Những ngày tết rồi cũng trôi qua. Sau cúng tất - đám giỗ ngoại cũng là lúc anh em tôi lục tục sửa soạn từ biệt quê để vào Sài Gòn bắt đầu công việc và học tập. Má bảo: "Vợ chồng bé Mai mang ít khô, ít cá vào Sài Gòn mà dùng."
Kêu thằng cháu gom góp phong bánh in, ít lạp xưởng và bánh kẹo mang về phòng trọ mà chia với chúng bạn. Còn tôi, má bảo: "Phong ơi, con mang mấy đòn bánh tét, bánh ít vào Sài Gòn mà dùng".
Hầu như năm nào cũng vậy, buổi chia tay con cháu xa rời quê má cũng tiễn ra tận ngõ rồi dặn dò đủ thứ, xem đứa này có quên cái áo cái quần hay cục sạc điện thoại, chìa khóa nhà cửa gì đó không.
Câu nói của má mà tôi nhớ nhất, đó là: "Tụi con mang hết vào Sài Gòn mà dùng. Ba má già rồi, ăn uống chẳng bao nhiêu, không cần để gì nhiều".
Bạn của tôi bảo rằng ba má của tụi nó cũng vậy. Nhiều lúc tụi tôi tự hỏi, không biết ba má tụi tôi nghĩ gì về thành phố. Xem ti vi thì ba má thấy nhiều căn nhà chọc trời, những công trình building xa hoa sang trọng.
Ngày ngày, trên báo đài không ít thông tin giới thiệu nhà hàng, quán ăn, siêu thị vô cùng rộng và đẹp, đồ ăn thức uống người ta bán ngào ngạt. Đã như vậy thì hà cớ gì ba má chúng tôi cứ mãi lo "tụi con mang hết vào Sài Gòn đi, để dành đó mà dùng"?
Có lẽ các ông ba bà má lo cho chúng tôi ở nơi đất lạ quê người đôi khi còn nhiều thiếu thốn, nhiều lúc nghèo khó hay lương công ty trả trễ, thế là không có được cái miếng để ăn. Mà hơn tất cả, chúng tôi nhận ra rằng, trong những câu nói "tụi con mang hết vào Sài Gòn mà dùng" có rất nhiều sự yêu thương và hi sinh.
Như nhà con Lan thằng Thành, ba má nó cặm cụi nuôi gà nuôi vịt, mỗi lần anh em nó về thì tranh thủ mần vài con cho tụi nó ăn cho đã thèm hoặc gói ghém từng quả trứng gà so trong giấy báo bỏ vào cái hộp nhựa để chúng mang đi vì "trong đó trứng gà công nghiệp không, làm gì có trứng gà nuôi thiên nhiên sạch sẽ giống ở nhà mình".
Nhiều lúc tụi tôi muốn nói với các ông ba bà má, rằng ở Sài Gòn chúng tôi không thiếu gì cả. Muốn ăn gì, nửa đêm bước vài chục mét là có. Các siêu thị tiện lợi mọc lên như nấm, rau sạch, thịt sạch (hay chỉ là gán mác sạch) bày bán ngạt ngào. Cái chúng tôi lo toan đó là tiền.
Chúng tôi lao động ở thành phố này, kiếm ra tiền để phục vụ lại các nhu cầu sống, sinh hoạt và học tập của mình. Ở đây chúng tôi không thiếu thứ gì cả.
Thậm chí, nếu không có tiền hay hết tiền, chúng tôi vẫn có thể tạt qua những thùng hoặc xe bánh mì từ thiện, tự tay lấy ổ bánh mì, ăn xong uống với ly nước mát, trà đá miễn phí mà bà con người thành phố dựng lên nhiều năm nay như một phong trào, nghĩa cử rất đẹp và tự hào của ai đã và đang sống tại thành phố mang tên Bác.
Nhiều lúc ngồi trên xe trở lại Sài Gòn, tôi và đám bạn suy nghĩ rồi cười. Đó là khi chúng tôi nhớ lại hình ảnh trước tết khoảng vài ngày chúng tôi gói ghém quầy quả quà cáp, thức ăn hoặc bánh mứt của người thành phố mang về cho quê.
Có người khệ nệ tay xách nách mang, ngoài túi xách còn có cả mấy va li. Vậy rồi, chuyến trở lại Sài Gòn của chúng tôi cũng lại có đầy quà cáp. Những thứ quà quê thân thuộc, những món ngon, con cá, hủ mắm.
Nó như những tình thương, quan tâm và sự hi sinh dành cho nhau, của những người thân trong gia đình và dòng tộc. Những món qua trao qua, gửi lại, những gói ghém và nhường nhịn của ông ba bà má, mang cả sự hi sinh và kỳ vọng, cho con cháu mình no đủ, không thiếu thốn ở xứ người.
Mùng 8 tết, trong dòng người hối hả trở vào thành phố để sống, tôi tin sẽ có rất nhiều người như tôi, thấy ấm áp và rưng rưng khi cầm trên tay những món mà ông ba bà má đưa với câu nói nhà quê chân chất: "Tụi con mang hết vào Sài Gòn mà dùng".
Hơn 600 bài viết tham gia Tết của tôi
Các tác giả đủ lứa tuổi khắp các vùng quê đất nước, từ cụ ông 83 tuổi đến người trẻ tuổi, từ người ở trời Tây thương nhớ quê nhà hay người nhập cư không thể trở về bên mâm cơm gia đình... mỗi người đều có một hoặc nhiều câu chuyện về tết. Có tác giả gửi bài nhiều lần, nhiều bài.
Trong đó không chỉ là câu chuyện hồi tưởng về quá khứ như "Tôi vẫn nhớ tết tuổi thơ" (Hồng Như) mà còn là những suy ngẫm về tình đất, tình người, như "Một lần "bị" ăn tết ở Sài Gòn, tôi đã thấy gì?" (Chung Thanh Huy) đã nhận 48 ý kiến bình luận của bạn đọc.
Các bài viết còn thể hiện khát vọng của tuổi trẻ về lập thân lập nghiệp, về Việt Nam trong tương lai như "Thư gửi ba mẹ của một du học sinh nhớ tết Sài Gòn" (Lê Thị Hồng Vân, Pháp)...
Như bạn đọc Diễm Hà tâm sự: "Tết của tôi là món quà xuân để mọi người chia sẻ, tìm đến sự đồng cảm. Cảm ơn quý báo đã đăng bài. Ba tôi vui lắm".
Gửi đến bài thơ của ba mình, Diễm Hà viết kèm: "Đây là bài thơ của ba tôi viết tặng mẹ tôi. Mẹ tôi ra đi vào tết cách đây 4 năm. Nên tết trong ba tôi là những ngày nhớ. Tôi mong bài thơ được đăng như là món quà xuân với ba tôi tết này"...
Một lần nữa xin cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của bạn đọc. Hi vọng tiếp tục nhận được nhiều đóng góp, chia sẻ trong các chuyên mục tiếp theo để Tuổi Trẻ Online ngày càng đa dạng, phong phú hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận