21/06/2015 09:58 GMT+7

Vinh dự này xin dành cho bạn đọc

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Tối nay 21-6, tại lễ trao giải báo chí quốc gia, có một cô giáo mầm non sẽ nhận giải A - giải thưởng báo chí cao nhất, dù cô chưa một ngày học ở trường báo chí, chưa từng viết một bài báo.

Cô giáo Minh và những học trò nhỏ trong phòng học mới - Ảnh: Ngọc Quang
Cô giáo Minh và những học trò nhỏ trong phòng học mới - Ảnh: Ngọc Quang

Nhưng không ai nghi ngờ gì về giá trị của những đoạn clip mà cô đã quay bằng một chiếc điện thoại di động cũ kỹ cảnh thầy trò ở một bản nhỏ sát biên giới đến trường bằng cách... chui vào túi nilông để rồi nhờ người bơi kéo qua giữa con nước cuồn cuộn.

Cô giáo ấy là Tòng Thị Minh dạy lớp mẫu giáo ở Sam Lang, Điện Biên. Cô Minh là một trong số hàng vạn bạn đọc đã giúp các phóng viên Tuổi Trẻ có được những đề tài, những tư liệu quý giá.

Trong 15 giải báo chí mà Tuổi Trẻ có được ở năm nay (7 giải báo chí quốc gia và 8 giải báo chí TP.HCM), có thể kể đến những tác phẩm có sự đóng góp to lớn từ bạn đọc. Đó là những người đã báo tin cho các phóng viên Hoàng Lộc, Đức Phú để hóa thân vào đường dây bóc lột lao động nhà quê, đường dây bán thận...

Không chỉ báo tin, bạn đọc còn che chở cưu mang trong những ngày phóng viên “hóa thân”. Cũng không phải ngẫu nhiên mà bạn đọc đã chọn Tuổi Trẻ để cung cấp đề tài, rồi bằng tất cả khả năng của mình hỗ trợ phóng viên tác nghiệp một cách tốt nhất có thể.

Từ cuộc điện thoại của một bạn đọc năm nào báo tin một hành khách bị đánh chết khi không chịu ăn “cơm tù” đã làm nên tuyến bài “Cơm tù xe cướp” làm lay động xã hội. Nhờ những tài xế dọc đường thiên lý Bắc - Nam đã cưu mang phóng viên để ra đời những tuyến bài vạch trần nạn mãi lộ... Những câu chuyện như thế trong hành trình 40 năm của báo Tuổi Trẻ chắc không thể nào kể hết được.

Không chỉ có những bạn đọc báo tin, trao gửi đề tài, trên dặm đường gió bụi của nghề, còn biết bao nhiêu bạn đọc lặng thầm giúp đỡ những phóng viên Tuổi Trẻ như thế. Mấy tháng trước, sau khi hoàn tất chương trình “Tháng ba biên giới” ở Hà Giang, thay vì chọn con đường êm ái để chạy về Hà Nội, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đã quyết định đi xuyên theo tuyến đường 279 đầy ổ gà ổ voi để ghé vào thôn Bắc Mục, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên (Lào Cai) để nói lời cảm ơn với một chàng thanh niên tên Bảo.

Mười năm trước, khi nhóm phóng viên Tuổi Trẻ đi viết bài về lũ quét ở Lào Cai đã bị tắc đường tại đây, tiến thoái lưỡng nan, nhóm phóng viên cần phải tiếp tục lội bộ vào hiện trường trong khi giữa rừng không còn quán xá, tài xế và ôtô phải kẹt lại gần một tuần giữa rừng và chính chàng trai ở cái thôn nghèo hẻo lánh ấy đã cưu mang vô cùng chu đáo, vét những gói mì tôm cuối cùng để nhét vào balô cho anh em làm lương khô đi tiếp mà không hề lấy một đồng nào. Mười năm gặp lại, cảm ơn câu chuyện cũ, Bảo chỉ cười: Bọn tôi quý nhà báo lắm!

Một lần khác ra đảo Nam Du, trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc, chúng tôi gặp ở trạm hải đăng trên đảo một chồng báo Tuổi Trẻ không sót số báo nào, hỏi ra, người trạm trưởng bảo rằng niềm vui lớn nhất của anh là được mỗi sáng chạy từ hải đăng xuống cầu tàu, đón chiếc thuyền từ đất liền mang ra cho tờ báo Tuổi Trẻ...

Chính là clip của cô giáo Tòng Thị Minh hay gói mì tôm của chàng trai tên Bảo ở giữa rừng Lào Cai; là cabin của những chiếc xe đường trường hay cuộc điện thoại lúc nửa đêm của người bạn đọc vô danh; là những số báo Tuổi Trẻ giữa hòn đảo xa hút tắp được nâng niu..., đó mới là sức sống để làm nên những trang báo, những giải thưởng, những vinh dự.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên