Một tài khoản đang rao bán thịt trên "chợ online" - Ảnh: B.MAI
Hàng loạt "chợ online" mua bán thực phẩm đang hoạt động rầm rộ trên mạng xã hội, như "Chợ online Phú Nhuận", "Chợ online Bình Thạnh"... Nhiều "chợ online" quy tụ đến hàng trăm ngàn thành viên. Tuy nhiên, không ít người lợi dụng tình hình dịch bệnh, người dân khó mua thực phẩm để đi lừa.
Cần mua thực phẩm, người có tài khoản V. cho biết đã vào nhóm "Chợ Ông Tạ" trên Facebook đặt mua rau và thịt từ một tài khoản Facebook tên "Minh Ngọc".
Có kinh nghiệm mua hàng online, cũng từng chuyển khoản trước cho nhiều người khác, nên lần này V. tin tưởng chuyển gần 1,5 triệu đồng cho người bán. Tuy nhiên 10 phút sau đã bị người bán chặn tài khoản, xóa bài đăng và thoát khỏi nhóm.
Nhà 7 người, trong đó có 2 bé nhỏ, thực phẩm cạn dần, chị Thu Ba (TP Thủ Đức) vào nhóm "Tôi là dân quận 2" trên Facebook để đăng tin có nhu cầu mua thịt nạc xay và sườn sụn.
Tin vừa đăng, lập tức tài khoản tên "Trần Thu" gửi hình ảnh mặt hàng kèm bảng giá. Sau khi nhắn tin qua Facebook, chị Thu Ba chốt đơn và chuyển khoản 600.000 đồng.
"Bên bán yêu cầu chuyển khoản trước, tôi đồng ý vì nghĩ dịch bệnh nên mua bán thực phẩm cũng khó khăn. Chuyển tiền xong, người bán hẹn 2 tiếng sau sẽ giao hàng vì tìm shipper khó quá. Sau đó họ báo là shipper "đã đi rồi".
Trong lúc chờ hoài vẫn không nhận được hàng, tôi phát hiện đã bị chặn Facebook, xóa bình luận, người bán đổi luôn tên tài khoản, lúc đó mới biết mình bị lừa", chị Thu Ba chia sẻ.
Trước đó, vị khách này đã từng mua hàng trên nhóm Facebook này nhiều lần, từng chuyển khoản cho nhiều người, nhưng không ngờ lần này lại bị lừa.
Đợt này chị Thu Ba xoay xở đủ cách để mua đồ ăn, nhưng vẫn chưa thành: "Đặt qua Bách hóa Xanh, 2 ngày sau lại bị hủy đơn. Đăng ký với tổ trưởng khu phố từ hôm 24-8 để mua combo 300.000 đồng của siêu thị, chờ mòn mỏi vẫn chưa được nhận hàng".
Tin nhắn trao đổi mua bán thịt heo được chị Thu Ba chụp lại sau khi phát hiện mình bị lừa - Ảnh: NVCC
Theo tìm hiểu, ngoài Facebook, tình trạng "người bán ảo, lấy tiền thật" cũng xuất hiện trên nhiều nhóm Zalo, đặc biệt trong Zalo của các khu chung cư.
Gần đây Sở Công thương TP.HCM cũng cảnh báo xuất hiện tình trạng người dân lừa đảo chuyển tiền để đăng ký mua hàng.
Đặc biệt, tại quận 10, nhiều người đã nhận được tin nhắn gửi các combo mua hàng và đăng ký đi chợ hộ, đề nghị chuyển khoản trước để dễ mua. Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng xác minh, toàn bộ tin nhắn trên là giả mạo, không phải của tổ hậu cần ở địa phương.
Mặt khác, địa phương này cũng không có hình thức mời chào như trên.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, theo khoản 1 điều 15 nghị định 167/2013/NĐ-CP, người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị dưới 2 triệu đồng sẽ phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Trường hợp người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Theo đó, dù một người bị lừa dưới 2 triệu đồng, nhưng nhiều người dân cùng làm đơn tố cáo thì tổng số tiền sẽ nâng lên, người vi phạm vẫn có thể bị xử lý hình sự. Dựa vào số tài khoản ngân hàng, số điện thoại, Facebook, Zalo... cơ quan chức năng có thể truy ra người nhận tiền và người lừa đảo.
Dù vậy, luật sư Hùng cũng chia sẻ, để tránh tình trạng bị lừa, người dân nên đặt mua thực phẩm ở những cửa hàng, công ty có địa chỉ, pháp nhân cụ thể.
Khi chọn kênh mua bán không rõ ràng, rủi ro lừa đảo cao, người dân có thể xác minh xem tài khoản Facebook, Zalo bán hàng là thật hay ảo, gọi trao đổi, xem và chụp màn hình lại mặt người bán, thông tin nhân thân...
Đồng thời hỏi các thành viên trong nhóm để biết người bán này có uy tín hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận