16/03/2022 10:35 GMT+7

Xung đột Nga - Ukraine: Ngày thứ 20, chiến sự vẫn căng thẳng

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Sau các lần đối thoại trước không đạt kết quả như mong đợi, Nga và Ukraine tiếp tục đàm phán qua kết nối video ngày 15-3, cũng là ngày thứ 20 Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Xung đột Nga - Ukraine: Ngày thứ 20, chiến sự vẫn căng thẳng - Ảnh 1.

Người dân được sơ tán ra khỏi một tòa nhà 16 tầng bị tấn công và hư hại ở thủ đô Kiev (Ukraine) vào ngày 15-3 - Ảnh: AFP

Trong lúc đàm phán chưa ngã ngũ, đạn pháo vẫn rền vang tại nhiều nơi ở Ukraine. Trên Twitter, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của tổng thống Ukraine, cho biết: "Lập trường của chúng tôi vẫn không thay đổi. Đó là đòi hỏi hòa bình, lệnh ngừng bắn ngay lập tức và rút toàn bộ quân Nga".

Mariupol sơ tán dân an toàn

Theo Hãng tin Reuters, truyền thông Ukraine cho biết có 2 vụ nổ lớn xảy ra ở thủ đô Kiev vào ngày 15-3. Còn các phóng viên của AFP kể đã nghe ít nhất 3 tiếng nổ lớn tại trung tâm thủ đô Kiev vào sáng sớm cùng ngày. Cơ quan tình trạng khẩn cấp Ukraine thông tin các cuộc tấn công vào những khu dân cư ở Kiev đã khiến ít nhất 2 người thiệt mạng vào đầu ngày 15-3.

Thị trưởng Vitali Klitschko cho biết lệnh giới nghiêm sẽ được áp dụng tại Kiev từ 20h ngày 15-3 tới 7h sáng 17-3. Trong khi đó, còi báo động không kích vang lên hằng ngày tại nhiều khu vực của Ukraine, trong đó có Odessa, Chernihiv, Cherkasy và Smila.

Hôm 14-3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết tổng thống Nga đã ra chỉ thị không tấn công ngay lập tức vào các thành phố lớn của Ukraine bởi vì làm vậy thương vong dân thường sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, ông Peskov cũng khẳng định Bộ Quốc phòng Nga không loại trừ khả năng "kiểm soát toàn diện" các thành phố lớn của Ukraine vốn gần như đã bị bao vây hoàn toàn. Ông Peskov cũng bác tin Nga đề nghị Trung Quốc viện trợ quân sự. "Nga có tiềm năng riêng để tiếp tục chiến dịch" - ông Peskov nói trước báo giới.

Ngày 15-3, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết họ đã kiểm soát hoàn toàn khu vực Kherson ở miền nam Ukraine.

Trong khi đó, TP Mariupol (bị Nga bao vây khoảng 2 tuần qua) ở đông nam Ukraine ghi nhận diễn biến tích cực. Chính quyền TP này cho biết một đoàn gồm hơn 160 ôtô đã rời khỏi Mariupol dọc theo hành lang nhân đạo vào hôm 14-3. Đây là cuộc di tản dân thường thành công đầu tiên sau nhiều nỗ lực sơ tán thất bại tại Mariupol.

Phía Ukraine cho biết hơn 2.300 dân thường tại Mariupol đã thiệt mạng và 400.000 cư dân bị kẹt lại đây mà không có nước sinh hoạt, hệ thống sưởi và thiếu lương thực trong những ngày qua.

Chính phủ Ba Lan cho biết các thủ tướng của Ba Lan, CH Czech và Slovenia ngày 15-3 đã lên đường tới Kiev để gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky. "Mục đích của chuyến thăm là khẳng định sự ủng hộ rõ ràng của toàn bộ EU với chủ quyền và độc lập của Ukraine, đồng thời cung cấp gói hỗ trợ lớn cho Ukraine" - Chính phủ Ba Lan thông tin.

LHQ cảnh báo nguy cơ thiếu đói

Ngày 14-3, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo thế giới phải hành động để ngăn chặn "cơn bão đói kém và sự suy sụp của hệ thống lương thực toàn cầu" theo sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Theo tổng thư ký LHQ, ngay từ trước khi xảy ra xung đột này, các nước đang phát triển cũng đã "chật vật phục hồi sau đại dịch COVID-19 với lạm phát kỷ lục, lãi suất tăng và gánh nặng nợ nần". "Giờ đây, giỏ bánh mì của họ đang bị đánh bom" - ông Guterres nói, nhắc tới việc Ukraine là nước cung cấp hơn một nửa nguồn cung lúa mì của Chương trình Lương thực thế giới (WFP).

Trong khi đó, điện đàm với Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares vào hôm 15-3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh không muốn bị ảnh hưởng trong các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp lên Nga. Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh cũng bác thông tin (từ Mỹ) nói Nga nhờ Bắc Kinh hỗ trợ thiết bị quân sự.

Hôm 14-3, Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này đã thông qua gói biện pháp trừng phạt thứ tư của họ với Nga, tác động tới hơn 600 công dân Nga.

Tại Mỹ, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ phát biểu trước các thành viên Quốc hội Mỹ qua video vào ngày 16-3. Tuần trước, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản viện trợ gần 14 tỉ USD cho Ukraine.

Dữ liệu LHQ công bố đầu tuần này cho thấy đã có hơn 3 triệu người tị nạn sơ tán khỏi Ukraine kể từ 24-2. Đây là cuộc di cư tị nạn lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến 2. Cũng theo LHQ, khoảng 1,4 triệu trẻ em đã rời Ukraine đi lánh nạn và trung bình cứ mỗi giây lại có một trẻ em Ukraine trở thành người tị nạn.

Nga cấm nhập cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden

Tối 15-3 (giờ VN), Bộ Ngoại giao Nga phát thông báo sẽ cấm nhập cảnh với Tổng thống Mỹ Biden và 12 người Mỹ khác. Bộ này lý giải hành động của Nga nhằm đáp lại "một loạt các biện pháp trừng phạt chưa từng có" của Mỹ và dựa trên nguyên tắc "có đi có lại".

Ngoài Tổng thống Biden, các quan chức khác gồm: Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mark Milley. Đáng chú ý, danh sách còn có cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, con trai của Tổng thống Biden, ông Hunter Biden và chủ tịch Ngân hàng Xuất - nhập khẩu Mỹ Reta Jo Lewis.

BẢO DUY

Kiev áp lệnh giới nghiêm, cảnh báo 35 tiếng Kiev áp lệnh giới nghiêm, cảnh báo 35 tiếng 'khó khăn và nguy hiểm'

TTO - Thủ đô Ukraine sẽ áp lệnh giới nghiêm trong 35 tiếng từ 20h ngày 15-3 (giờ địa phương) trong bối cảnh Nga đang tăng sức ép bằng các vụ không kích, theo Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên