có mặt trên từng cây số nên khi tốt nghiệp, thầy giáo trẻ quê Long An ấy cũng chỉ nộp duy nhất hồ sơ ứng tuyển về trường công tác và đã được nhận.

Ở vai trò nhóm trưởng các giáo viên trẻ hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, thầy Hải nói mình chỉ ở vai trò kết nối còn công chính thuộc về nhiều đồng nghiệp trẻ khác bởi họ rất nhiệt tình, sẵn sàng lăn xả hỗ trợ học trò làm đề tài. 

Sự chung sức ấy đem lại quả ngọt cho trường khi năm học vừa qua có 3 giải nhì và 2 giải ba, năm học trước có 3 giải nhất và năm nay chọn được 7 đề tài dự cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh cấp thành phố.

Phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie Nguyễn Trần Khánh Bảo nói nghiên cứu khoa học trong học sinh phổ thông vốn rất khó vì các em không có nhiều thời gian dành cho nó. 

"Quan trọng là người thầy khơi được đam mê khám phá, bước đầu làm khoa học của các em. Khi đam mê của thầy và trò gặp nhau, kết quả rất thuận lợi, và nhà trường đánh giá cao đóng góp của cá nhân thầy Hải cùng các thầy cô tham gia nhóm hướng dẫn" - thầy Bảo cho biết.

Trong khi đó, nhiều năm qua, thầy Nguyễn Hồng Giang dẫn dắt đội tuyển học sinh giỏi văn và năm nào Trường THCS Kiến Thiết cũng có giải. Như năm học mới đây là 3 giải nhì và 1 giải ba cấp thành phố, năm nay đội tuyển chuẩn bị xuất trận. 

"Nhiệt tình, trách nhiệm và không nề hà khó khăn là những gì có thể nói về thầy. Tôi từng dự giờ giảng của thầy Giang và với tôi đó là tiết học thú vị, lôi cuốn. Nhà trường yên tâm khi giao thầy bồi dưỡng học sinh giỏi" - cô Đỗ Thị Kim Phượng, hiệu trưởng Trường THCS Kiến Thiết, nhận xét.

Lớp 9/2 thầy Hồng Giang chủ nhiệm có 27 học sinh hầu như lúc nào cũng rộn tiếng cười. Bạn nào học chậm hơn, thầy sẽ dành ngày cuối tuần để kéo vào trường ôn thêm, có khi tới 9h đêm. Lớp nuôi heo đất, lấy tiền đó mua thức ăn khi thầy trò cùng học ngoài giờ. 

"Thầy vui tính, khi giảng thầy luôn có những câu chuyện dí dỏm, thú vị nên tụi em tiếp thu bài nhanh hơn, tiết học cũng hào hứng" - Anh Thơ (lớp 9/2) chia sẻ.

Tự đào tạo mình mỗi ngày

Vừa giảng dạy, vừa là gương mặt tích cực gầy dựng phong trào đoàn thể của trường, hai thầy giáo ấy đã kịp hoàn thành cao học để bổ sung kiến thức cho mình. Năm 2016, thầy Hồng Giang nhận bằng thạc sĩ, thầy Minh Hải hoàn thành năm 2018.

Cả hai thầy giáo đều là lần thứ ba liên tiếp được nhận danh hiệu "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" TP.HCM. Đến từ những vùng quê khác nhau song cuối cùng cả hai thầy đều chọn được "đất dụng võ", góp sức mình vào khu vườn giáo dục của TP.HCM.

"Xu thế giáo dục mới, người thầy càng phải nâng cao trình độ nếu muốn đào tạo ra những thế hệ học trò tốt hơn, nên tôi vẫn tìm tòi, tự học mỗi ngày. Tôi còn học được nhiều điều từ các thầy cô đi trước. Có người nay đã nghỉ hưu mà những bài học ấy hiện tôi vẫn áp dụng" - thầy Giang bộc bạch.

Vinh danh 161 "Nhà giáo trẻ tiêu biểu"

Thành đoàn TP.HCM trao danh hiệu "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" cấp thành năm 2020 cho 161 thầy cô giáo các cấp từ mầm non đến đại học của các đơn vị trên địa bàn TP vào ngày 18-11, được chọn từ 1.548 ứng viên của 71 trường gửi về. Danh hiệu này trước đây được xét tặng hằng năm dành cho các giáo viên, giảng viên từ 35 tuổi trở xuống, tiêu biểu trong đạo đức, chuyên môn và cống hiến.

Trong đó, sẽ là điểm cộng cho các ứng viên có giải pháp, sáng kiến mới, hiệu quả và đã được áp dụng vào thực tế giảng dạy. Kể từ năm 2020, quy chế xét giải thay đổi và chính thức bình xét trao danh hiệu này cho các thầy cô định kỳ 2 năm/lần vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11.

Hầu như năm nào trường học cũng bị bão và chịu cô lập bởi lũ, lở núi, sạt đường, nhưng các giáo viên vẫn bám trường, không rời xa học trò...

Kỳ tới: Vì học trò miền bão lũ

Yêu nghề dạy học - Kỳ 1: Ba thế hệ cùng làm nhà giáo Yêu nghề dạy học - Kỳ 1: Ba thế hệ cùng làm nhà giáo

TTO - Điều gì níu giữ những người thầy ở lại với nghề dù phải vượt qua nhiều khó khăn? Chỉ có tình yêu được thắp lên từ thời thanh xuân chưa đủ, mỗi người thầy sẽ phải cố gắng rất nhiều để giữ cho tình yêu ấy luôn ấm nóng.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên