Cố vấn nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi - Ảnh: AFP
Trả lời câu hỏi của phóng viên hôm 1-2 về phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến gần đây tại Myanmar, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
"Là nước láng giềng trong khu vực và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam hết sức quan tâm theo dõi tình hình đang diễn ra tại Myanmar. Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN".
Trước đó trong ngày 1-2, Reuters đưa tin bà Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo đảng cầm quyền bị bắt trong một cuộc đột kích của quân đội.
Đây là diễn biến mới nhất liên quan tới căng thẳng giữa chính quyền dân sự và quân đội ở Myanmar. Dư luận quốc tế đặc biệt chú ý việc bắt bà San Suu Kyi, người nhận giải Nobel hòa bình, và từng được xem là biểu tượng cho cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ.
Trong cuộc bầu cử năm 2020, Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) tuyên bố chiến thắng để tiếp tục lãnh đạo Myanmar. Tuy nhiên trong một tuyên bố trên truyền hình do quân đội sở hữu, phía quân đội nói rằng đã thực hiện vụ bắt người trên nhằm phản ứng với "gian lận bầu cử".
Một số nước tới nay đã lên tiếng về vấn đề này. Phía Mỹ cho biết Mỹ "phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả bầu cử gần đây hoặc cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar, đồng thời sẽ có hành động chống lại những người chịu trách nhiệm nếu các vấn đề này không được tôn trọng".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Úc Marise Payne ra thông điệp: "Chính phủ Úc quan ngại sâu sắc về thông tin quân đội Myanmar một lần nữa tìm cách kiểm soát Myanmar, và bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống U Win Myint.
Chúng tôi kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng pháp quyền, xử lý tranh chấp thông qua các cơ chế hợp pháp, ngay lập tức thả tất cả các lãnh đạo dân sự và những người khác vốn đang bị bắt giữ phi pháp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận