07/05/2015 09:50 GMT+7

Vui và lo sau FTA với Hàn Quốc

GS-TS VÕ TÒNG XUÂN
GS-TS VÕ TÒNG XUÂN

TT - Từ hiệp định cho đến khi sản phẩm lên tàu xuất đi các nước đã ký FTA còn có nhiều thử thách mà các doanh nghiệp và nông dân cần phải vượt qua.

Bộ trưởng Bộ Công thương VN Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Thương mại - công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang Jick đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do VN - Hàn Quốc

Từ sau khi ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ năm 2000, Việt Nam đã ký một số hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) với EU, Nhật Bản, Chile và mới nhất là vừa ký thêm FTA với Hàn Quốc. Đó là chưa kể Việt Nam đứng chung với ASEAN đã ký FTA với Trung Quốc và Úc - New Zealand. 

Có thể nói đây là tin vui giải tỏa khó khăn lớn nhất và lặp đi lặp lại hằng năm đối với nông dân: thị trường đầu ra. Đây là cơ hội tốt cho các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới độc đáo của Việt Nam thâm nhập các thị trường này. Tuy nhiên, từ hiệp định cho đến khi sản phẩm lên tàu xuất đi các nước này còn có nhiều thử thách mà các doanh nghiệp và nông dân cần phải vượt qua.

Để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản, nhất là thế mạnh trái cây nhiệt đới của Việt Nam, chúng ta không thể tiếp tục cách làm cũ. Hiện nay đầu ra tiêu thụ sản phẩm của nông dân luôn bấp bênh vì cả Nhà nước và doanh nghiệp đều chưa bảo đảm tìm được hoặc mở được thị trường nông sản. Do đó khi sản xuất, nông dân tự quyết định số phận mình, không biết ai sẽ mua sản phẩm của mình và mua bao nhiêu. Không chỉ các công ty và doanh nghiệp tư nhân, ngay cả những công ty lớn của Nhà nước cũng mua nguyên liệu nông sản qua thương lái là chính, hiếm khi mua trực tiếp của nông dân. Quyết định 899/TTg ban hành giữa năm 2013 và sang đầu năm 2014 được Thủ tướng nhấn mạnh cho phép nông dân không nhất thiết phải trồng lúa, mà có thể nuôi trồng cây - con gì có giá trị cao nếu có thị trường đầu ra. Nhưng có thị trường và được chứng nhận bởi cơ quan kiểm định của quốc gia nhập khẩu và giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của Văn phòng quốc gia SPS Việt Nam chưa phải là điều kiện đủ để xuất khẩu! Doanh nghiệp xuất khẩu phải bảo đảm sản phẩm của mình luôn luôn tươi tốt, mẫu mã đẹp. Như thế nhà nông của ta không thể nuôi trồng tùy ý mình rồi bán mão cho thương lái; doanh nghiệp không thể tiếp tục làm theo kiểu ăn xổi ở thì đi thu gom, mua lại của thương lái như trước; và Nhà nước (Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương) không thể để cho nông dân tự phát, mạnh ai nấy bắt chước nhau nuôi trồng một cách thiếu tổ chức như hiện nay.

Việc tổ chức cho nông dân sản xuất là một yêu cầu cần thiết để nông dân kết hợp nhau thành lực lượng lớn mới có thể tạo nên nguồn nguyên liệu với khối lượng lớn, có chất lượng an toàn thực phẩm cao nhất, thu hoạch đúng theo thời điểm hợp đồng và giá thành thấp. Nghị quyết 26TW và quyết định 899/TTg của Thủ tướng tạo hành lang pháp lý để tổ chức sản xuất và chế biến sản phẩm có đầu ra ổn định. Nhưng ai là người đứng ra tổ chức? Đó phải là các doanh nghiệp có tâm huyết và có kỹ thuật chuyên môn kết hợp với chương trình công nghiệp hóa nông nghiệp của Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương. Nhưng thật đáng tiếc là những lực lượng này nhiều năm qua vẫn chưa thấy thể hiện được sự thay đổi mang tính đột phá nhằm tận dụng các cơ hội từ FTA! Vì vậy thấy ký hàng loạt FTA thì mừng, nhưng sau đó cũng là lo bởi khả năng tận dụng cơ hội của chúng ta quá kém.

Trong một đất nước mà đại bộ phận dân chúng sống dựa vào nông nghiệp, ngày nào nông dân còn nghèo thì lúc đó đất nước chưa phồn thịnh được.

GS-TS VÕ TÒNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên