Luôn đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng và khử khuẩn tay để phòng tránh COVID-19 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Nhiều thắc mắc của bạn đọc đã được gửi đến chuyên gia y tế trong chương trình tư vấn trực tuyến trên Tuổi Trẻ Online chiều 30-7.
* Tôi ở TP.HCM, có đến Đà Nẵng trong tháng 7-2020. Khi về, tôi đã khai báo y tế ở địa phương nhưng vẫn chưa được gọi xét nghiệm. Tôi cần làm gì trong khi chờ đợi trạm y tế địa phương thông báo xét nghiệm? (Thiên Đăng)
- TS.BS Phạm Quang Thái (phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) trả lời: Theo thông báo mới nhất của Bộ Y tế, việc khai báo y tế là bắt buộc và tốt nhất là liên hệ với y tế địa phương để được tư vấn.
Trong khoảng thời gian chờ xét nghiệm COVID-19, bạn cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng, tránh tiếp xúc đông người. Khi có hiện tượng của cúm thì phải đến cơ sở y tế ngay để được giúp đỡ.
* Sau khi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở trạm y tế phường/xã, bao lâu mình mới biết kết quả? (Bảo Ngân)
- TS Nguyễn Huy Nga (nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) trả lời: Kết quả xét nghiệm tùy theo đơn vị lấy mẫu và đơn vị xét nghiệm, đời máy xét nghiệm, ưu tiên mẫu xét nghiệm và cũng tùy theo mục đích lấy mẫu của y tế và thời gian vận chuyển đến cơ sở xét nghiệm.
Chẳng hạn ở Viện Pasteur có thể chỉ sau 3-4 giờ là có kết quả. Nếu bạn xét nghiệm sau khi về thành phố đã 12 ngày mà vẫn âm tính thì không cần thiết phải xét nghiệm lại và sau 14 ngày bạn có thể đi làm.
* Với những người từ Đà Nẵng về, người nào được ưu tiên xét nghiệm? Những người chưa được xét nghiệm hiện cũng rất nóng ruột khi phải chờ đợi... (Cẩm Linh)
- TS.BS Phạm Quang Thái: Hiện tại đã có khuyến cáo cho toàn bộ người từng đến Đà Nẵng trong giai đoạn từ 1-7 đến nay phải khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên do công tác hậu cần liên quan đến cơ sở y tế và xét nghiệm, việc tổ chức xét nghiệm này sẽ được kiện toàn trong thời gian tới.
Người dân ngoài việc chủ động khai báo trên các ứng dụng như NCOVI, SuckhoeVietnam, hoặc trang web https://tokhaiyte.vn để được hỗ trợ thì có thể gọi đến đường dây nóng của các tỉnh, TP và chờ phản hồi từ các cơ quan chức năng.
Đồng thời cần hạn chế tiếp xúc, tự cách ly tại nhà trong thời gian chờ đợi. Việc tổ chức xét nghiệm sẽ sớm được tiến hành trong thời gian tới.
* Ngày 26-7, mẹ tôi có đón xe khách từ Đà Nẵng về TP.HCM. Hiện mẹ tôi đang cách ly tại nhà. Khi chăm sóc mẹ, tôi vẫn đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên thì có cần cách ly ở nhà 14 ngày luôn không hay vẫn có thể đi làm bình thường? Ngoài ra, tôi muốn cho mẹ làm xét nghiệm thì đến đâu? (Phan Lý Hùng Quân)
- TS Nguyễn Huy Nga: Bạn làm đúng quy trình bảo vệ cá nhân thế là tốt. Bạn có thể đi làm nhưng nên đeo khẩu trang thường xuyên và tránh tiếp xúc với nhiều người. Trường hợp mẹ bạn bị sốt hoặc có triệu chứng cúm thì bạn phải nghỉ làm và theo dõi sức khỏe.
Về việc xét nghiệm COVID-19, bạn phải liên hệ đường dây nóng của y tế quận, huyện. Việc xét nghiệm là do y tế chỉ định, không có xét nghiệm dịch vụ ở TP.HCM.
* Tôi đi Đà Nẵng về từ ngày 6-7. Cho tôi hỏi nếu không sốt, không tức ngực hay khó thở mà chỉ bị ho đờm thì có đáng lo không? (Hải Triều)
- TS Nguyễn Huy Nga: Trước hết bạn nhớ lại khi ở Đà Nẵng bạn đi đâu, tiếp xúc với ai. Có đến các điểm nguy cơ cao mà Bộ Y tế đã thông báo khẩn chưa? Nếu chỉ ho có đờm thì chưa phải là triệu chứng điển hình của COVID-19. Tuy nhiên bạn nên liên hệ cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn.
Cách ly tại nhà như thế nào?
* Tôi có đến Đà Nẵng trong tháng 7-2020, nay đang cách ly tại nhà. Những người cách ly tại nhà đang sống cùng gia đình cần lưu ý gì trong sinh hoạt hằng ngày? Người sống chung với người được cách ly tại nhà cần làm gì? (Ngô Ngọc Lan, TP.HCM; minhtule@...)
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, khi cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú, người cách ly cần chấp hành những yêu cầu như ở nhà, không đi ra ngoài trong suốt thời gian cách ly. Nếu vi phạm, người cách ly bắt buộc phải vào khu cách ly tập trung.
Trong thời gian này, người cách ly cần ở trong phòng riêng thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người khác trong gia đình. Khi cần tiếp xúc phải mang khẩu trang và giữ khoảng cách 2m. Người bị cách ly rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, không ăn uống chung với các thành viên khác trong gia đình, sử dụng riêng các dụng cụ ăn uống.
Bỏ khẩu trang, khăn giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào một túi đựng rác thải riêng để trong phòng cách ly. Trong thời gian cách ly, nếu có xuất hiện triệu chứng, túi đựng rác thải này sẽ được nhân viên y tế xử lý theo quy định của rác y tế. Hết thời gian cách ly nếu không có triệu chứng sẽ xử lý như rác thải thông thường. Người cách ly tự theo dõi sức khỏe bằng cách đo thân nhiệt hai lần mỗi ngày để xem có bị sốt hay không (sốt là khi nhiệt độ cơ thể lớn hơn hoặc bằng 37,5 độ C). Nếu có ho, khó thở phải thông báo ngay cho nhân viên y tế.
Tốt nhất, người cách ly sống trong phòng riêng hoặc phải đảm bảo khoảng cách 2m với giường ngủ của các thành viên khác. Những người sống chung hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, khi cần tiếp xúc phải mang khẩu trang và giữ khoảng cách 2m. Nhà cửa (nền nhà, tay nắm cửa, bề mặt trong nhà) cần được vệ sinh thường xuyên bằng các chất tẩy rửa. Người sống cùng nên giúp đỡ, động viên người được cách ly và không tổ chức các hoạt động đông người tại nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận