19/08/2022 23:19 GMT+7

Tướng Myanmar nói sẵn sàng đàm phán với bà Aung San Suu Kyi

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Người đứng đầu quân đội Myanmar tuyên bố sẵn sàng đàm phán với nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi để chấm dứt cuộc khủng hoảng do cuộc đảo chính gây ra, song chỉ sau khi các phiên tòa xét xử bà kết thúc.

Tướng Myanmar nói sẵn sàng đàm phán với bà Aung San Suu Kyi - Ảnh 1.

Tướng Min Aung Hlaing trong cuộc gặp với bà Aung San Suu Kyi năm 2015 - Ảnh: REUTERS

"Sau khi các thủ tục pháp lý chống lại bà ấy kết thúc theo quy định, chúng tôi sẽ xem xét đàm phán dựa trên phản hồi của bà ấy", tướng Min Aung Hlaing cho biết trong một tuyên bố ngày 19-8.

Tướng Min Aung Hlaing cũng cho biết sẽ xem xét cho bà Suu Kyi được thi hành án theo hình thức quản thúc tại gia thay cho nhà tù. "Chúng tôi đã không đưa ra những truy tố nghiêm khắc đối với bà ấy và thể hiện sự khoan hồng mặc dù chúng tôi có thể làm nhiều hơn thế", người đứng đầu chính quyền quân sự lập luận.

Ông Min Aung Hlaing là người lãnh đạo cuộc chính biến lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi vào tháng 2-2021 và hiện đang đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar.

Bà Suu Kyi, 77 tuổi, đã bị giam giữ và đối mặt với hàng chục cáo buộc hình sự kể từ sau đảo chính. Các phiên tòa này do chính quyền quân sự thiết lập, thường xuyên xử kín và hạn chế cho bà Suu Kyi cùng các luật sư tiếp xúc với truyền thông.

Đầu tuần này, bà vừa bị tuyên thêm 6 năm tù vì tham nhũng, nâng tổng số án tù bà đang đối mặt lên 17 năm.

Hiện không có chỉ dấu nào từ chính quyền quân sự cho thấy các phiên tòa xét xử bà Suu Kyi sắp kết thúc. Tuy nhiên, đây dường như là lần đầu tiên người đứng đầu cuộc chính biến lật đổ bà Suu Kyi bắn tín hiệu sẵn sàng đàm phán với bà.

Hồi tháng 7 rồi, một phát ngôn viên của quân đội Myanmar cho biết việc đối thoại với bà Suu Kyi "không phải là không thể".

Bà Suu Kyi vẫn là một nhân vật được kính trọng tại Myanmar, theo Hãng thông tấn AFP. Các đồng minh chính trị của bà đã bị xét xử và bỏ tù sau cuộc chính biến tháng 2 năm ngoái.

Hiện chưa rõ việc kết thúc quá trình xét xử có đồng nghĩa bà Suu Kyi sẽ được gặp các đặc phái viên nước ngoài hay không.

Đặc phái viên của ASEAN và gần đây là Liên Hiệp Quốc đã bị từ chối cho gặp nhà lãnh đạo bị lật đổ với lý do bà đang bị xét xử, vi phạm các tội hình sự của Myanmar.

Myanmar kéo dài tình trạng khẩn cấp tới năm 2023 Myanmar kéo dài tình trạng khẩn cấp tới năm 2023

TTO - Theo Hãng tin Tân Hoa xã, hôm 31-7, Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia Myanmar đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp tại quốc gia Đông Nam Á này thêm 6 tháng.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên