13/09/2012 11:26 GMT+7

Ra khơi cùng ngư dân

TẤN VŨ - ĐỨC TUYÊN
TẤN VŨ - ĐỨC TUYÊN

TT - Gần một tuần đi từ cảng Ba Ngòi (TP Cam Ranh, Khánh Hòa), tàu cá chúng tôi cách đất liền hàng trăm hải lý. Trận gió tây nam hút bởi cơn bão biển từ phương bắc khiến những cột sóng chồm lên như muốn nuốt chửng con tàu.

Biển động cấp 6, giật cấp 7, máy ICOM trước mặt thuyền trưởng Nguyễn Minh Vương rung lên liên tục với tin từ Đài thông tin duyên hải Nha Trang thông báo cơn bão số 5 (Kai-Tak) đang đổ vào biển Đông...Trong dông tố mưa rơi tối mặt, phóng viên báo Tuổi Trẻ đã sống đời ngư dân thực thụ để cùng với 18 thuyền viên và thuyền trưởng Vương cưỡi trên con tàu BD94439TS, đạp sóng ra khơi đánh bắt cá trên biển Đông.

HjZajsmx.jpgPhóng to
Các ngư dân kéo ô cá đầu tiên trong bốn ô cá của mẻ lưới 35 tấn - Ảnh: tấn vũ

Thuyền trưởng Vương quyết định cho tàu xuôi về hướng nam để lánh bão. Nơi đây cũng là ngư trường chính để câu mực, câu cá ngừ đại dương của hàng trăm ngư dân đến từ các tỉnh miền Trung.

Vẽ vòng tròn trên biển

23g ngày 14-8, cuộc điện đàm qua ICOM với tàu câu cá ngừ đại dương mang mã số 23 (các tàu gọi nhau theo mật mã riêng) quê Bình Định kết thúc, thuyền trưởng Vương tức tốc bẻ lái, gạt cần ga, tăng tốc, con tàu đột ngột lao lên đạt vận tốc 8, 9 rồi 10 hải lý/giờ (1 hải lý bằng 1,852km) hướng thẳng vị trí có cá, cách xa chúng tôi chừng 32 hải lý.

Sau những ngày giong tàu tìm cá với những mẻ lưới thất bát, chúng tôi không thể nào chợp mắt được bởi tin cá đã chịu “ăn” đèn từ một tàu câu cá ngừ đại dương. Vừa cầm chặt tay lái, vừa dò điểm được báo có cá trên máy định vị GPS, rồi rít thuốc liên tục, thuyền trưởng Vương tiết lộ: “Cá ăn đèn tức là đã tụ thành bầy bên dưới một con thuyền có đèn chiếu sáng. Vận may này lâu lâu “bà cậu” mới đãi ngư dân một lần. Cá đã chịu đèn thì chúng thường quần tụ về ngày một đông. Cứ thế ban ngày cá lang thang kiếm ăn, tối về tụ tập bên dưới thân tàu thành bầy để ngủ và mình sẽ trinh sát chúng...”.

Con tàu hạ ga chạy rà rà với vận tốc hơn 6 hải lý/giờ, hơn 3g sáng ngày hôm sau, chúng tôi tiếp cận mục tiêu “có mồi” - có cá. Chiếc tàu chầm chậm giảm tốc độ, cách tàu cá đang thắp đèn sáng rực khoảng 500m. Bất chấp cái lạnh căm của biển sớm, ba ngư dân như những rái cá của tàu vội đeo kính lặn, lao mình xuống nước. Hơn nửa giờ bơi quanh con tàu, vừa bơi vừa úp mặt xuống nước trinh sát, chốc chốc các ngư dân ra tín hiệu báo cho nhau về số lượng cá họ vừa nhìn thấy. Một chiếc thúng chai và hai ngư dân khác tiếp tục được thả xuống mặt biển để thu thập thông tin về cá.

Trên boong tàu, thuyền trưởng Vương hô to: “Có mồi không? Bao nhiêu?”. Ngoi đầu lên khỏi mặt sóng, ngư dân Nguyễn Văn Hải hô to: “Vài chục chai...”. Như chưa tin vào tai mình, Vương hỏi thêm lần nữa rồi đánh thức toàn bộ anh em thuyền viên dậy, chuẩn bị cho một trận đánh lớn.

Đúng 4g sáng, mặt biển vẫn mờ mờ tối, ầm ào sóng đập liên hồi vào thân tàu, gió rít qua mang tai, chúng tôi đứng bên be tàu sẵn sàng cho một mẻ lưới lớn. Vương hô to: “Chuẩn bị” và đẩy cần số về trước, kéo mạnh tay ga, con tàu chẻ sóng lao vút về phía trước. Vương lại la lớn: “Lưới!”. Bên dưới thành tàu, hơn chục ngư dân liên tục quăng phao, chì và vung lưới xuống mặt biển. Con tàu gầm rú bứt tốc. Lưới liên tục được bung ra. Lấy tâm điểm là chiếc tàu câu cá ngừ đại dương đang chong đèn đứng yên tại chỗ, tàu của chúng tôi vẽ một đường vòng tròn hơn 1km quanh nó.

Cả cái lưới khổng lồ giờ đây được quây lại có diện tích to cỡ một sân vận động, cộng thêm phần lưới chìm dưới nước khoảng 120m, thế nhưng thuyền trưởng Vương chỉ cần khoảng 7 phút là đã “vẽ” xong vòng tròn trên biển, hoàn tất công đoạn bủa lưới. Đối với những ngư dân câu mực, câu cá ngừ đại dương, việc “vẽ” cái vòng tròn lưới lừng lững giữa mênh mông biển đêm là điều không đơn giản. “Nếu căn tay lái không chuẩn lưới sẽ bị hụt và bầy cá sẽ chui ra ngoài, nếu vẽ vòng tròn hẹp lưới sẽ chùng lại với nhau và quấn vào bánh lái” - thuyền trưởng Vương giải thích.

MWxFh1D8.jpgPhóng to
“Lưới!”, sau tiếng hô của thuyền trưởng Vương, lưới cá được bủa xuống biển - Ảnh: đức tuyên

24 giờ kéo cá

18 người chúng tôi đứng thành một hàng dài bên be tàu bắt đầu việc kéo lưới. Những đôi tay chai sần, những đôi vai trần vạm vỡ, đôi bàn chân to bè, rắn chắc bám chặt vào thành tàu. Trên đầu thì bỏng rát vì nắng. Đuối sức cộng với sức nặng của mẻ cá cùng độ sâu của lưới đang bị đàn cá kéo ghì xuống đáy biển khiến việc kéo lưới của chúng tôi trở nên khó khăn. Chúng tôi đành cho khởi động một máy quay với sức kéo hơn 4 tấn được đặt sát mạn tàu cùng một máy tời để kéo khối lưới lên nhưng vẫn không nhúc nhích. Vây được cá rồi nhưng để đem được cá lên tàu là cả một quá trình cực kỳ vất vả và nhiêu khê. Nhiều lúc gặp luồng cá lớn, cá phá lưới rách toạc, lúc đó thì mất cả chì lẫn chài.

Trời ngày càng nắng gắt dù mới buổi sáng. Sốt ruột, thuyền trưởng Vương cởi áo, mang kính lao ùm, lặn sâu xuống nước. Mặt biển sủi tăm, 10 giây, 30 giây... rồi hơn một phút sau Vương trồi lên và quyết định chia diện tích của tay lưới thành bốn phần, mỗi phần là một khoang chứa cá riêng biệt để sau đó kéo từng túi cá lên cho bớt nặng.

Khi khoang lưới đầu tiên vừa túm lại, hai thợ lặn chính của tàu là Đặng Văn Đô và Huỳnh Khánh Châu bắt đầu công việc của mình. Đồ nhái mặc vào cùng với thỏi chì hơn 20kg buộc ngang thắt lưng dìm mình xuống đáy nước, dây hơi oxy ngậm miệng, hai anh liên tục lặn hụp hơn bốn giờ liền. Từng túi cá nặng khoảng 500kg được cẩu lên từ độ sâu gần 30m dưới đáy biển đổ xòa trên mặt boong tàu.

Những con cá ngừ đại dương nặng trên dưới 20kg chen lẫn những chú cá dũa 7kg, cùng bao cá ngừ sọc dưa nặng hơn 1kg búng đuôi giãy lạch bạch trên sàn tàu. Những con cá tươi vùng vẫy đâm vào nhau khiến sàn tàu đỏ quạch máu cá.

Từ 7g-12g chúng tôi kéo được hơn 10 tấn cá lên tàu. Tất cả phải được cấp đông ngay vào hầm đá trước khi tiếp tục công việc trục vớt ba túi cá còn lại. Khi túi cá thứ hai được kéo lên, lúc 14g, một phần đáy lưới bị bục ra và hơn 10 tấn cá đã thoát vào lòng biển. Đập tay, đập chân vào mặt biển, thuyền trưởng Vương la khản giọng: “Dừng lại, dừng lại. Lưới bục rồi!”.

Thuyền trưởng Vương một lần nữa ra quyết định đưa thêm tấm lưới thứ hai xuống để bọc vào bọc lưới với bầy cá đang kéo ghì xuống nhằm bảo đảm cá không tiếp tục phá lưới ra ngoài. Tấm lưới thứ hai tức tốc được bung ra, trải rộng trên mặt biển, và được các thỏi chì nhấn chìm dần xuống độ sâu khoảng 20 sải tay để bọc khít vào túi cá của lưới chính. Bốn thợ lặn phải ngụp lặn hơn ba giờ liên tục, công việc bọc lưới mới hoàn tất.

fXnpVj7f.jpgPhóng to
Ảnh: tấn vũ
Ngồi thở hổn hển dưới nền tàu, vừa nhai gói mì sống, Vương lắc đầu: “Cá đã vào lưới nhưng lấy nó không dễ. Non tay rách lưới là mất ăn. Lúc túi cá thứ hai rách toạc, nhìn hơn chục tấn cá chìm vào đáy biển tôi muốn khóc. Đó là tài sản, công sức của tất cả anh em trong chuyến đi...”.

Nước lã với mì gói nhai sống thay cơm, 20 người chúng tôi quần quật từ lúc mặt trời đứng bóng đến khi tối hẳn mới xong được túi cá thứ hai. Vương cầm ICOM gọi chiếc tàu của em trai mang mã số 49 ở cách xa hơn 20 hải lý đến chi viện. Đá ướp cá từ tàu 49 được chuyển qua và hơn 10 ngư dân nhảy sang tàu chúng tôi tiếp sức.

Dưới ánh đèn mù mờ, nhiều người mệt lả vì đói và kiệt sức, gần đến 4g sáng của ngày 16-8 mẻ lưới chúng tôi mới kết thúc. Tổng cộng khoảng 35 tấn cá. Những anh em thuyền viên chúng tôi ôm nhau mừng vui giữa bao la trời biển.

___________

Kỳ tới: Cắm cờ giữ biển

TẤN VŨ - ĐỨC TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên