Công nhân nhà máy sản xuất sản phẩm với hiệu suất cao hơn sau khi cải tiến - Ảnh: N.K.
Chúng tôi đã tiếp nhận sự hỗ trợ của Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK) trong bối cảnh cơ hội thị trường đang mở ra rất lớn.
Sự đứt gãy chuỗi cung ứng sau đại dịch, sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư khiến nhiều nhà đầu tư tìm đến Việt Nam đặt hàng các sản phẩm linh kiện. Nhưng bài toán với chúng tôi, đó là làm sao cải tiến được năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu đơn hàng ngày càng cao.
Tôi luôn trăn trở, chúng tôi đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ mảng sản xuất linh kiện, công nghiệp phụ trợ. Nhưng nếu không có bước đi đúng cách, sẽ không thể tối ưu hóa hoạt động và mang lại hiệu quả.
Năm 2022 dù có nhiều đơn hàng và tăng trưởng, nhưng dự báo năm 2023 sẽ có nhiều thách thức khi tàn dư của lạm phát, xung đột chính trị, dịch bệnh dự kiến sẽ tác động đến hết quý 3-2023.
Nếu không cải tiến và thay đổi, sự cạnh tranh là vô cùng khốc liệt và khó có thể vươt qua được những dự báo u ám sắp tới cho năm 2023 về nguy cơ suy thoái kinh tế, đơn hàng sụt giảm.
Nhận hỗ trợ tư vấn cải tiến từ VITASK từ giữa năm nay, chúng tôi đã đặt "đề bài" cho các chuyên gia tư vấn, đó là hỗ trợ cải tiến công đoạn đúc khuôn.
Chuyên gia mảng khuôn cao su trực tiếp đến nhà máy hỗ trợ, nhận thấy quy trình sản xuất phát sinh nhiều lỗi. Điều này dẫn tới khi chúng tôi muốn phát triển một vài sản phẩm mới, nhưng lại không có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng và công nghệ làm về khuôn, làm cho hiệu quả đơn hàng không cao.
Việc thay đổi tư duy trong sản xuất là chìa khóa giúp nâng cao năng suất - Ảnh: N.K.
Nhờ có chuyên gia "gỡ rối", trên cơ sở phân tích các lỗi và đưa ra phương hướng để cải tiến chất lượng năng suất.
Đặc biệt, chuyên gia còn đưa ra hướng để gợi mở các ý tưởng, giúp thay đổi được tư duy của đội ngũ phòng thiết kế. Chúng tôi nhận ra, không chỉ thiết kế khuôn mẫu mà quy trình sản xuất, thiết kế khuôn, lấy sản phẩm từ khi bắt đầu đến khi kết thúc thế nào để sản phẩm đạt độ chính xác cao nhất, hiệu quả nhất.
Một trong những hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam, là chưa có nhiều cơ hội để được thử nghiệm các sản phẩm có độ khó cao.
Đến nay khi đơn hàng về nhiều, yêu cầu thị trường cao hơn, đặc biệt trong các mảng ô tô, điện tử, gia dụng, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đầu tư trong kỹ thuật, công nghệ. Dồn dập đơn hàng chuyển về từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… chúng tôi hiểu nếu không thay đổi sẽ mất cơ hội.
Các chuyên gia VITASK không chỉ trực tiếp đến hỗ trợ, mà còn thường xuyên trao đổi qua email, điện thoại hoặc họp trực tuyến. Bất cứ khi nào có vấn đề, chúng tôi đều nhận được lời chia sẻ từ chuyên gia.
Đến nay, kết quả thu lại là năng suất chất lượng được nâng cao, tỉ lệ lỗi một mã sản phẩm trước đây là 0,4% thì nay còn 0,2%. Năng suất tăng 150%, một số sản phẩm đưa ra ý tưởng, thay đổi tư duy thiết kế bộ khuôn nhanh hơn, quy trình công đoạn tăng năng suất và đáp ứng 200%, giảm lỗi.
Năm 2022, dù khó khăn nhưng Cao su Giải Phóng vẫn tăng trưởng tốt, gần gấp đôi năm trước là nhờ một phần triển khai các hoạt động tư vấn cải tiến. Theo kế hoạch, trong năm sau chúng tôi cũng có chương trình trực tiếp sang Hàn Quốc để học hỏi kinh nghiệm.
Hàn Quốc là đất nước đi đầu, có nền tảng sản xuất sản phẩm và linh kiện khó nhất của cao su. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được tiếp cận công nghiệp, học hỏi và chia sẻ công nghệ, kỹ thuật từ phía bạn nhiều hơn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Chúng tôi hiểu, điều quan trọng là cần thay đổi tư duy, cởi bỏ nút thắt mà mình đang "nhầm tưởng" bấy lâu nay để đi đúng hướng, thì mới có được sự thay đổi cho sản phẩm cạnh tranh với thị trường.
Lan tỏa Chuyện nghề thời 4.0
Nằm trong tuyến diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ" năm 2022, báo Tuổi Trẻ và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khởi động cuộc thi "Chuyện nghề thời 4.0", với sự đồng hành của Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Hàn (VITASK).
Cuộc thi là diễn đàn ghi nhận những chuyện đời, chuyện nghề trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, qua đó nhằm khơi dậy tinh thần xã hội sản xuất.
Chương trình nhằm tạo sân chơi, cơ hội cho những người công nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, công nghiệp hỗ trợ chia sẻ về công việc, nghề nghiệp, câu chuyện tìm hiểu và ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, mở rộng quy mô, giá trị để phát triển doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Từ đó truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về ngành nghề được xem là "khô khan" như công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ.
Bài dự thi có thể là câu chuyện của chính bạn đọc hay kể lại câu chuyện của những doanh nghiệp trong và ngoài nước chia sẻ về việc kinh doanh, khởi nghiệp bằng nghề cơ khí, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Những câu chuyện đời thường trong hoạt động sản xuất công nghiệp, như việc người công nhân, kỹ sư mày mò tìm hiểu, tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật, hướng đến sản xuất thông minh để đạt được hiệu quả năng suất và thành công, với những kế hoạch định hướng cho tương lai, những góp sức cho sự phát triển của nền công nghiệp nước nhà.
Cuộc thi cũng tiếp nhận đăng tải những bài viết chia sẻ và tôn vinh những người lao động, người thợ lành nghề trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trên khắp cả nước.
Chia sẻ những kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà quản lý nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, từ đó hiến kế những giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp ngành công nghiệp.
Đối tượng tham gia: Người Việt Nam hoặc người nước ngoài đều có thể tham gia, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp.
Yêu cầu bài dự thi:
- Bài viết tối đa 1.500 chữ, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa.
- Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt.
- Tác giả ghi rõ địa chỉ, số điện thoại, email, số tài khoản (nếu có) để ban tổ chức liên lạc.
- Bài dự thi chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào và chưa từng đăng tải trên tất cả các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Bài dự thi được chọn đăng trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ sẽ được ban tổ chức trả nhuận bút.
Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải nhất: 20 triệu đồng.
- 1 giải nhì: 10 triệu đồng.
- 1 giải ba: 5 triệu đồng.
- 2 giải phụ đặc biệt: 10 triệu đồng mỗi giải (dành cho doanh nghiệp ngành công nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả trong sản xuất).
Lễ trao giải: dự kiến tháng 12-2022.
Quy định chung:
- Tác giả chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin trong bài viết và bản quyền
bài viết.
- Cán bộ, phóng viên, công nhân viên báo Tuổi Trẻ và nhân viên đơn vị đồng hành chương trình cùng những người trong gia đình được tham gia viết bài nhưng không được xét chấm giải.
- Ban tổ chức được quyền sử dụng bài dự thi đoạt giải cho mục đích tuyên truyền, quảng bá trong và sau cuộc thi.
- Ban tổ chức giữ quyền xem xét và quyết định các giải thưởng.
- Các bài được đăng coi như vào vòng sơ khảo, ban giám khảo gồm các chuyên gia có uy tín sẽ xét duyệt chấm giải từ những bài vào sơ khảo.
Địa chỉ nhận bài: Bạn đọc gửi bài dự thi về địa chỉ email: chuyennghecongnghiep@tuoitre.com.vn hoặc gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ghi rõ tiêu đề tham gia cuộc thi viết "Chuyện nghề thời 4.0".
Thời gian nhận bài dự thi đến hết ngày 10-12-2022.
BAN TỔ CHỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận