27/09/2021 11:20 GMT+7

Đôi bạn mồ côi nắm tay nhau vào đại học

NGỌC THẮNG
NGỌC THẮNG

TTO - Cùng lớn lên trong mái ấm của Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh, ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học, hai bạn chung một khát khao học thật giỏi để thay đổi số phận.

Đôi bạn mồ côi nắm tay nhau vào đại học - Ảnh 1.

Đôi bạn Trần Văn Nguyên (trái) và Thiều Đức Hoàng - Ảnh: NGỌC THẮNG

Trần Văn Nguyên (quê xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc) trúng tuyển khoa xét nghiệm y học Trường đại học Y dược Huế. Người bạn của Nguyên - Thiều Đức Hoàng, trú tại xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh, trúng tuyển khoa du lịch Trường đại học Huế.

"Mình sẽ học thật giỏi để sau này ra trường sẽ quay lại giúp các em trong mái ấm làng. Đó là ngôi nhà thân thương, cưu mang những tháng ngày đau đớn nhất cuộc đời mình" - Nguyên nói.

Hai mảnh đời, một ước mơ

Ánh mắt lanh lợi, thông minh với nụ cười hiền khô của Nguyên mang đến cảm giác gần gũi với người đối diện. Nguyên sinh ra trong gia đình nghèo, có ba người con, trước và sau Nguyên còn hai chị em gái. Năm Nguyên 4 tuổi, mẹ qua đời sau thời gian lâm bệnh nặng. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai, một năm sau, cha cũng bỏ ba chị em mà đi...

Bơ vơ giữa cuộc đời, cô chị gái vào Tây Nguyên sống cùng người dì, Nguyên và em gái được đưa vào làng trẻ em làng trẻ mồ côi. Trong làng, Nguyên gặp Hoàng - một người chung số phận. Năm Hoàng vào lớp 1, cha qua đời vì căn bệnh thế kỷ. Một năm sau, mẹ cũng mắc căn bệnh này và bị người đời xa lánh, xua đuổi, phải dọn ra sống một mình. Hoàng rời vòng tay mẹ, một mình sống tự lập từ năm 8 tuổi trong làng trẻ.

Nhắc đến hai bạn, chị Trần Thị Thanh Toàn (mẹ nuôi) không khỏi xúc động. Chị kể thời gian đầu hai anh em Nguyên sống khép kín, ít giao tiếp, cô em gái không bao giờ cười.

"Nguyên chăm sóc và bảo vệ em từng chút, dành trọn vẹn tình yêu thương, thời gian sau cô bé cũng cười trở lại. Hai anh em Nguyên hơi nhút nhát, hiền lành và đặc biệt cả hai học giỏi. Còn Hoàng, em đi học bị bạn bè kỳ thị, trêu chọc nên mang nhiều mặc cảm. Khi được người thân đưa vào làng trẻ, tổn thương rất lớn biến em thành một người nghịch ngợm và phá phách hơn. Nhưng em là một người rất thương mẹ, thương vô bờ bến và sẵn sàng bảo vệ mẹ trong mọi hoàn cảnh", chị Toàn chia sẻ.

Nhiều hôm mẹ em đi mua thuốc, trời mưa tầm tã nhưng vẫn ghé làng trẻ nhìn Hoàng qua khe cổng để thỏa nỗi nhớ con rồi lủi thủi đi về. Những lần biết tin mẹ sẽ đến thăm mình, em đứng đợi gần tiếng đồng hồ, mời mẹ vào cùng ăn cơm. Mỗi khi nhắc đến mẹ, Hoàng òa khóc, nhiều đêm không ngủ. Chứng kiến những hình ảnh đó, chị Toàn và những mẹ nuôi khác rơi nước mắt. "Vì mẹ, Hoàng quyết thay đổi, cố gắng học tập và nghe lời các mẹ nuôi trong làng. Em nói đỗ đại học, người đầu tiên em thông báo là mẹ", chị Toàn nói.

Đôi bạn cùng tiến

Hoàng và Nguyên nói ước mơ của cả hai là vào giảng đường đại học, bởi chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời mình.

Nguyên trải lòng, cả hai lớn lên bên nhau sẻ chia từng niềm vui, nỗi buồn, Hoàng không chỉ là bạn thân mà còn là người thân của Nguyên. "Các bạn ở ngoài còn có bố mẹ quan tâm, lo lắng và giúp đỡ. Tụi mình không còn ai nên luôn động viên nhau cùng nuôi ước mơ vào đại học. Chỉ có học mới giúp chúng mình có tương lai tươi sáng hơn", Nguyên nói.

Dù theo đuổi hai chuyên ngành khác nhau, nhưng hai bạn vẫn hỗ trợ nhau rất nhiệt tình. Hoàng không giỏi toán được Nguyên hướng dẫn, Nguyên không giỏi văn thì được Hoàng hỗ trợ. Cả hai đạt học sinh tiên tiến, học sinh giỏi suốt 12 năm.

Nguyên và Hoàng học rất chăm, ban ngày học ở lớp, đêm về rủ nhau học thêm. Có những đêm cả hai ôn thi đến 2h sáng mới đi ngủ, có miếng bánh mì hay hộp sữa đều chia cho nhau.

Ngày hai bạn chính thức cầm trên tay giấy báo trúng tuyển đại học, cả hai ôm chặt nhau vì hạnh phúc.

Hoàng gọi điện báo tin ngay cho mẹ, hai mẹ con rưng rưng nước mắt. Hoàng học ngành du lịch với mong muốn được đi nhiều nơi. "Mình thương mẹ lắm, mẹ đã chịu quá nhiều đau khổ. Nỗi lo lớn nhất của mình là khoản tiền học rất lớn, mẹ giờ sức khỏe cũng yếu rồi", Hoàng chia sẻ.

Nguyên ước mơ trở thành bác sĩ, cha mẹ bệnh tật rồi qua đời, gia đình nghèo đã ám ảnh sâu đậm trong tâm trí Nguyên. "Mình mong sau này có thể giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn" - Nguyên nói.

Ngày nhận tin Nguyên và Hoàng đậu đại học, ông Nguyễn Hồng Sơn, giám đốc Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh, vô cùng hạnh phúc. Các bạn học được cách sống tự lập ngay từ bé nên ông tin rằng các bạn sẽ vượt qua được khó khăn. "Nỗi trăn trở lớn nhất lúc này là tiền đâu để giúp các em ăn học những năm tới. Ngoài số tiền trợ cấp khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, tới đây các em sẽ phải đi làm thêm để trang trải việc học hành" - ông Sơn cho biết.

Cô Hồ Thị Xuân Hương - giáo viên chủ nhiệm Hoàng - nói thêm về người học trò thân thương: "Hoàng viết thư pháp rất đẹp. Về nghị lực và ý chí của em, tôi rất cảm phục".

Tiếp sức đến trường 2021 Hướng dẫn đăng ký - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tân sinh viên khó khăn hoặc người giới thiệu có thể gửi hồ sơ học bổng tại đây: tiepsuc.tuoitre.vn.

Cùng Tuổi Trẻ vượt COVID đến giảng đường

Đôi bạn mồ côi nắm tay nhau vào đại học - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

GIới thiệu học bổng Tiếp sức đến trường 2021 - Video: TRẦN MẠNH

Tiếp sức đến trường 2021: Một mùa học bổng thật đặc biệt! Tiếp sức đến trường 2021: Một mùa học bổng thật đặc biệt!

TTO - Khi có thông tin Ban biên tập báo Tuổi Trẻ quyết định năm nay vẫn triển khai học bổng 'Tiếp sức đến trường' cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhiều bạn đọc quan tâm tới chương trình này đã bày tỏ sự ngạc nhiên lẫn vui mừng.

NGỌC THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên