03/10/2023 12:41 GMT+7

Vụ trẻ tử vong sau khi ăn bánh đêm Trung thu: Bác sĩ nói lý do không cho bé nhập viện

MINH HÒA
và 1 tác giả khác

Người nhà bệnh nhi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh đêm Trung thu cho biết cả ba người trong gia đình đều có biểu hiện bị ngộ độc sau khi ăn bánh. Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh chia sẻ lý do không cho bé nhập viện.

Khu trọ nơi cháu Q. sinh sống cùng cha mẹ - Ảnh: MINH HÒA

Khu trọ nơi cháu Q. sinh sống cùng cha mẹ - Ảnh: MINH HÒA

Ngày 3-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chị Phan Thị Út (39 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) - mẹ cháu P.N.Q. (6 tuổi, con gái chị Út), bệnh nhi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh đêm Trung thu - cho biết đã đưa bé về quê nhà Cà Mau an táng.

Bé gái chết nghi ngộ độc sau khi ăn bánh đêm trung thu: Gia đình đưa thi thể về quê an táng

Gia đình ba người đều có biểu hiện ngộ độc

Chị Út nhớ lại, khoảng 22h ngày 29-9, sau khi hết ca làm việc, ban quản lý chung cư Palm Heights (phường An Phú, TP Thủ Đức) có cho chị ba cái bánh su kem (của một thương hiệu nổi tiếng) mang về phòng trọ tại đường Nguyễn Tư Nghiêm (TP Thủ Đức).

Lúc này, bé Q. đã ngủ nên chị để bánh trên bàn. Khoảng 8h sáng ngày 30-9, bé ngủ dậy và ăn hai cái bánh, còn một cái cháu chia cho T. (19 tuổi, anh của Q.).

Do ăn không hết nên bé Q. cho chị Út ăn nửa cái bánh. Đến khoảng 22h cùng ngày, cả ba người gồm chị Út, bé Q. và cháu T. bắt đầu có biểu hiện nôn ói, đau bụng, đi ngoài nhiều...

"Nguyên đêm đó tay chân tôi bủn rủn, chóng mặt, nôn ói, không làm gì được chỉ nằm một chỗ, bé Q. và anh nó cũng vậy", chị Út nhớ lại.

Đến khoảng 8h sáng ngày 1-10, do chị Út mệt, nôn ói và không có sức nên nói chồng chở bé Q. đi khám ở một cơ sở y tế trên địa bàn TP Thủ Đức. Sau khi khám xong, bác sĩ cấp thuốc về uống, theo dõi.

"Uống thuốc nguyên một ngày đến chiều cũng không có dấu hiệu thuyên giảm, bé vẫn nôn ói, đi ngoài nhiều và đau bụng", chị Út nói thêm.

Khoảng 18h cùng ngày, chị Út nói chồng chở cháu Q. vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) để thăm khám và điều trị. Theo chị Út, sau hơn một giờ thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh và cấp thuốc, cho cháu Q. về.

"Bác sĩ nói lấy thuốc về cho cháu uống rồi theo dõi tiếp. Tôi nói bác sĩ nhập viện nhưng bác sĩ nói không đến nỗi, nên không nhập viện, mình mới đưa cháu về phòng", chị Út thuật lại.

Đến 22h, cháu Q. có triệu chứng nặng hơn, người nóng ran nên người nhà lấy khăn nhúng nước ấm lau người cho cháu. Đến khoảng 23h, cháu Q. có biểu hiện tím môi, người lờ đờ. Sau đó người nhà lấy xe máy chở cháu Q. quay lại Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

Trên đường đến bệnh viện tim cháu ngừng đập, bác sĩ cấp cứu nhưng cháu đã mất.

Chị Út tâm sự, hai vợ chồng lên TP.HCM được khoảng 12 năm, chồng chị đi nhặt ve chai phụ giúp gia đình, còn chị là nhân viên vệ sinh chung cư Palm Heights. Cháu Q. vừa nhập học lớp 1 được khoảng một tháng nay. 

Bệnh nhân không có dấu hiệu chuyển nặng

Ngày 3-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết chiều 1-10, khi bé Q. nhập viện thăm khám thì lúc khám bé tỉnh, không có dấu hiệu chuyển nặng nên bác sĩ không cho nhập viện.

Sau khi thăm khám và kê đơn thuốc, các bác sĩ có dặn người nhà khi có dấu hiệu bất thường cho bé quay lại bệnh viện thăm khám để xử lý kịp thời.

Cũng theo thông tin từ bệnh viện, đêm 1-10, bé Q. được chẩn đoán vào viện đã ngưng tim, ngưng thở trước khi nhập viện chưa rõ nguyên nhân.

Ba mẹ bé cho biết tối 30-9, bé ói nhiều lần kèm tiêu chảy ba lần, ở nhà không xử trí gì. Chiều 1-10, bé được đưa tới Bệnh viện Lê Văn Thịnh khám với chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, bác sĩ kê đơn thuốc ra về (kháng sinh, giảm đau, men tiêu hóa).

Đến 23h gọi bé không phản ứng, người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. Lúc này bé đã hôn mê, nhịp tim, huyết áp không đo được, da lạnh, tím tái toàn thân, không nghe được nhịp thở. Tại khoa cấp cứu, bé được hồi sinh tim phổi nhưng không thành công, bé tử vong.

Một chuyên gia tiêu hóa về nhi cho rằng trường hợp khi trẻ ngộ độc nếu thăm khám trẻ còn tỉnh táo, dấu hiệu sinh tồn bình thường, các bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho về nhà.

Tuy nhiên, phải căn dặn kỹ người bệnh, khi có dấu hiệu bất thường phải chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời.

11 trẻ ngộ độc quả hồng châu, 1 em chết, 3 em nguy kịch11 trẻ ngộ độc quả hồng châu, 1 em chết, 3 em nguy kịch

Liên tiếp trong hai ngày 31-7 và 1-8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang tiếp nhận 11 trẻ bị ngộ độc quả hồng châu, trong đó 1 trẻ đã tử vong, 3 trẻ nguy kịch.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên