Video: THÁI BÁ DŨNG - HUỲNH VY - TRINH TRÀ
Quỳnh Như phụ bà nội làm việc nhà trước lúc lên đường nhập học - Ảnh: B.D.
Trời sẩm tối, những đợt mưa xối xả giội vào căn nhà của mấy bà cháu. Dưới nền đất, Trần Võ Quỳnh Như cùng đứa em út là Quỳnh Trâm - hiện đang là học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ, Quảng Nam) - tranh thủ những ngày cuối cùng ở nhà trước lúc vào đại học để nấu cơm, rửa bát, phụ làm công việc nhà. Ngôi nhà nhỏ nhưng ấm cúng, rộn rã tiếng cười.
Suốt 20 năm nuôi cháu lớn khôn
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng là cán bộ về hưu. Suốt gần 20 năm qua, bà tự tay nuôi ba anh em Quỳnh Như khôn lớn bởi ba đứa cháu của bà đã chịu cảnh mồ côi cha, mẹ bỏ đi từ nhỏ.
Chị Trần Thị Bích Thủy - con gái của bà Phượng - cho biết ba mẹ Như sinh được ba người con. Như là con giữa, người anh đầu hiện đang đi học nghề, em út đang học lớp 12. Mẹ Như bỏ đi từ năm em mới 3 tuổi. Năm 2010, ba Như là ông Trần Quốc Toản cũng mắc ung thư ác tính và qua đời. Ba đứa trẻ vốn đầy đủ mẹ, cha bỗng rơi vào cảnh mồ côi.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết khi không còn cả cha lẫn mẹ, mấy anh em Như được ông bà đón về nuôi. Cuộc sống mấy bà cháu chật vật vì nguồn chi tiêu hằng ngày, chi phí học tập của ba cháu chỉ trông chờ vào đồng lương của ông bà. Cha mất, Như và hai anh em được ông bà yêu thương hết mực. Ông bà là chỗ dựa còn lại, thay cha mẹ nuôi ba đứa trẻ khôn lớn, trưởng thành.
Năm Như học lớp 9, bi kịch một lần nữa lại đến. Ông Trần Văn Tống - nội của Như - cũng rời bỏ mái nhà, bỏ mấy bà cháu sau nhiều năm chống chịu với căn bệnh ung thư. "Lúc đó mình gần như tuyệt vọng, cảm thấy mình quá nhiều nỗi bất hạnh khi mà những người thân yêu nhất lần lượt ra đi" - Như nghẹn ngào.
Bà Phượng nói rằng càng nghĩ về mấy đứa cháu mình, bà như xé từng khúc ruột. Mẹ Như bỏ đi biệt tích, mấy chục năm nay các cháu tự lớn lên, coi ông bà là điểm tựa cuối cùng. Như hay tâm sự với ông nội về chuyện học hành, chuyện tương lai nghề nghiệp nên khi ông nội mất, Như suy sụp, việc học hành tưởng chừng như sẽ lỡ dở.
Càng buồn càng phải học vượt lên
Như giờ đã là tân sinh viên ngành kinh doanh quốc tế - Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Bạn thi được 25,35 điểm, đủ điều kiện để vào nhiều ngôi trường lớn nhưng quyết định học ở Đà Nẵng để tiết kiệm chi phí học hành, dễ dàng lui tới thăm nom nội. Từ hôm biết cháu đậu đại học tới nay, bà Phượng hết vào lại ra ngôi nhà. Bà mừng tủi vì cháu gái mình không cha mẹ từ nhỏ nhưng vẫn mạnh mẽ vượt lên học hành để vào đại học không thua bạn bè cùng trang lứa.
Đằng sau điểm số 25,35 mà Như đạt được, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được các thầy cô giáo ở Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết Như là một trong những nữ sinh học xuất sắc nhất môn lịch sử suốt ba năm ở ngôi trường top 1 của Quảng Nam này. Cả ba năm cấp III Như đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, năm lớp 11 và lớp 12 đều đoạt giải cao kỳ thi học sinh giỏi môn lịch sử tỉnh Quảng Nam.
Trong câu chuyện về học hành của mình, Như luôn nhắc đến ông bà, các cô cậu, chú bác cùng thầy cô giáo của mình. Dù không là cha, là mẹ nhưng gần như mọi khó khăn của Như đều được họ dành sự quan tâm đặc biệt. "Mình không may mắn khi không có ba mẹ từ nhỏ, nhưng ông bà nội chính là ba, mẹ sinh ra mình lần thứ hai. Những ngày bên gia đình, mình cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến..." - Như xúc động nói.
Đồng lương còm xẻ làm ba
Mấy hôm nay cô, dì, chú, bác cùng bà nội của Như đang tìm cách gom góp từng khoản tiền để làm lộ phí cho cháu gái lên đường ra Đà Nẵng nhập học. Nghị lực vượt lên của cô nữ sinh này làm nhiều người cảm kích.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết lâu nay toàn bộ chi phí nuôi cháu ăn học đều nhờ vào khoản lương hưu trí mỗi tháng chỉ hơn 2 triệu đồng của bà. Giờ đây đồng lương này sẽ tiếp tục xé lẻ ra thêm để làm bệ đỡ đưa cháu vào đại học. "Tôi có khổ cực, ăn uống thiếu thốn ra sao cũng dành hết sức để lo cho cháu trưởng thành. Việc không có ba mẹ là một bất hạnh mà không yêu thương nào đủ để khỏa lấp" - bà Phượng nói.
Cùng Tuổi Trẻ tiếp sức tân sinh viên
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Mời bạn đọc và tân sinh viên gửi hồ sơ học bổng tại đây: Tiepsuc.tuoitre.vn.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Cùng Tuổi Trẻ vượt COVID đến giảng đường
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận