20/09/2012 09:48 GMT+7

Ước mơ giữa biển

TẤN VŨ - ĐỨC TUYÊN
TẤN VŨ - ĐỨC TUYÊN

TT - Nhiều ngư dân tâm sự không ít tàu thuyền của họ đã nhiều chuyến ra khơi xa đánh bắt, nhưng vẫn chưa nhận được những trợ giúp trong chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển của địa phương và trung ương. Nhiều ngư dân muốn vay tiền đóng tàu to, ra biển lớn nhằm khai thác thủy hải sản đạt hiệu quả nhưng đành bó tay vì không vay được vốn. Việc thu mua trên biển cũng chưa có.

PdHmKkAp.jpgPhóng to

Tàu của Vương chuyến này bán cá được giá - đó cũng là niềm mong ước của các ngư dân khác - Ảnh: Đ.Tuyên

Vươn ra biển lớn

Ngoài những lo lắng biển chật, cá ít, thuyền trưởng Vương mong muốn những chính sách hỗ trợ của chính quyền cũng cần sớm được triển khai tại địa phương để anh có thêm phí tổn, yên tâm ra khơi. “Tôi cũng nghe những tàu khác ở nơi này nơi kia ngư dân đã nhận được sự hỗ trợ. Thế nhưng, từ khi tàu hạ thủy đến nay chúng tôi rất ít nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương”, thuyền trưởng Vương trăn trở.

Cùng chia sẻ những khó khăn của con trai là thuyền trưởng Vương, ông Nguyễn Văn Ái sau một đời đi biển giờ đã “về hưu” cho biết gia đình ông có bốn chiếc tàu. Hai chiếc tàu lớn có công suốt 900CV và 800CV. Hai tàu nhỏ còn lại đều có công suất 450CV và được giao cho hai người anh của Vương cầm lái. Khó khăn khi ra khơi thì nhiều nhưng theo ông Ái, hiện ông e ngại nhất cho các con mình là: “Ra khơi xa thường gặp những bất trắc khó lường, lo cho các con ngày đêm ngoài biển xa. Nếu ra khơi êm xuôi thì mình đánh bắt ắt có lợi nhuận nhưng khi gặp bất trắc, phải về sớm thì lỗ phí tổn, tiền dầu như chơi”.

So với tàu lớn của thuyền trưởng Vương, biết bao tàu nhỏ của các ngư dân khác cũng đang ngày đêm quần quật đánh bắt trên biển nhưng không thể gặp được luồng cá lớn. Bởi tàu nhỏ chỉ có thể đánh bắt gần bờ, trong khi đó nguồn hải sản gần bờ nay đã cạn kiệt. Tại rất nhiều làng chài, không ít chủ tàu nhỏ đang nợ chồng chất, phải kêu bán tàu nhưng cũng không có ai mua. Cả đời bám biển, ông Ái hiểu rõ hạn chế của tàu nhỏ hơn ai hết nên đề xuất Nhà nước cần hỗ trợ cho vay để bà con một số vùng có được tàu lớn, vươn ra biển xa đánh bắt thì mới mong cuộc sống họ khá hơn được.

Ngoài ra, theo ông Ái, khi gặp sóng gió cấp 7, cấp 8, ngư dân thường chạy về đảo neo đậu, tránh bão. Thế nhưng một số đảo không có đủ chỗ cho tàu về neo đậu. “Chúng tôi chỉ có một kiến nghị nhỏ là Chính phủ nên cho xây dựng thêm một số cột phao, âu, trụ neo tàu để khi gặp sóng to gió lớn ngư dân có đủ chỗ neo đậu. Tui đi biển nhiều nên biết lòng biển khu vực này khá sâu, neo sắt không thể thả đến đáy được”, ông Ái nói thay những ước mong của con mình.

Trước khi chúng tôi trở lại TP.HCM, ông Ái cũng cho biết đang đi mua máy tầm ngư - máy dò cá. Ngoài ra, tàu cũng bắt thêm một dàn bóng điện để tự dụ cá tụ về và đánh bắt chứ không còn mãi phụ thuộc vào việc “đi tìm cá cây” nữa. Từ đây việc đánh bắt hải sản của gia đình ông Ái tiếp tục bước sang giai đoạn mới. Thay vào cách đánh cá theo kiểu hên xui trước kia, nay việc đánh bắt xa bờ đã có phương tiện kỹ thuật hỗ trợ. Những chuyến tàu về bến với cá đầy khoang rồi sẽ ngày càng nhiều thêm. Mong sao giá cá không còn trồi sụt như những con sóng biển, đầu ra cho hải sản luôn ổn định.

h3pjXHFs.jpgPhóng to

Niềm vui của ngư dân khi thuyền về bến với cá đầy khoang - Ảnh: Đ.Tuyên

Cờ Tổ quốc tung bay

Chia sẻ trong việc thu mua cá cho ngư dân, chủ vựa Mười Hạnh (thuộc Công ty TNHH Lê Chứ) - bà Lê Thị Mỹ Hạnh - cho biết sẵn sàng mua tất cả các loại cá mà ngư dân đánh bắt được. Tháng trước bà thu mua được khoảng 100 tấn cá. Riêng hơn nửa tháng 8, do biển động nên mới mua được hơn 50 tấn cá. Hỏi về giá cá thất thường, bà Hạnh cho biết không thể chốt giá cá cả tháng được bởi luôn tùy thuộc giá cá mỗi thời điểm công ty chế biến thủy sản đưa ra. Thế nhưng, theo bà Hạnh, năm nay giá cá các loại có nhỉnh hơn năm trước. Chỉ có mực là đang rớt giá vì các thương lái không còn ăn hàng nữa. Bà Hạnh cho biết thêm khoảng cuối tháng 8, chiếc tàu với trọng tải 800CV của gia đình được hạ thủy để ra khơi mua cá cho ngư dân ngay trên biển. Ngoài việc mua cá, vựa Mười Hạnh cũng sẽ cung cấp đá, nước ngọt, lương thực, thuốc men cho các tàu bán cá để họ có thể tiếp tục bám biển sau khi bán cá.

Biết được có tàu sẽ ra khơi mua cá, mắt thuyền trưởng Vương như sáng hơn, anh phấn khởi: “Điều này sẽ giúp anh em bám biển dài ngày, đánh bắt đạt sản lượng cá cao hơn. Ngoài ra tàu sẽ đỡ phí tổn do không phải về đất liền bán cá. Anh em thuyền viên sẽ có thêm thu nhập”. Thuyền trưởng Vương cũng mong ước ngày càng có thêm những chiếc tàu ra biển mua cá như của vựa cá Mười Hạnh. Đó cũng là trăn trở, ước mong của bao ngư dân đang ngày đêm đánh bắt trên vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Xa hơn nữa, thuyền trưởng Nguyễn Văn Minh - anh trai của Vương, còn ước mong Nhà nước nên đóng nhiều tàu lớn, có hầm đông lạnh để ra ngoài biển mua cá cho ngư dân. “Nếu được như thế thì chúng tôi thật sự an tâm bám biển”, anh thổ lộ.

Chiều cuối cùng chia tay Vương và những người đi bạn cùng mình để về lại phố, chúng tôi đã bắt đầu nhớ các anh em thuyền viên. Sau cái vẫy tay chào, những ngư dân lặng lẽ xuống thuyền chuẩn bị cho một hành trình mới. Bất chợt Vương nhảy cẫng lên báo tin vui cho cả đoàn, một doanh nghiệp thủy sản từ Nha Trang cho hay các ngư dân Nhật Bản sẽ phối hợp và chuyển giao kỹ thuật cấp đông cá cho các tàu đánh bắt xa bờ. “Cá câu lên sẽ được cấp đông ngay ở nhiệt độ -1700C và những ngư dân Nhật sẽ mua hàng của doanh nghiệp ngay tại chỗ. Được như vậy thì tốt quá, ngư dân mình sẽ an tâm đánh bắt quanh năm trên biển mà chẳng phải âu lo” - Vương hồ hởi.

Và khi các bạn đọc những dòng này, thuyền trưởng Vương và những người bạn ngư dân của chúng tôi trên tàu BĐ94439TS vẫn đang lênh đênh nơi đầu sóng ngọn gió giữa khơi xa của Tổ quốc. Dù còn không ít khó khăn nhưng rồi các bạn của chúng tôi lại tiếp tục cắm những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió giữa biển Đông để khẳng định vùng biển này là của VN. Biển quê hương như cánh đồng quê mẹ và nếu vắng những con tàu như của thuyền trưởng Vương ngày ngày “cày cuốc” - đánh bắt cá tôm thì chắc sẽ buồn tẻ, vắng vẻ. Sự hiện diện của ngư dân trên vùng biển đảo máu thịt của Tổ quốc giờ đây không còn thuần túy là để đánh bắt cá tôm mà còn như những cột mốc biên cương bằng xương bằng thịt trên biển.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Mẻ cá 35 tấnKỳ 2: Cắm cờ giữ biểnKỳ 3: Ân tình của biểnKỳ 4: Những “cột mốc” biên cươngKỳ 5: Biển giả Kỳ 6: Nụ cười của biển Kỳ 7: Âu lo từ biển

______________________

Đón đọc số tới: Lý lẽ của trái tim

Tựa như những câu chuyện cổ tích tình yêu, vượt qua bao ngang trái, trắc trở và đầy sóng gió, những đôi lứa yêu nhau trong loạt bài này cuối cùng đã tìm được hạnh phúc để chứng mình rằng lý lẽ của trái tim mình đã đúng.

TẤN VŨ - ĐỨC TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên