21/11/2024 09:59 GMT+7

Xung đột Nga - Ukraine leo thang

Từ việc chính quyền ông Biden tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong những tháng cuối trước khi mãn nhiệm cho tới vụ Nga cập nhật học thuyết hạt nhân, xung đột Nga - Ukraine có thể vẫn sẽ nóng rực trong các tháng mùa đông năm nay.

Xung đột Nga - Ukraine leo thang - Ảnh 1.

Một hệ thống ATACMS đang khai hỏa - Ảnh: AFP

Sau khi cán mốc 1.000 ngày, xung đột Nga - Ukraine vẫn leo thang căng thẳng. Ngày 20-11, Lầu Năm Góc xác nhận với Hãng tin Tass rằng Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt cho Ukraine sử dụng mìn chống bộ binh, theo báo Washington Post.

Khi ATACMS chạm đất Nga

Việc Mỹ cung cấp và cho phép Ukraine sử dụng mìn chống bộ binh có thể gây tranh cãi, đặc biệt sau khi Washington cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng Matxcơva sẽ trả đũa các cuộc tấn công của Ukraine có sử dụng ATACMS.

Theo báo New York Times, các quan chức cấp cao Mỹ và Ukraine tiết lộ quân đội Ukraine đã sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga lần đầu tiên vào hôm 19-11, chỉ vài ngày sau khi ông Biden đồng ý cho Kiev làm vậy.

Trước đây Ukraine cũng từng dùng ATACMS, nhưng chỉ phóng vào các phần lãnh thổ Ukraine mà Nga đang kiểm soát.

Cuộc tấn công mới nhất được thực hiện trước bình minh, nhắm vào một kho đạn dược ở vùng Bryansk, tây nam Nga. Bộ Quốc phòng Nga nói rằng Ukraine đã sử dụng sáu tên lửa đạn đạo ATACMS.

Hiện nay Nga đang tận dụng ưu thế về không quân, vũ khí và lực lượng để phá vỡ các tuyến phòng thủ của Ukraine. Bằng cách tấn công các trung tâm hậu cần, như vụ tấn công ngày 19-11, Ukraine hy vọng gây khó khăn cho Nga trên chiến trường.

Ông Andrii Kovalenko, thành viên Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, thông tin cuộc tấn công ở Bryansk đã đánh trúng các kho chứa "đạn pháo, gồm cả đạn dược của Triều Tiên dùng cho các hệ thống của họ, bom dẫn đường trên không, tên lửa phòng không và đạn dược dùng cho các hệ thống pháo phản lực phóng loạt".

Cuộc tấn công này cũng được xem là hành động "biểu dương lực lượng" của Ukraine, nhằm thuyết phục các đồng minh phương Tây rằng việc cung cấp thêm vũ khí hiện đại và mạnh mẽ có thể giúp suy giảm năng lực chiến đấu của Nga, đồng thời giảm bớt áp lực cho quân đội Ukraine.

Cuộc tấn công diễn ra vào cùng ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh phê duyệt học thuyết hạt nhân mới cập nhật. Động thái của Matxcơva dường như nhằm "răn đe" phương Tây, gửi đi thông điệp rằng Nga có thể phản ứng mạnh nếu Ukraine dùng tên lửa của Mỹ và đồng minh để tấn công lãnh thổ Nga.

Ngày 19-11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gọi việc Ukraine dùng tên lửa ATACMS nhắm vào vùng Bryansk là "tín hiệu cho thấy họ muốn leo thang", dường như ám chỉ đến Mỹ và các nước phương Tây khác.

Sau ATACMS, mìn là gì nữa?

Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Mỹ cho phép sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga. Washington cuối cùng đã chấp thuận yêu cầu này, một phần do việc Triều Tiên triển khai khoảng 10.000 binh sĩ hỗ trợ Nga.

Giới chức Ukraine và các nhà phân tích quân sự nhận định hiệu quả của việc Mỹ thay đổi chính sách sẽ phụ thuộc vào số lượng tên lửa ATACMS mà Washington cung cấp cho Kiev.

Kể từ khi nhận được lô tên lửa ATACMS tầm xa đầu tiên vào tháng 4, Ukraine đã sử dụng chúng để tấn công các hệ thống phòng không của Nga tại các khu vực do Nga kiểm soát bao gồm cả bán đảo Crimea.

Theo hình ảnh vệ tinh và phân tích quân sự, ATACMS cũng đã được sử dụng để tấn công các sân bay và căn cứ quân sự khác.

Tuy nhiên, cần lưu ý trong suốt cuộc chiến, ngay khi một bên áp dụng năng lực mới trên chiến trường thì bên còn lại sẽ nỗ lực thích nghi. Nga hiện có hệ thống phòng không mạnh với nhiều lớp, bao gồm các khẩu đội S-400 được thiết kế để đối phó các tên lửa đạn đạo như ATACMS.

"Mức độ hiệu quả của Nga trong việc chống lại tên lửa ATACMS có thể sẽ tăng lên, dù chậm, trong suốt quá trình xung đột khi Nga huấn luyện lực lượng phòng không giải quyết mối đe dọa này" - chuyên gia an ninh Jake Mezey bình luận trong một báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương.

Ông Mykhailo Samus - phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quân đội, chuyển đổi và giải trừ quân bị tại Ukraine - nhận định việc triển khai tên lửa ATACMS có thể có tác động ngay lập tức.

Ông chỉ ra các sở chỉ huy, đơn vị quân đội, hệ thống hỗ trợ hậu cần, kho đạn dược, căn cứ không quân, hệ thống phóng tên lửa, hệ thống phòng không, radar và nhiều khí tài quân sự của Nga hiện đều nằm trong tầm bắn của Ukraine.

"Mọi thứ phụ thuộc vào số lượng tên lửa mà ông Biden sẽ cung cấp và tốc độ nhanh ra sao. Nếu hàng trăm tên lửa được đưa đến thì tốt, và Ukraine sẽ có thể thực hiện một vài cuộc tấn công bằng tên lửa hàng loạt" - ông nói.

Nga tố Mỹ tìm cách kéo dài cuộc chiến

Ngày 20-11, Nga cáo buộc chính quyền Tổng thống Biden kéo dài cuộc chiến ở Ukraine bằng cách tăng cường cung cấp vũ khí cho Kiev trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng.

"Nhìn vào xu hướng của chính quyền Mỹ sắp mãn nhiệm, thấy được họ hoàn toàn quyết tâm tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine và đang làm mọi thứ có thể để thực hiện điều đó" - người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trước báo giới.

Xung đột Nga - Ukraine leo thang - Ảnh 2.Điện Kremlin: Nga sẵn sàng đàm phán nhưng không từ bỏ lãnh thổ mà Nga đã chiếm đóng của Ukraine

Điện Kremlin nhắc lại việc Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần nói ông sẵn sàng đàm phán, đồng thời khẳng định Nga sẽ không từ bỏ mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên