Chẳng hạn tại TP.HCM mỗi ngày có 1.800 tấn rác thải nhựa, trong đó có hàng trăm ngàn túi ni lông nhưng chỉ có 200 tấn được thu hồi, tái chế.
Trong khi đó, theo nghị định 08 năm 2022 hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chính phủ yêu cầu từ ngày 1-1-2026 không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50x50cm.
Hết năm 2030 dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ một số trường hợp đặc biệt), cho thấy cần có sự quan tâm đúng mức hơn về vấn đề này.
Chuyển đổi ở chợ truyền thống chưa đạt
Theo nhận định của các cơ quan liên quan, chợ truyền thống là nơi phát sinh tới 60% rác thải nhựa khó phân hủy, trong đó có nhiều túi ni lông nhưng việc thay đổi thói quen của người dân lại chưa có kết quả tốt.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho hay theo kế hoạch sẽ vận động bà con ở chợ truyền thống sử dụng túi thân thiện môi trường đạt 50% trong năm 2022, 65% trong năm 2023. Tuy nhiên tới nay kết quả đạt được vẫn cực kỳ khiêm tốn, chỉ có 17,5% sử dụng.
Còn ông Lê Quang Thiện, trưởng ban quản lý chợ Tân Định, nhận định tỉ lệ tiểu thương sử dụng túi ni lông còn nhiều vì giá thành rẻ, dễ tiếp cận. Giá túi thân thiện môi trường gấp đôi túi ni lông thông thường.
Ban quản lý chợ phải mua túi thân thiện môi trường tặng các hộ kinh doanh nhưng việc này khó có thể duy trì trong thời gian dài, hết quà tặng thì lại như cũ.
Tương tự, đại diện ban quản lý chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, cũng cho hay vài năm trước ban quản lý chợ cũng như Hội phụ nữ địa phương đã hỗ trợ tuyên truyền đến từng sạp hàng, có trữ túi thân thiện môi trường ở trụ sở để tiểu thương dễ tiếp cận nhưng hiệu quả không cao.
"Dùng một thời gian người ta quay lại túi cũ vì loại thân thiện môi trường mỏng, dễ bị giãn. Ngay cả mình cũng thấy bất tiện nên khó lòng ép tiểu thương. Có một số sạp trái cây chuyển qua sử dụng túi giấy xen lẫn ni lông nhưng không nhiều", vị này cho hay.
Thuế cao sao túi ni lông lại rẻ?
Hiện giá túi ni lông khoảng 20.000 - 50.000 đồng, thậm chí mua sỉ online giá chỉ từ 18.000 đồng/kg.
Điều này đặt ra thắc mắc vì sao giá túi lại rẻ như vậy trong khi quy định thuế bảo vệ môi trường là 50.000 đồng/kg với túi ni lông khó phân hủy. Nhiều năm trước, khi mức thuế này được đưa ra đã có rất nhiều kỳ vọng nhưng đến nay xem ra là "có cũng như không".
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, việc khoán thuế cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ đã bị lợi dụng vô hiệu hóa khi các đơn vị sản xuất lách luật bằng việc thuê các đơn vị nhỏ lẻ sản xuất.
Căn cứ theo nghị định 69 năm 2012 của Chính phủ quy định trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất hoặc mua bao bì để đóng gói sản phẩm thì không phải chịu thuế.
Trong khi đó với việc tái chế, ông Lê Anh - giám đốc phát triển bền vững Công ty nhựa tái chế Duy Tân - cho hay mỗi năm công ty sản xuất 40.000 tấn nhựa tái sinh, thời gian tới nhà máy sẽ nâng công suất xử lý lên 60.000 tấn nhựa/năm, tương đương 4,6 tỉ chai nước sẽ được tái chế.
Dù vậy, phân khúc tái chế của công ty vẫn chưa có lãi.
Theo ông Anh, các sản phẩm nhựa tái sinh cao hơn 20 - 25% so với nhựa nguyên sinh (nhựa chưa sử dụng).
Chính vì giá nhựa nguyên sinh quá thấp nên nhựa tái sinh rất kén khách mua. Đã vậy, việc thu gom và phân loại rác thải nhựa hiện chủ yếu do thu gom tự phát không mạng lưới, quy định cụ thể... nên các chai nhựa thu về kém chất lượng rất nhiều.
Ông Anh hy vọng sau năm 2025, khi luật phân loại rác tại nguồn đi vào hoạt động sẽ có nguồn nguyên liệu tốt hơn.
Về việc tái chế, ông Hứa Phú Doãn - phó chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam - cho hay dù ngành tái chế đã có từ lâu ở Việt Nam song còn nhiều hạn chế về kỹ thuật và công nghệ.
Từ đó, chúng ta mới chỉ tạo ra sản phẩm giá trị thấp, sản phẩm thứ cấp, không thể đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của bao bì tái sinh hay có ý nghĩa tuần hoàn.
"Các doanh nghiệp mỗi nơi tái chế một kiểu, công nghệ không đạt về môi trường. Việc này nhìn thấy rõ nhất tại các làng nghề nhựa. Nếu không cẩn thận thì nước thải và khí thải trong quá trình sản xuất gây ô nhiễm", ông Doãn chia sẻ.
Ông Doãn kỳ vọng vào nghị định 08 và EPR (trách nhiệm của nhà sản xuất) sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tái chế có thể chuyển đổi công nghệ phù hợp nhu cầu tái chế hiện nay. Đồng thời cần thắt chặt, đưa ra chế tài để phạt những doanh nghiệp tái chế không đảm bảo tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường.
TP.HCM đang quan tâm và cố gắng thay đổi
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết giảm rác thải nhựa, túi ni lông rất được TP quan tâm. Từ năm 2018 đến nay, TP.HCM đã triển khai bốn kế hoạch về tăng cường quản lý chất thải rắn, giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và đạt được một số kết quả ban đầu.
Trong đó nổi bật nhất với kết quả cắt giảm 100% túi ni lông khó phân hủy, chuyển sang dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường tại hầu hết hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn TP tính đến năm 2022.
Bà Mỹ cũng chia sẻ TP.HCM là địa phương đi đầu trong tuyên truyền, vận động giảm sử dụng túi ni lông, nhựa dùng một lần.
Theo bà Mỹ, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra phương pháp quản lý rác thải nhựa qua quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất đối với thu hồi và tái chế bao bì.
Theo đó các tổ chức cũng như cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm bao bì phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm bao bì theo tỉ lệ, quy cách tái chế bắt buộc.
Doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.
Đây là công cụ hết sức quan trọng trong khung pháp lý hiện đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương lấy ý kiến hoàn thiện trước khi trình Chính phủ ban hành.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trung Thắng - phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho hay theo điều 64, nghị định số 08 năm 2022 về "quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường" thì sau năm 2025 mới chỉ áp dụng không dùng túi ni lông tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch.
Từ sau ngày 31-12-2030 mới triển khai trên diện rộng, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa dùng một lần, trong đó có túi ni lông. Các mốc thời gian đã rõ ràng, doanh nghiệp, người dân có thể căn cứ để dần thay đổi thói quen.
"Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định rõ về trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất. Hay quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương", ông Thắng nói.
Ông Thắng cho biết thêm tại nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, nhiều nhà bán lẻ lớn đều khẳng định sẽ liên tục triển khai các hoạt động khuyến khích người dân mua sắm không dùng túi ni lông khó phân hủy theo các mốc thời gian trên để thực hiện đúng tiến độ nói không với túi ni lông.
Hiện các nhà sản xuất đang dần tính toán thay đổi công nghệ để đáp ứng thị trường và tuân thủ quy định nhà nước.
Ngành thuế nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Giang Văn Hiển - phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM - cho rằng nếu có chuyện giá bán sản phẩm túi ni lông thấp hơn mức thuế bảo vệ môi trường thì đây là một vấn đề bất cập hiện hữu và cần phải giải quyết.
Cục Thuế TP.HCM sẽ chỉ đạo các chi cục thuế rà soát vì hiện nay thuế bảo vệ môi trường với túi ni lông khó phân hủy làm từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE hoặc LLDPE (trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo tiêu chí của Bộ Tài nguyên và Môi trường) là 50.000 đồng/kg tại khâu sản xuất hoặc khâu nhập khẩu thì sản phẩm này không thể có giá bán tại chợ chỉ 25.000 - 40.000 đồng/kg như hiện nay.
"Đây là điều rất bất hợp lý. Cơ quan thuế nhận thấy phải vào cuộc rà soát ngay và phối hợp với các cơ quan liên ngành, trong đó có Ban chỉ đạo 389 chống buôn lậu, gian lận thương mại, cơ quan thuế, hải quan, cơ quan công an... vào cuộc để truy xuất nguồn gốc xem là túi này từ đâu ra, từ sản xuất trong nước hay buôn lậu", ông Hiển nói.
Cũng theo ông Hiển, đây là chuyện không phải của riêng cơ quan thuế mà còn là câu chuyện của cơ quan liên ngành, của người dân, tiểu thương và người nộp thuế. Đây là câu chuyện bất bình đẳng xã hội vì nếu duy trì tình trạng này thì các nhà sản xuất những sản phẩm túi thân thiện môi trường với giá bán cao hơn hẳn không thể cạnh tranh được.
Tuy nhiên hiện cơ quan thuế chưa có chức năng điều tra dẫn đến rất khó truy soát, vì lúc cơ quan thuế đến họ vẫn nói bán giá 50.000 - 60.000 đồng/kg nhưng thực tế sau đó họ bán chui với giá thế nào thì cơ quan thuế không thể biết được.
"Hiện nay nguyên tắc của cơ quan thuế là người nộp thuế tự khai tự nộp tự chịu trách nhiệm. Cơ quan thuế không thể nghe theo lời khai của người khác để xử lý được mà phải căn cứ vào hồ sơ chứng từ xuất trình của tiểu thương và người nộp thuế. Nếu phát hiện sai sót, vi phạm thì cơ quan thuế mới có cơ sở xử lý hoặc chuyển cơ quan điều tra theo quy định", ông Hiển nói thêm.
Với ý kiến cho rằng việc khoán thuế cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ cũng khiến chủ trương đánh thuế cao nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông bị vô hiệu hóa, ông Hiển cho biết trong công tác quản lý, cơ quan thuế có nghe phản ảnh của người dân, doanh nghiệp và sẽ chỉ đạo các chi cục thuế vào cuộc để rà soát.
Nếu có trường hợp đó sẽ phối hợp với hội đồng tư vấn thuế địa phương xử lý triệt để tình trạng này để sao cho công bằng giữa những người nộp thuế và đảm bảo hỗ trợ sản phẩm kinh doanh các túi bảo đảm môi trường và những hộ kinh doanh các sản phẩm túi thân thiện môi trường.
Trường hợp các hộ kinh doanh túi ni lông nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, ngoài việc bị xử lý thì cơ quan thuế sẽ điều tra về doanh số để áp mức thuế đúng quy định và ngăn chặn triệt để tình trạng đó.
Về kiến nghị chính sách, cơ quan thuế đang rà soát các bất cập để báo cáo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, từ đó có các kiến nghị điều chỉnh chính sách, trong đó có việc phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để có những chính sách liên thông nhằm quản lý hiệu quả hơn với mặt hàng này.
Cần hỗ trợ cho túi thân thiện môi trường
Ông Trần Việt Anh - tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam - cho rằng các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ tiêu thụ một lượng nhỏ túi thân thiện môi trường.
Hiện các sản phẩm túi tự hủy, túi tái chế, bao bì sinh học... có giá thành cao hơn túi ni lông, trong khi chính sách giữa các doanh nghiệp sản xuất, sử dụng như nhau nên doanh nghiệp cũng chưa mặn mà. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi về thuế, giảm thuế VAT, hỗ trợ vốn để doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại...
Giám đốc một doanh nghiệp bao bì tại TP.HCM cũng chia sẻ cần nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ, giảm thuế để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, đổi mới công nghệ, giảm sản phẩm nhựa khó phân hủy. Nếu có biện pháp mạnh hơn, Nhà nước có thể nghiên cứu phương án trợ giá để giá những sản phẩm thân thiện rẻ hơn so với các sản phẩm khác.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (Pro Vietnam) - cho rằng hiện giá bán các sản phẩm thân thiện cao hơn nhưng khi ngày càng nhiều người dùng sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế phát triển hơn, giá thành của các sản phẩm này sẽ giảm mạnh hơn so với hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận