Phóng to |
Ở Hàn Quốc, Nga không giấu tham vọng tham gia sân chơi khu vực. Trong ảnh: Tổng thống Nga Putin trong cuộc họp báo với người đồng cấp Hàn Quốc Park Geun Hye ở Seoul hôm 13-11 Ảnh: Reuters |
Các cường quốc đang ráo riết “xoay trục” về (lại) Thái Bình Dương, để hi vọng “tái cân bằng” một đe dọa mất cân bằng... Tại trụ sở của tổ chức ASEAN ở Jakarta (Indonesia) hôm 2-8-2013, Bộ trưởng ngoại giao Pháp Laurent Fabius loan báo “Pháp xoay trục trở lại châu Á”.
Nói là làm, Pháp bán ngay cho Philippines tàu tuần tiễu P-400 “La Tapageuse” và còn sẽ bán thêm năm chiếc khác nữa. Giá bán thì rất hữu nghị, chỉ 6 triệu euro. Cũng dễ hiểu động cơ của thương vụ này là gì. Thậm chí, nước Anh ở tít mù khơi hiện cũng đang cùng Úc và New Zealand tập trận với Malaysia, Singapore!
Các chuyến công du của Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần này cho thấy “gấu Nga” sau giấc ngủ đông trong suốt thập niên 1990, nay đang hùng dũng vươn vai như ngày nào. Hai điểm đến của ông Putin, Việt Nam và Hàn Quốc, đều nằm trên hai bán đảo - bao lơn (duy nhất) của châu Á trên Thái Bình Dương, từng là hai bãi chiến trường kịch liệt trong chiến tranh lạnh và hiện là những điểm nóng.
Ông Putin đến Seoul không chỉ để “tăng cường quan hệ hai nước”, mà còn để ra mặt tham gia việc tháo gỡ cuộc khủng hoảng “đàm phán sáu bên” về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, cho đến nay vẫn chỉ qua đầu mối duy nhất là Bắc Kinh. Trên kênh truyền hình KBS, ông Putin tỏ rõ ý muốn: “Chúng tôi vừa có quan hệ tốt, thậm chí tin cậy với Hàn Quốc, vừa có các tiếp xúc mang tính truyền thống tốt với Triều Tiên… Đó là một lợi thế mà nước Nga đang có, và chúng tôi muốn và sẽ tận dụng để thúc đẩy mọi chuyện chuyển động”.
Nghĩa là Nga sẽ chen vào thế độc quyền “chủ xị” đàm phán sáu bên lâu nay của Bắc Kinh - đồng minh lớn của Bình Nhưỡng. Nay ông Putin đề ra “luật chơi” mới: “Mục tiêu quan trọng nhất là khai thông, tái lập đàm phán cũng như loại bỏ mọi trở ngại gây cản trở đàm phán. Nếu cứ đặt ra mãi những điều kiện tiên quyết thì chẳng bao giờ bắt đầu đàm phán được”. Đấy là một nhắn nhủ với Mỹ và cũng là một cú “bóp kèn qua mặt” Bắc Kinh vốn cứ để mặc bế tắc kéo dài.
Ông Putin hi vọng tái diễn show ngoại giao thành công hồi đầu tháng 9 vừa qua: tháo gỡ vụ khủng hoảng (vũ khí hóa học) Syria bằng giải pháp của Nga! Như vậy từ nay, vấn đề Triều Tiên không chỉ có hai vai chính là Trung Quốc và Mỹ, mà còn có Nga.
Không chỉ xoay trục qua ngả bán đảo Triều Tiên, Nga còn xoay trục sang phía đông. Cuộc họp “2+2” đầu tháng này giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Nga và Nhật không chỉ vì Nga muốn bán nhiên liệu cho Nhật và Nhật cần mua, hay muốn đàm phán việc tranh chấp quần đảo Kurils, mà còn vì những vấn đề sống còn khác của nhau…
Nếu biết rằng trong sáu tháng qua, Tổng thống Putin và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã gặp riêng những bốn lần (để tiện so sánh: ông Tập Cận Bình và ông Abe chưa một lần ngồi lại với nhau kể từ khi lên nắm quyền), thì có thể hiểu thỏa thuận “tăng cường hợp tác an ninh” từ các cuộc họp “2+2” có ý nghĩa gì. Ít nhất, cũng để mỗi nước “rảnh tay” lo việc khác thay vì cứ phải dòm chừng nhau mỗi ngày.
Bối cảnh quan hệ mới này thật tương phản với quan hệ Trung - Nhật ngày càng tăng đối kháng. Vờn nhau bằng tàu bè và máy bay chưa đủ, nay Trung Quốc thiết lập một chu vi nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông chồng lấn với chu vi phòng không sẵn có của Nhật, đáp lại việc Nhật đưa tên lửa đất đối hạm đến đảo Miyako trên hải lộ thông ra Tây Thái Bình Dương.
Sân chơi châu Á - Thái Bình Dương càng nóng hơn khi Mỹ dù khăng khăng xoay trục rồi tái cân bằng nhưng bị ảnh hưởng không nhỏ từ suy thoái kinh tế. Bởi thế, Ấn Độ cũng ráo riết tham gia cuộc đua “hướng đông” với những thông điệp khá rõ ràng.
Trong bối cảnh đó, ở Đông Nam Á, mỗi nước đều cố tìm cách giữ cân bằng trước các lời mời mọc mới. Cuộc chơi này cũng chẳng hề dễ chút nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận