Nguyên nhân giá dầu giảm được giải thích là giới đầu tư lo ngại về nhu cầu nhiên liệu khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và số ca COVID-19 tăng ở Trung Quốc.
Theo Hãng tin Reuters, dầu Brent giao sau được giao dịch ở mức 77,84 USD/thùng, giảm 4,26 USD, tức 5,2%. Kể từ đầu tuần, giá dầu đã giảm khoảng 9,4%, theo dữ liệu của Hãng Refinitiv Eikon.
Sản xuất giảm ở Mỹ và Trung Quốc
"Dầu thô đang giao dịch ở mức giá thấp vì quan ngại với tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc và các động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (hay FED, ý nói quyết định tăng lãi suất cơ bản liên tục của tổ chức này) có thể khiến kinh tế thế giới suy thoái", Reuters dẫn lời ông Bob Yawger, giám đốc phụ trách mảng hợp đồng nhiên liệu giao sau của Hãng đầu tư Mizuho tại New York (Mỹ).
Dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy trong khi không có biến chủng vi rút corona nào mới, số ca tử vong được báo có thể thấp hơn nhiều so với thực tế, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Chỉ số sản xuất công nghiệp của nước này cũng đã giảm tháng thứ năm liên tiếp trong tháng 12-2022.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài Mỹ CBS, bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng việc nền kinh tế Trung Quốc khởi đầu năm 2023 chật vật là "tin xấu" với kinh tế thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây tuyên bố kinh tế nước này tăng trưởng 4,4% vào năm 2022, cao hơn so với kỳ vọng, nhưng cũng lưu ý Trung Quốc sẽ phải sẵn sàng đối phó với những khó khăn ngày càng lớn vì dịch COVID-19 trong các tháng tới.
Trong khi đó ở Mỹ, sản lượng công nghiệp chế tạo tiếp tục sụt giảm trong tháng 12, tháng thứ hai liên tiếp chỉ số này đi xuống, và hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 5-2020, theo Viện Quản lý nguồn cung Management (ISM).
Thị trường cũng phản ứng với thời tiết mùa đông ấm hơn bình thường ở bắc bán cầu và khả năng "1/3 thế giới có thể rơi vào suy thoái trong năm 2023 (dẫn tới nhu cầu về dầu mỏ và khí đốt giảm)", trang tin Oil Price dẫn nhận định của Ngân hàng Saxo Bank.
Số liệu ngày 4-1 cho thấy hoạt động kinh doanh ở khu vực đồng euro chưa đạt tới mức thoát khỏi suy thoái. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng vào tháng 12-2022 của khối kinh tế này là 49,3, tuy tăng so với 47,8 của tháng 11 nhưng vẫn dưới 50 - mức để nền kinh tế tăng trưởng. Chỉ số này đã dưới mốc 50 suốt từ tháng 7-2022, hệ quả trực tiếp của cuộc chiến tại Ukraine.
Giá nhiên liệu sẽ ổn định hơn?
Sản lượng dầu mỏ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng đã tăng trong tháng 12, theo thăm dò của Reuters ngày 4-1. Tổng sản lượng của OPEC hiện ở mức 29 triệu thùng mỗi ngày, tăng khoảng 120.000 thùng so với tháng 11.
"Mức tăng này chủ yếu do sự hồi phục của Nigeria với sản lượng khai thác tăng thêm 150.000 thùng mỗi ngày. Còn với các nước OPEC khác, sản lượng hầu như không đổi", Hãng tài chính ING phân tích. Dự trữ dầu thô của Mỹ cũng đã tăng thêm 1,2 triệu thùng vào tuần trước, lên mức 3,3 triệu thùng (số liệu Viện Dầu khí Mỹ). Vì những lý do này, 30 kinh tế gia trả lời thăm dò của Reuters trong tháng 12 đã dự báo giá dầu trong cả năm 2023 sẽ giảm so với năm 2022. Ước tính của họ là giá dầu thô Brent cả năm 2023 sẽ ở mức trung bình 89,37 USD/thùng, để so sánh, năm 2022 là hơn 102 USD/thùng.
"Chúng tôi cho rằng thế giới sẽ rơi vào suy thoái từ đầu năm 2023 vì lạm phát cao và quyết định tăng lãi suất ồ ạt ở nhiều nơi", nhà kinh tế Bradley Saunders của Hãng Capital Economics nói với Reuters.
Giá khí đốt tham chiếu TTF Hà Lan ở châu Âu cũng đã giảm hơn 10% ngày 4-1, xuống còn 64,20 euro/MWh, thấp nhất kể từ tháng 11-2021 và chưa bằng 1/5 mức giá đỉnh 340 euro/MWh vào tháng 8-2022.
Nỗi lo đã chấm dứt
"Thị trường tự tin rằng nếu có một đợt lạnh đột ngột đổ về trong các tháng tới, vẫn đủ khí đốt và khí hóa lỏng để chúng ta vượt qua mùa đông", báo Financial Times (FT) dẫn lời ông Tom Marzec-Manser, chuyên gia khí đốt của công ty nhiên liệu và hóa chất ICIS. "Mối lo hồi tháng 8 rằng châu Âu sẽ trải qua mùa đông không đủ khí đốt dự trữ coi như đã chấm dứt".
Thông thường vào tháng 12 hằng năm, mức dự trữ khí đốt ở châu Âu thường sẽ giảm do nhu cầu cao hơn, riêng năm nay, từ Giáng sinh tới giờ, châu Âu đã tăng mạnh lượng khí đốt dự trữ, đạt mức 83,37% tổng công suất, FT dẫn số liệu từ Cơ quan Hạ tầng khí đốt châu Âu, cao hơn 30% so với năm 2021 và 10% mức trung bình trong năm năm qua.
Giá xăng thành phẩm tại Singapore đã giảm 6 USD/thùng
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 5-1, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu phía Nam cho biết diễn biến giá năng lượng trên thị trường thế giới thời gian qua biến động bất thường, không theo các quy luật trước đây. Do đó, giá dầu thô rớt xuống thấp trong các phiên qua cũng là một diễn biến bất thường nữa.
Điều này đã ngay lập tức tác động đến giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore, khiến giá mặt hàng này giảm 6 USD/thùng.
Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp, để xác định việc giá xăng dầu bán lẻ trong nước có giảm theo hay không, cần phải theo dõi diễn biến nhiều phiên, bởi chu kỳ tính giá xăng bán lẻ trong nước là bình quân của 10 ngày.
Bên cạnh đó, nếu giá dầu thô xuống thấp, song giá xăng dầu thành phẩm tại Singapore không xuống theo trong nhiều phiên cũng sẽ khó tác động đến giá xăng dầu trong nước.
Tuy vậy vị này cho rằng nếu giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm giảm kéo dài, người tiêu dùng trong nước sẽ được hưởng lợi vì được mua xăng dầu giá rẻ, nhưng các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thời điểm này sẽ chịu tác động do rớt giá mua đầu vào.
NGỌC HIỂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận