Một doanh nghiệp trẻ hoạt động tại Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao, TP Thủ Đức - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhiều doanh nghiệp tại Úc đang săn nguồn lao động tay nghề cao ở khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, nơi có nguồn nhân lực trẻ được đào tạo chuyên môn. Việc "săn đầu người" ở nước ngoài càng được đẩy mạnh nhờ xu hướng làm việc từ xa ngày càng trở nên phổ biến.
Tìm thấy "người cực tốt" ở Việt Nam
Trả lời trang Business Insider đầu tuần này, giám đốc Jason Ritterman của Away Teams, công ty chuyên cung cấp nguồn nhân lực thuê ngoài (outsourcing), nói xu hướng trên đã bùng nổ giữa giai đoạn đại dịch.
Ông Ritterman cho biết số nhân lực Away Teams tìm kiếm được cho khách hàng của mình đã tăng gấp ba trong 12 tháng qua, lên đến hơn 350 người ở TP.HCM.
"Dù họ là các công ty khởi nghiệp hay đa quốc gia, các doanh nghiệp này vẫn muốn thuê nhân viên ở địa phương. Nhưng tất cả họ đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, hoặc có tìm thấy thì chi phí cũng quá cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin", ông Ritterman giải thích.
Tìm kiếm nhân viên trong mảng công nghệ đã trở thành yếu tố khiến doanh nghiệp giảm lợi nhuận vì mức lương cho những vị trí này tăng khá nhanh.
"Hôm trước tôi vừa nói chuyện với CEO của một hãng IT lớn và ông ấy nói với tôi rằng một kỹ thuật viên có thể đảm nhận nhiều mảng cách đây 3 năm phải trả khoảng 80.000 USD/năm, nay là 150.000 USD/năm", ông Ritterman kể.
Ngược lại, vị giám đốc của Away Teams so sánh việc thuê nhân lực từ xa ở Việt Nam giúp các công ty tiết kiệm "khoảng 30 - 70%" so với việc trả lương cho nhân viên ở Úc khi tính cả các chi phí phát sinh.
Thế nhưng, theo Business Insider, vấn đề không chỉ nằm ở chuyện tiền bạc. Trên khắp các lĩnh vực, cứ 4 doanh nghiệp tại Úc lại có 1 doanh nghiệp nói họ không thể tìm được ứng viên phù hợp. Tình hình này được dự đoán sẽ chỉ có thể xấu đi vì số ứng viên sẵn có đang giảm xuống.
Ông Aidan Wollner, một giám đốc làm việc ở một mảng khác của Away Teams, đánh giá việc sử dụng nguồn nhân lực từ xa là một phương án tốt hiện nay.
"Tôi từng phải tìm kiếm kỹ sư chuyên về dịch vụ đám mây Amazon Web Services (AWS) ở địa phương và đã bỏ ra 900 USD để rao quảng cáo, có 4 ứng viên nhưng không đạt yêu cầu. Tôi đã nhờ Jason giúp đỡ và chỉ sau 2 tuần tìm kiếm ở Việt Nam, chúng tôi đã tìm thấy một người cực tốt", ông Wollner kể lại.
Ngoại giao công nghệ
Trong bối cảnh Đông Nam Á trở thành đấu trường cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI) thông qua một bài viết cuối tháng 6 năm nay kêu gọi Úc quan hệ với khu vực không nên dừng lại ở một "người hàng xóm" tốt mà còn cần mang mục tiêu chiến lược.
Theo ASPI, hồi tháng 11-2020, Canberra đã hỗ trợ Đông Nam Á hơn 500 triệu USD cho các mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, con số này chỉ như "muối bỏ bể" đối với hơn 670 triệu dân của Đông Nam Á và thậm chí còn có thể giảm đi trong tương lai vì cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19.
"Dù chi phí hỗ trợ giảm xuống, Úc vẫn có thể mang lại đóng góp giá trị nếu đầu tư thông minh và hào phóng vào tương lai của Đông Nam Á cũng như tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh và giàu kinh nghiệm của mình. Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là Úc phải đặt cược vào ngoại giao kỹ thuật số và công nghệ", trích bài viết của ASPI.
Cụ thể, ASPI cho rằng Úc có thể đóng góp đáng kể trong việc lấp đầy khoảng cách giữa các nước trong khu vực về năng lực kỹ thuật số. Trong khi Singapore là một trong những nước đứng đầu thế giới về phát triển công nghệ, Lào hay Myanmar lại tụt hậu khá xa.
Cùng lúc đó, Indonesia, Việt Nam hay Thái Lan được đánh giá là các thị trường thương mại điện tử đang phát triển và là nhà của một số trung tâm sáng tạo giàu năng lượng nhất thế giới.
Chính tại Đông Nam Á, các quốc gia cũng tự nỗ lực để xây dựng ngành công nghệ như một thế mạnh cạnh tranh mới. Điển hình năm 2019, Chính phủ Indonesia đã đổi tên Bộ Du lịch thành Bộ Du lịch và kinh tế sáng tạo.
Một phần kế hoạch toàn quốc 2019 của nước này là mục tiêu tối ưu hóa các hoạt động hỗ trợ tài chính cho ngành kỹ thuật số, tối ưu hóa các hãng thương mại điện tử, phát triển nguồn lao động, cải thiện chất lượng giáo dục cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ.
Tham vọng "Silicon Bali"
Tạp chí Forbes ngày 1-7 đánh giá Indonesia đang muốn xây dựng một "Silicon Bali" giống như Thung lũng Silicon của Mỹ, khi kêu gọi mọi người đến làm việc và học tập tại Bali. Bộ trưởng Du lịch và kinh tế sáng tạo Indonesia, ông Sandiaga Uno, khẳng định sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ chương trình này.
Hồi giữa tháng 3-2021, ông Uno chia sẻ bản thân hy vọng có thể thu hút được nguồn nhân lực kỹ thuật số từ khắp nơi trên thế giới tìm đến quốc gia này nhờ chương trình hộ chiếu dài hạn mới. Hộ chiếu này sẽ cho phép du khách nước ngoài ở lại Indonesia trong vòng 5 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận