06/07/2021 05:31 GMT+7

Úc 'dựng pháo đài' ngăn COVID-19 trong khi chờ đủ nguồn vắc xin

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Chiến lược '0-COVID' đã giúp Úc ngăn chặn các đợt bùng phát COVID-19 trong quá khứ. Với đợt bùng phát biến thể Delta, chính quyền Úc tiếp tục áp dụng chiến lược cũ tại Sydney, dù hé lộ khả năng điều chỉnh chiến lược dựa vào vắc xin.

Úc dựng pháo đài ngăn COVID-19 trong khi chờ đủ nguồn vắc xin - Ảnh 1.

Người dân thành phố Sydney (Úc) giữ khoảng cách khi xếp hàng tại một trạm xe buýt ngày 5-7 - Ảnh: REUTERS

Phong tỏa nhanh chóng, truy vết quyết liệt, áp dụng các quy tắc giãn cách xã hội gắt gao là những đặc điểm chính của chiến lược "0-COVID". Úc đang kiên trì chính sách "dựng pháo đài" này trong thời gian đợi đủ nguồn vắc xin.

Phong tỏa vẫn có tác dụng

Mục đích của chiến lược này là giữ ca nhiễm ở mức thấp, tiến tới loại bỏ hoàn toàn tình trạng lây nhiễm tại một khu vực địa lý sau khi xác định các trường hợp nhiễm bệnh.

Bang New South Wales (NSW), nơi có thành phố Sydney bị ảnh hưởng nặng nhất bởi biến thể Delta, ghi nhận thêm 35 ca nhiễm ngày 5-7. Trong số này có 33 trường hợp liên quan ca nhiễm đã biết, 2 trường hợp chưa rõ nguồn lây.

Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian khẳng định lệnh phong tỏa 14 ngày từ 25-6 đang phát huy tác dụng, giúp số ca nhiễm mới tại bang này duy trì ở mức hàng chục chứ không phải hàng trăm.

"Hai ngày tới sẽ rất quan trọng" - bà Berejiklian nêu quan điểm trong cuộc họp báo ngày 5-7. Nếu ca nhiễm trong cộng đồng tiếp tục tăng, 5 triệu người Sydney khó tránh khỏi việc tiếp tục sống trong vùng phong tỏa sau ngày 9-7 tới.

Theo bác sĩ Kerry Chant - quan chức y tế cấp cao của NSW, các ca nhiễm mới xảy ra ở đúng những khu vực chính quyền đã dự đoán từ trước và có các biện pháp kiểm soát lây nhiễm.

Vào tháng 7-2020, nội các ông Morrison cam kết "ngăn chặn COVID-19 cho đến khi có vắc xin hoặc các phương pháp điều trị hiệu quả, với mục tiêu không có sự lây truyền trong cộng đồng địa phương".

Báo chí Úc gọi đây là "chiến lược pháo đài Úc": phong tỏa biên giới bên ngoài và áp đặt các lệnh cấm, phạt tiền với những người Úc cố tình trở về. 

Tuy nhiên, việc tiếp tục "chiến lược pháo đài" và chậm triển khai tiêm chủng đã khiến nhiều người mệt mỏi, ức chế tâm lý, theo Sydney Morning Herald.

Đợi vắc xin để kiểm soát virus

Chính quyền Thủ tướng Scott Morrison mới đây báo hiệu điều chỉnh chiến lược chống dịch, trong đó vắc xin là vũ khí quan trọng nhất. 

Theo Sydney Morning Herald, kế hoạch chống dịch gồm 4 giai đoạn được ông Morrison công bố hôm 2-7 cho thấy bước chuyển biến quan trọng khi chính phủ hướng tới việc "kiểm soát COVID-19 như các bệnh truyền nhiễm khác trong cộng đồng".

Theo kế hoạch 4 bước của chính quyền Morrison, giai đoạn đầu sẽ tập trung vào chiến dịch tiêm chủng song song với việc cắt giảm hơn nữa số người nhập cảnh để ứng phó biến thể Delta. 

Chính quyền các bang của Úc đã gây áp lực lên chính quyền liên bang, yêu cầu thêm các loại vắc xin tiên tiến được cho là có khả năng chống biến thể Delta hiệu quả. 

Nhu cầu vắc xin cũng tăng cao đột ngột dẫn tới việc thiếu hụt vắc xin. Chính phủ liên bang cam kết sẽ cung cấp mỗi tháng ít nhất 2,8 triệu liều vắc xin Pfizer cho các bang.

Trong giai đoạn hai, giới hạn chuyến bay và số người nhập cảnh sẽ trở về mức cũ như trước khi biến thể Delta xuất hiện. 

Chương trình tiêm chủng tăng cường sẽ được tiến hành để bảo đảm mức độ hiệu quả của vắc xin và ngăn chặn số ca nhập viện. Người Úc và người nước ngoài đã tiêm vắc xin sẽ được giảm thời gian cách ly khi nhập cảnh.

Giai đoạn thứ ba được gọi là giai đoạn củng cố, trong đó chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát COVID-19 tương tự như các bệnh truyền nhiễm khác. 

Nước Úc sẽ mở cửa rộng hơn, dỡ bỏ các hạn chế xuất/nhập cảnh với công dân đã được tiêm vắc xin. Giai đoạn cuối cùng Úc sẽ không giới hạn số lượng người nhập cảnh, kể cả với người chưa tiêm chủng.

Hiện chưa có mốc thời gian cố định cho mỗi giai đoạn nhưng theo Sydney Morning Herald, việc kết thúc giai đoạn này và chuyển sang giai đoạn kế tiếp sẽ được quyết định bởi số lượng người được tiêm chủng. Viện Peter Doherty sẽ góp ý về các mục tiêu tiêm chủng lý tưởng ở mỗi giai đoạn. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là đảm bảo nguồn cung vắc xin ổn định và hiệu quả.

New Zealand cũng mong vắc xin

New Zealand, quốc gia cũng theo chiến lược "0-COVID", đang tăng cường tìm kiếm vắc xin để tiếp tục chiến dịch tiêm chủng. Nước này chỉ mới tiêm chủng 9% dân số trưởng thành, ít hơn tỉ lệ 10% của Úc, theo Reuters.

150.000 liều Pfizer đã đến New Zealand ngày 5-7, đánh dấu lô vắc xin nhiều nhất mà nước này nhận được từ trước đến nay.

Đài Loan chuẩn bị nới lỏng

Theo Hãng tin Reuters, Đài Loan đang dần trở lại cuộc sống bình thường sau nhiều tuần dịch bùng phát sau khi chiến lược "0-COVID" giúp hòn đảo này làm chậm lại đà lây lan của dịch bệnh.

Mặc dù vẫn còn các ca nhiễm trong cộng đồng, ông Tô Trinh Xương - người đứng đầu cơ quan hành pháp Đài Loan - cho rằng các cơ quan nên chuẩn bị các kịch bản nới lỏng trên toàn đảo.

Đài Loan ghi nhận 28 ca mắc COVID-19 mới ngày 5-7, giảm 9 ca so với ngày 4-7. Hầu hết các ca bệnh ở Đài Loan nhiễm biến thể Alpha ghi nhận lần đầu tiên tại Anh. Một ổ dịch biến thể Delta cũng xuất hiện nhưng nhanh chóng được kiểm soát, theo Reuters.

Ông Tô lưu ý thêm vẫn chưa đạt được các tiêu chí để dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế và chỉ ra các ca nhiễm cộng đồng lẻ tẻ. Vùng lãnh thổ này chưa bao giờ phong tỏa toàn bộ hòn đảo nên các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất chất bán dẫn, hầu như không bị ảnh hưởng.

Úc săn nhân sự làm việc từ xa ở Việt Nam Úc săn nhân sự làm việc từ xa ở Việt Nam

TTO - Đối với những nước giàu đang thiếu hụt nhân lực như Úc, thị trường lao động của Đông Nam Á trở nên hấp dẫn không chỉ vì chất lượng mà còn vì ý nghĩa chiến lược trong quan hệ đối ngoại.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên