28/08/2021 09:53 GMT+7

Đề xuất đi chợ hộ qua app

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Hàng loạt công ty công nghệ vừa đề xuất được tham gia chia sẻ hạ tầng, nguồn lực miễn phí hỗ trợ lực lượng cung ứng hàng hóa thiết yếu, góp phần tiết kiệm thời gian, nguồn lực cho các lực lượng chức năng trong phòng chống dịch.

Đề xuất đi chợ hộ qua app - Ảnh 1.

Các chiến sĩ Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 đi chợ hộ cho người dân quận 3 tại siêu thị Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu sáng 27-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo các siêu thị, đây là thông tin rất tích cực nếu được triển khai sớm, bởi dự báo số lượng đơn đặt hàng tại các tổ đi chợ thay sẽ tăng vọt trong tuần tới, khi nguồn thực phẩm dự trữ của người dân bắt đầu cạn kiệt.

Có thể xử lý nhanh số lượng lớn các đơn hàng

Chiều 27-8, Sở Công thương TP.HCM đã họp với một số doanh nghiệp và bước đầu phổ biến đề xuất của Grab đến các quận, huyện và hệ thống phân phối thực phẩm trên toàn thành phố. Trước mắt một số quận đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn triển khai trước áp lực đơn hàng tăng cao như hiện nay.

Trong đề xuất gửi đến cơ quan chức năng, Grab VN cho biết sẵn sàng cung cấp miễn phí hạ tầng, lực lượng đi chợ thay sẽ được tạo một tài khoản Người đi chợ thay theo mỗi tổ công tác đặc biệt của phường/xã. 

Khi người dân đặt hàng trên ứng dụng (app), cán bộ đi chợ thay sẽ nhận được thông báo qua ứng dụng Grab và đến đơn vị cung ứng hàng hóa để nhận hàng, rồi giao cho người đặt theo đúng địa chỉ trên ứng dụng.

Mỗi cán bộ đi chợ thay có thể nhận và giao nhiều đơn hàng trong cùng một chuyến. Người đặt hàng sẽ vào danh mục GrabMart trên ứng dụng Grab, nhập địa chỉ cư trú, lựa chọn mặt hàng và số lượng cần mua. 

Người dùng chỉ đặt hàng được tại các đơn vị cung ứng hàng hóa trong khu vực sinh sống của mình. Người dùng được khuyến khích lựa chọn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng để giảm thiểu tiếp xúc vật lý.

Nếu người dân lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt, cán bộ đi chợ thay có thể tạm ứng tiền và thu lại của người dân theo biên lai hiện trên ứng dụng khi giao hàng. Về điểm này, Grab đề xuất thảo luận cụ thể hơn với từng địa phương và điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. 

Grab cho biết sẽ ưu tiên tạo tài khoản, kích hoạt đặt hàng và miễn toàn bộ chi phí sử dụng ứng dụng đối với các đơn vị cung ứng hàng hóa và người dùng.

Trong khi đó, đại diện Central Retail VN cũng cho biết ứng dụng Bip Bip mà hệ thống này đang vận hành giúp người dùng có thể chọn được những điểm bán gần nhà nhất và đặt hàng, những người đi chợ hộ sẽ dựa trên thông tin này để nhận đơn hàng. 

"Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ nền tảng này kết nối giữa nhu cầu đặt hàng của người dân và thống kê đơn hàng hỗ trợ khâu thanh toán" - đại diện đơn vị này nói.

Đề xuất đi chợ hộ qua app - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Thắng lấy hàng từ siêu thị Co.opMart Hoàng Văn Thụ để giao cho người dân trong phường 4, quận Tân Bình (TP.HCM) sáng 27-8. Anh Thắng cho biết mỗi ngày đi chợ hộ cho người dân trong phường từ 50-60 đơn hàng - Ảnh: T.T.D.

Rút ngắn thời gian, tiết kiệm nhân lực

Ngay sau khi Grab, Central Retail VN đề xuất sẵn sàng chia sẻ hạ tầng, nguồn lực miễn phí hỗ trợ lực lượng chức năng cung ứng hàng hóa thiết yếu, một số công ty công nghệ khác cũng bày tỏ mong muốn cùng tham gia để giảm gánh nặng cho chính quyền.

Đại diện Chợ Tốt cũng cho biết sẵn sàng chia sẻ hạ tầng kỹ thuật cho việc đi chợ hộ, hỗ trợ các đơn vị cửa hàng, hợp tác xã mở gian hàng trong ngày, hoàn toàn miễn phí để người dân dễ dàng đặt hàng và người bán quản lý đơn hàng. 

Một ví điện tử khác cũng đang muốn đứng ra kết nối với các địa phương và người dân trong việc đi chợ hộ cũng như thanh toán trên nền tảng này, rút ngắn thời gian xử lý các đơn hàng và giải quyết thanh toán tiền mặt hiện nay.

Các doanh nghiệp này cho rằng ứng dụng công nghệ hỗ trợ lực lượng đi chợ thay thế cho phương án như hiện nay sẽ tiết kiệm thời gian, công sức và nguồn lực cho các lực lượng chức năng trong phòng chống dịch mà vẫn đáp ứng được nhu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân tại TP.HCM.

Theo các siêu thị, việc một số đơn vị công nghệ đề xuất ứng dụng hạ tầng công nghệ để hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân là thông tin rất tích cực trong những ngày tới nếu được triển khai. Bởi hoạt động này sẽ góp phần gỡ khó cho địa phương cũng như người dân, giúp nhà bán lẻ dễ dàng hơn trong việc quản lý thông tin mua hàng, giao hàng và thanh toán.

Theo đại diện siêu thị AEON VN, do nhu cầu của người dân ngày càng tăng, từ phía siêu thị cũng như địa phương sẽ cần huy động nguồn lực lớn về nhân sự để chuẩn bị hàng và giao hàng cho từng hộ dân. 

"Những ngày tới nhà bán lẻ tiếp tục tận dụng nguồn nhân lực hiện có để chuẩn bị đơn hàng, nhưng mong muốn các cơ quan ban ngành cũng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để tăng thêm nhân sự, đặc biệt là sự phối hợp, giúp đỡ trực tiếp từ địa phương cũng như ứng dụng công nghệ" - bà Đoàn Kim Hương, trưởng phòng vận hành AEON Việt Nam, nói.

Đề nghị hải quân hỗ trợ vận chuyển hàng hóa

Sở Công thương TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ tư lệnh Vùng 2 hải quân đề nghị của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Sài Gòn Co.op) về việc hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu đến người dân.

Sài Gòn Co.op đề nghị hỗ trợ vận chuyển hàng từ tổng kho ở Khu công nghiệp Sóng Thần I (Dĩ An, Bình Dương) đến các điểm tập kết tại các quận, huyện của TP.HCM từ nay đến ngày 15-9, với trung bình 180 tấn mỗi ngày.

Ngoài ra đề xuất hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm thiết yếu từ các hộ nông dân, hợp tác xã tại các tỉnh miền Tây như Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp... đến tổng kho. Thời gian hỗ trợ từ ngày 26-8 đến 15-9 với số lượng khoảng 20 tấn mỗi ngày.

Sở Công thương đề nghị Bộ tư lệnh Vùng 2 hải quân hỗ trợ, tạo điều kiện cho Sài Gòn Co.op trong công tác phân phối hàng hóa thiết yếu đến người dân. Trước đó, Bộ tư lệnh Vùng 2 hải quân đã có văn bản đề nghị được hỗ trợ vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh về TP.HCM.

D.N.HÀ

Quá tải đơn hàng tại nhiều siêu thị

Sau 4 ngày TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội, thực phẩm dự trữ của người dân cạn dần khiến nhu cầu mua sắm tăng vọt trở lại. Các hệ thống đặt hàng của phường, siêu thị bắt đầu có tình trạng quá tải. Nhiều siêu thị cho biết đơn hàng hiện nay đã tăng lên gấp 4 lần so với ngày đầu tiên áp dụng siết giãn cách.

Tại AEON Việt Nam, số lượng đơn hàng combo tại các siêu thị AEON Tân Phú và AEON Bình Tân ngày 27-8 đã gấp 3-4 lần so với những ngày đầu triển khai, trung bình mỗi ngày tăng khoảng 30%. Chỉ riêng trong ngày 27-8, siêu thị AEON Tân Phú nhập vào khoảng 5 tấn thịt, cá và 20 tấn rau củ quả để chuẩn bị combo hàng hóa người dân đã đặt.

Tương tự, MM Mega Market cũng ghi nhận lượng mua hàng tăng vọt và phải tăng đơn đặt hàng từ nhà cung cấp để kịp cung ứng. Tại địa bàn này, doanh số của mảng bán theo combo chỉ chiếm 30%, người dân vẫn có xu hướng được đi chợ hộ theo nhu cầu.

Sở Công thương TP.HCM cho biết ghi nhận tình trạng quá tải đơn hàng của một số siêu thị khi phải choàng gánh nhu cầu tiêu dùng cho người dân, trong khi bình thường năng lực cung ứng chỉ chiếm 30-40%.

'Đi chợ' qua app, quẹo lựa rau củ, thịt, cá tươi sống... giao tận nơi

Thay vì chờ đến lượt cầm phiếu đi siêu thị theo giờ, nhiều bà nội trợ không cần ra khỏi nhà vẫn thỏa mái mua thực phẩm ưng ý bằng cách bật tính năng đặt trước đơn hàng với dịch vụ "đi chợ hộ" và thanh toán trực tuyến.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên