09/02/2017 10:56 GMT+7

Ý thức công dân và trách nhiệm của chính quyền

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TTO - Ý thức công dân đòi hỏi mỗi người phải nói tiếng nói của mình, góp sức lực, trí tuệ của mình để cùng chính quyền giải quyết những bức xúc, những cái chưa đẹp của xã hội.

Câu chuyện ý tưởng “dùng app điện thoại trị bệnh xả rác” của một người dân Hà Nội gửi qua email được lãnh đạo TP.HCM giao các sở ngành liên quan nghiên cứu tính khả thi để áp dụng mấy ngày qua đáng được xem như một tín hiệu vui đầu năm mới.

Vui bởi câu chuyện cho thấy không phải tiếng nói đơn lẻ của người dân luôn rơi vào khoảng không của sự thờ ơ, quên lãng của bộ máy công quyền.

Và vui bởi câu chuyện ấy là minh chứng thuyết phục nhất cho thấy người dân vẫn đau đáu với những bức xúc quanh mình và luôn có ý thức góp sức cùng chính quyền giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng.

Trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Tiến Ước không giấu sự vui mừng vì ý tưởng của mình, một người dân Hà Nội, dù chỉ gửi qua email nhưng được lãnh đạo TP.HCM tiếp nhận và xem xét nghiêm túc với đủ các ban bệ như vậy.

“Tôi góp ý nhiều việc, nhiều nơi lắm nhưng thường không nhận được phản hồi nên không biết ý kiến của mình có được ghi nhận hay không.

Lần này tôi cũng không nhận được phản hồi từ UBND TP.HCM, có thể vì tôi chỉ gửi email với cái tên ngẫu hứng mà không để lại địa chỉ cư trú. Dù sao ý tưởng của mình được TP.HCM xem xét là vui lắm rồi” - anh Ước nói.

Anh kể mình có vốn kiến thức về công nghệ thông tin, làm nhiều nghề “tay trái” trong đó có cả lái xe, được đi nhiều nơi nên cũng đa mang, bức xúc với nhiều chuyện chưa đẹp xung quanh mình.

Trước khi gửi góp ý đến TP.HCM, anh đã tự thiết kế app, bỏ tiền túi để chạy thử nghiệm trên hai nền tảng Android và IOS.

“Tôi không đủ kiến thức về công nghệ, pháp lý nên tôi nghĩ tốt nhất là hiến kế với chính quyền TP.HCM với niềm tin một thành phố lớn và có tinh thần cầu thị như vậy chắc chắn sẽ làm được”.

Và thực tế là niềm tin, ý thức công dân của anh Ước đã được đáp lại một cách thỏa đáng, trân trọng. Trong vòng 3 tháng cuối năm 2016, các sở ngành liên quan của TP đã trao đổi ý kiến, xem xét khả năng ứng dụng ý tưởng đề xuất của anh Ước.

Trong văn bản báo cáo UBND TP ngày 6-2-2017, Sở Thông tin và truyền thông cho biết đang cùng Sở Giao thông vận tải triển khai xây dựng phần mềm ứng dụng di động để người dân phản ảnh các sự cố hạ tầng kỹ thuật đến cơ quan nhà nước.

Việc xử phạt thông qua hình ảnh do người dân chụp và gửi qua phần mềm, Sở Thông tin và truyền thông cho rằng rất cần thiết và kiến nghị UBND TP giao Công an TP, Sở Tư pháp, Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, tham mưu về quy trình để triển khai vào thực tế.

Câu chuyện trên một lần nữa cho thấy sự tương tác cần thiết giữa một bên là ý thức vì cộng đồng của mỗi công dân và trách nhiệm công vụ vì dân của bộ máy chính quyền.

Một công dân có ý thức vì cộng đồng sẽ không chỉ kêu khổ trước những thiệt thòi cá nhân, những bất cập của xã hội rồi ngồi im chờ đợi.

Ý thức công dân đòi hỏi mỗi người phải nói tiếng nói của mình, góp sức lực, trí tuệ của mình để cùng chính quyền giải quyết những bức xúc, những cái chưa đẹp của xã hội.

Ngược lại, một chính quyền có trách nhiệm cũng phải lắng nghe tiếng nói từ người dân, dám nhận cái sai mà người dân chỉ ra và đón nhận những góp ý, hiến kế mà công dân của mình trao gửi.

Câu chuyện của anh Nguyễn Tiến Ước hi vọng sẽ là một khởi đầu tốt đẹp cho làn sóng những ý tưởng mới từ người dân gửi đến chính quyền, chứ không chỉ là một cánh én đơn côi, lạc bầy lẻ bạn!

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên