'Bao Công làng' Nguyễn Công Uẩn bức xúc việc "có tiền là trở thành thương binh" nên 5 năm trời vác đơn đi tố cáo - Ảnh: CHÍ TUỆ
Ông Uẩn lọm khọm dọn mấy trái cà muối và vài miếng đậu hũ mời tôi dùng cơm chiều. Như ngại bữa ăn quá đạm bạc, ông nói: "Hay tôi làm thịt con bồ câu nhé, nhanh mà".
Tôi phải can mãi ông mới chịu thôi. Bầy chim nhỏ ông nuôi để bán kiếm tiền quay quắt qua ngày trên đường đi tìm công lý.
Ông là Nguyễn Công Uẩn, người chống tham nhũng nổi tiếng ở làng Bùi Xá, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Ngồi lặng nhìn ông cụ hom hem tuổi 82 khó nhọc nuốt từng đũa cơm thiếu thức ăn, tôi khó hiểu sức lực đâu mà ông làm được nhiều việc "động trời" như thế.
Từ chướng tai gai mắt với chuyện thu thuế lúa công ích 50%, rồi việc thu chi làm đường sá giao thông đầy khuất tất, ông đã điều tra sự thật, khiến nhiều cán bộ sai phạm phải ra tòa.
Đặc biệt, gần đây ông còn cùng người bạn cựu chiến binh phanh phui gần 3.000 hồ sơ thương binh giả, kiến nghị thu hồi 150 tỉ đồng và giúp ngân sách mỗi năm không chi sai 20 tỉ đồng...
Hành trình chống tham nhũng của ông Uẩn còn rất nhiều chuyện để kể, nhưng điều làm tôi nghĩ mãi là ông nghèo, nghèo quá. Nghèo đến mức giữa thời nay đi nộp đơn chống tiêu cực, mà ông già tuổi gần đất xa trời vẫn phải còm cõi đạp chiếc xe đạp cũ tả tơi, vẫn phải ăn cơm nắm với muối mè gói theo, vì không có tiền.
Vừa rồi, Bộ LĐ-TB&XH đã tặng bằng khen cùng 1,2 triệu đồng cho ông sau một thời gian dài chờ ý kiến địa phương. Số tiền không đủ để ông trang trải dù chỉ một phần rất nhỏ chi phí mà ông phải chi để tìm lẽ phải.
Mới đây, người phản ảnh khuất tất về thuế của Công ty Nguyễn Kim cũng được thưởng 3 triệu đồng cho số tiền gần 150 tỉ đồng ngành thuế truy thu được.
Trên nẻo đường nghề nghiệp, tôi đã chứng kiến rất nhiều chuyện như ông cụ chống tham nhũng này. Người dũng cảm phanh phui những tham nhũng ở địa phương, người kiên trì chống tiêu cực ở công ty, đơn vị mình mà không ngại bị trù dập, mất việc.
Thậm chí, họ còn không sợ cả hiểm nguy chính tính mạng mình và sự an lành của gia đình...
Tâm sự với tôi, họ thường chỉ kể chuyện lẽ phải mà hiếm khi nhắc đến khó khăn họ phải đối mặt. Nhiều người mất việc, nợ nần, thậm chí phải bán nhà, gia đình ly tán, sa cảnh nghèo khổ, nhưng họ vẫn kiên quyết không lùi bước trước cái xấu. Chưa một ai trong cuộc nói với tôi rằng họ đấu tranh để mong được đền đáp.
Ông Uẩn cũng như người khác không bao giờ tự nói. Nhưng người hiểu chuyện đều ái ngại, mong họ được đền đáp phần nào xứng đáng những gì họ nỗ lực làm được. Xã hội đầy chuyện tiêu cực, tham nhũng, tội ác...
Cần biết bao những người không im lặng trước cái sai, cái xấu. Những việc họ đấu tranh đóng góp hết sức to lớn cho xã hội an lành. Đã nghe nhiều hứa hẹn thưởng xứng đáng cho người có công chống tiêu cực, tham nhũng, nhưng thực tế mấy người được nhận.
Những quy định còn hạn chế định mức thưởng này nọ đều có thể sửa đổi cho hợp lý thực tiễn. Điều quan trọng hơn là ghi nhớ, tôn vinh, là tạo ra một cơ chế thông thoáng để tất cả mọi người đều cùng tham gia phản ảnh, cung cấp thông tin chống tiêu cực...
Tiền thưởng quan trọng, song với nhiều người, không gian đồng lòng như vậy quan trọng hơn. Có như vậy mới có thể giúp việc nghĩa ngày càng nhiều hơn, lan truyền nhiều hơn cho một mai xã hội tốt đẹp hơn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận