Thị trường bất động sản TP.HCM vẫn đang trên đà tăng trưởng - Ảnh: TL
Đó là nhận xét của tờ báo Hong Kong South China Morning Post (SCMP) trong bài viết đăng hôm nay 22-5.
Dẫn số liệu của CBRE Vietnam - công ty bất động sản có trụ sở chính tại Mỹ, báo SCMP cho biết khách hàng từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hong Kong chiếm 25% tổng đầu tư nước ngoài vào bất động sản Việt Nam trong năm 2017, tăng so với mức 21% của năm 2016.
Dân Trung Quốc thấy... rẻ
Bà Carrie Law - giám đốc điều hành công ty môi giới trực tuyến Juwai.com, giải thích trong bối cảnh Bắc Kinh đang siết chặt chính sách kiểm soát dòng vốn, giá BĐS tương đối thấp của Việt Nam rất hấp dẫn dân Trung Quốc.
"Người mua với khối tài sản giới hạn ở nước ngoài có thể mua BĐS ở một thị trường tăng trưởng nhanh (VN) và đa dạng hóa kênh đầu tư của họ. Anh có thể mua một căn hộ 700.000 nhân dân tệ (109.781 USD) ở Việt Nam với số tiền anh để ở nước ngoài, trong khi anh không thể mua nổi căn nhà 5 triệu nhân dân tệ ở Úc hoặc Mỹ" - bà Law giải thích về sự lựa chọn mới của những người Trung Quốc chưa có nhiều tiền đầu tư ở các quốc gia phát triển.
"Nhu cầu của khách Trung Quốc đối với BĐS Việt Nam trong quý 1 năm 2018 cao hơn 300% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy Việt Nam chưa được yêu thích như Thái Lan hay Malaysia, nhu cầu rõ ràng là đang tăng" - bà Law nhận xét.
Theo giới kinh doanh, giá căn hộ cao cấp ở TP.HCM đang dao động trong khoảng 3.000 – 6.000 USD/m2, chỉ bằng một nửa so với mức 7.000 – 9.000 USD của BĐS cùng phân khúc tại Bangkok, và chưa bằng 10% so với giá nhà ở Hong Kong.
Có ý kiến so sánh TP.HCM với quận Phố Đông của thành phố Thượng Hải cách đây 10 năm, khi các công trình hạ tầng gồm tàu điện ngầm và cảng hàng không mới được xây dựng ồ ạt, giúp đẩy giá BĐS lên cao.
Với đà này, TP.HCM có khả năng nối gót Thượng Hải về phương diện… đắt đỏ, với giá nhà tăng từ 4-5 lần trong 10 năm tới, theo một số dự báo.
Một góc quận 2, TP.HCM - Ảnh: TL
Sinh lợi cao nhưng rủi ro
Không chỉ dân Trung Quốc, người nước ngoài nói chung đang quan tâm hơn đến BĐS ở TP.HCM, dù ngân hàng Việt Nam không cho nhóm đối tượng này vay.
Anh Abhinav Maheshwari làm việc trong ngành tài chính Hong Kong là một ví dụ. Anh kể cô vợ người Trung Quốc đại lục của anh đã chi 2 triệu đô Hong Kong (254.800 USD) để mua một căn hộ 87m2 ở TP.HCM.
"Căn hộ là món đầu tư của chúng tôi. Nếu xét tính ổn định chính trị, chúng tôi cho là Việt Nam có khả năng tăng trưởng như Trung Quốc. Về lâu dài, nó cũng giúp chúng tôi đa dạng hóa đầu tư thay vì giữ đô la Hong Kong, vốn bị neo vào đồng USD" - anh Maheshwari giải thích.
"Tôi có thể cân nhắc thêm các thành phố khác ở Việt Nam, có lẽ là Đà Nẵng, một số người bạn của tôi đã mua biệt thự ở đó" - anh Maheshwari bổ sung.
Tuy nhiên, giới kinh doanh nước ngoài cũng dè chừng nguy cơ bong bóng của BĐS Việt Nam. Nguyên tắc là sinh lợi cao vốn thường đi kèm với rủi ro tương ứng.
"Thị trường Việt Nam không ổn định như một nước phát triển, nguy cơ bong bóng và sụp đổ cũng lớn hơn. Tôi thường khuyên khách hàng nên chịu khó nghiên cứu và chọn những dự án có giá trị bền vững, chẳng hạn nằm ở vị trí thuận lợi" - giám đốc Law của Juwai bình luận.
Dù đa số dân kinh doanh BĐS nhận định thị trường Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018, bà Law cho biết một số người lo rằng giá nhà sẽ đạt ngưỡng "bong bóng" trong năm tới, đặc biệt trong điều kiện quỹ đất dành cho phát triển nhà ở có giới hạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận