01/02/2018 14:39 GMT+7

'Tuấn Chó' và hành trình gian nan bảo tồn chó xoáy Phú Quốc

KHOA NAM
KHOA NAM

TTO - Gắn với biệt danh "Tuấn Chó" lúc nào không hay, người đàn ông đó đã nếm đủ mùi vị cay đắng, thất bại... để tìm cách bảo tồn và xây dựng được thương hiệu chó xoáy Phú Quốc cho Việt Nam như ngày hôm nay.

Tuấn Chó và hành trình gian nan bảo tồn chó xoáy Phú Quốc - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Tuấn bên con chó đầu đàn - Ảnh: KHOA NAM

Bảo tồn thành công giống chó xoáy Phú Quốc là tâm nguyện cả đời của tôi. Tôi nỗ lực để giữ lại loài chó quý và tin nó sẽ là một sản phẩm độc đáo sánh ngang với nhiều loài chó nổi tiếng của các nước trên thế giới

Ông LÊ QUỐC TUẤN (giám đốc Công ty chó xoáy Phú Quốc Thanh Nga)

Những năm 1997-1998, việc nuôi tôm sú ở huyện An Minh (Kiên Giang) của ông Lê Quốc Tuấn gặp thuận lợi, trúng liền mấy vụ giúp ông gom góp được khoảng 500 triệu đồng. Có tiền, việc đầu tiên ông Tuấn nghĩ tới là ra đảo Phú Quốc tìm hiểu về giống chó quý hiếm.

Ông Tuấn vừa tìm hiểu về chó Phú Quốc, vừa hỏi mua đất vườn. Thời điểm đó, Phú Quốc còn khá hoang sơ, đất vườn bán rẻ như cho chứ chưa "sốt" như ngày nay, cho nên với khoảng 300 triệu đồng ông mua được tới gần 1ha đất ở xã Cửa Dương. 

Nghe ở đâu có chó con với các đặc điểm như có xoáy ở lưng từ cổ tới đuôi, giữa các ngón chân có màng, ngực nở eo thon, lông ngắn dưới 2cm, đuôi vót cần câu là ông tìm tới đem về. 

Sau hơn một năm, ông gom được đàn chó khoảng 80 con, kinh nghiệm nuôi chủ yếu nghe theo người dân địa phương.

Biệt danh "Tuấn Chó"

Ban đầu mọi việc diễn ra suôn sẻ, chó ăn cơm với cá kho lớn lên bình thường. Nhưng từ đầu mùa mưa 2001, đàn chó quý liên tục bị tiêu chảy, nôn mửa rồi chết hết. Ông Tuấn lâm vào cảnh trắng tay. 

Nhưng cũng từ đó, biệt danh "Tuấn Chó" gắn với ông lúc nào không hay.

Sau thất bại ban đầu, ông Tuấn âm thầm trở về đất liền, tiếp tục công việc ở một sở, đồng thời vay nợ nuôi tôm trở lại với suy nghĩ khi trúng tôm sẽ tiếp tục nuôi chó. 

Sau hai năm, gom được một số vốn kha khá, ông Tuấn lập đề án "Bảo tồn và phát triển giống chó xoáy Phú Quốc", đồng thời xin thuê được 4,8ha đất rừng phòng hộ cách trục đường Nam - Bắc đảo khoảng 200m thuộc xã Dương Tơ. 

Đây chính là môi trường lý tưởng để chó Phú Quốc phát triển gần với môi trường tự nhiên nhất.

Rút kinh nghiệm, lần này ông Tuấn tìm tới bác sĩ thú y. Nhưng kể cả bác sĩ thú y khi gặp bệnh cảnh chó xoáy Phú Quốc cũng không biết xử trí thế nào. Vậy là bắt đầu thử nghiệm kháng sinh. 

"Mình cho chó uống kháng sinh khi thấy bệnh, đối chứng hai nhóm rồi mới chọn ra loại phù hợp. Nói thì nghe ngắn, chứ phải kéo dài hơn hai năm trời mới ổn" - ông Tuấn chia sẻ.

Dấu mốc thành công là vào tháng 5-2005, đây cũng là thời điểm giống chó xoáy Phú Quốc chính thức được cấp chứng nhận thương hiệu độc quyền. 

"May là tôi đăng ký sớm nên giữ được thương hiệu chó xoáy Phú Quốc cho Việt Nam. Chứ không thì thương hiệu này sẽ theo chân nước mắm Phú Quốc bị một nước láng giềng tranh mất rồi" - ông Tuấn cười sảng khoái nói.

Theo ông Tuấn, cái khó nhất khi đưa giống chó xoáy Phú Quốc hoang dã về nuôi trong trang trại là phải quản lý lý lịch chặt chẽ để bảo tồn nguồn gen tốt. 

Để làm điều này, ông Tuấn đã ký hợp đồng với khoa công nghệ sinh học của Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM). Hiện tổng đàn chó tại trang trại của ông Tuấn đã lên tới 400 con.

Tuấn Chó và hành trình gian nan bảo tồn chó xoáy Phú Quốc - Ảnh 3.

Du khách thích thú với chú chó con khoảng 2 tháng tuổi - Ảnh: KHOA NAM

Trang trại chó

Bây giờ, rời trục đường Nam - Bắc đảo Phú Quốc nhộn nhịp xe cộ, rẽ vào trang trại chó xoáy Phú Quốc, du khách sẽ gặp khung cảnh rừng cây nguyên sinh xanh mát mắt. Cả khu bảo tồn rộn lên đủ thứ âm thanh của núi rừng. 

Ý thức bảo vệ thiên nhiên của chủ trang trại thể hiện rõ qua cảnh vật thiên nhiên gần như được giữ nguyên vẹn, giảm tối thiểu việc sử dụng vật liệu kiên cố, can thiệp vào cảnh quan tự nhiên. Ngay mái nhà đón du khách cũng được khoét lỗ chỗ để nhường cho cây rừng sinh trưởng.

Khu trang trại được chia thành nhiều phân khu, tương ứng với mỗi phân khu là nhiệm vụ của từng nhóm chó.

Dọc theo con đường tham quan, du khách lần lượt đi qua nhiều khu vực, như chó bảo vệ; chó nhặt rác; trường đua chó rộng 360m2 với 12 loại địa hình qua 4 đường đua, con số này tượng trưng cho 360 ngày, 12 tháng và 4 mùa trong năm; khu vực chó xếp chữ; khu nuôi dưỡng chó con; khu vực sinh sản... 

Cuối cùng là ngọn đồi cao được dành làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng cho chó.

Nguồn tiền để duy trì hoạt động của trang trại chủ yếu từ việc bán vé cho khách tham quan. Không chỉ tiếp xúc với giống chó quý hiếm, du khách còn được xem chúng biểu diễn nhiều kỹ năng thú vị. 

Ngoài ra, du khách còn được tham quan rừng nguyên sinh, ngắm nhìn hoa lan khoe sắc, nghe suối chảy róc rách len lỏi qua từng thân cây cổ thụ, từng phiến đá xanh rêu.

Đưa tay xếp lại mấy mẫu lan rừng, ông Tuấn nói: "Giờ coi như có thể mãn nguyện nhìn đàn chó phát triển ổn định. Sắp tới sẽ tiếp tục các dự án bảo tồn lan rừng và cây sim rừng Phú Quốc".

Tuấn Chó và hành trình gian nan bảo tồn chó xoáy Phú Quốc - Ảnh 4.

Chó xoáy Phú Quốc nhặt rác - Ảnh: KHOA NAM

Ông Lê Quốc Tuấn cho rằng không như lo ngại của nhiều người, chó xoáy Phú Quốc khá dễ nuôi. Chỉ cần lưu ý không được cho chó ăn quá no và thức ăn không được có chất béo.

Ngoài ra, phải tuân thủ lịch tiêm ngừa cho chó, khi thấy có dấu hiệu bị bệnh, thường là rối loạn tiêu hóa, phải tiêm đúng loại kháng sinh.

Do đây là giống chó hoang dã nên nếu nuôi trong nhà phải cột cẩn thận. Chó xoáy Phú Quốc chỉ thân với chủ nhà, còn gặp người lạ xâm phạm vào "lãnh địa" sẽ lập tức tấn công ngay.

Chuyện cột chó trong nhà hay nhốt trong chuồng là cần thiết, vì nếu hàng rào không có lưới chắn trèo thì chó Phú Quốc có thể dễ dàng thoát ra ngoài.

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên