
Cá lóc được phủ kín bằng rơm rồi đốt khoảng 15 phút trong lửa lớn - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Thời điểm từ nửa cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 hằng năm, trên nhiều cánh đồng ở miền Tây thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân. Cắt lúa xong, rơm khô đầy đồng, sẵn dịp bày ra nướng cá lóc.
Trước đây, khi nguồn cá đồng còn nhiều, dân đi đồng xúm lại với nhau xuống mương bắt cá lóc đồng nướng ngay tại bờ ruộng.
Bây giờ ít bắt được cá sẵn ngoài đồng, nhưng dân quê tôi nhớ hương vị cá lóc nướng rơm và thường mua sẵn cá để dành, khi đồng lúa vừa cắt xong, rơm hong khô một nắng liền chạy ù ra bờ đê nướng cá.

Cá lóc nướng trong rơm lửa lớn rồi ủ tiếp trong than rơm khoảng 10 phút - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Những con cá lóc nướng đã chín nứt da, bay mùi thơm phức giữa đồng - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Cá lóc rửa thật sạch nhớt, để nguyên đầu và vảy rồi dùng đoạn tre non khoảng 50cm cắm vào từ miệng đến khoảng giữa bụng cá, chừa một đoạn tre khoảng một gang tay để cắm xuống đất.
Sau đó lấy rơm khô phủ lên cá rồi đốt trong khoảng 15 phút, tiếp đến ủ than rơm thêm khoảng 10 phút, sau đó cạo sạch lớp bụi đen thì có thể ăn được.

Cá lóc nướng ăn kèm với rau sống - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Khi lớp tro rơm từ từ tàn đi, những con cá lóc nướng đã chín nứt da, để lộ ra thớ thịt vàng ruộm, bay mùi thơm phưng phức.
Dân đi đồng cứ thế phủi sạch lớp than đen rồi ăn ngay cho nóng. Mùi thơm của cá nướng hòa quyện vào mùi thơm của rơm thoang thoảng khiến món ăn dân dã của đồng quê tự nhiên ngon lạ lùng.
Có lẽ vì vậy mà mỗi khi có dịp về miền Tây, khách phương xa được chủ nhà đãi món cá lóc đồng nướng rơm đơn sơ mà cứ nhắc nhớ mãi không thôi bởi quý ở cái tình, cái hồn quê bình dị.
Không cầu kỳ, hương vị quê nhà cứ thế bay đi xa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận