10/12/2022 15:00 GMT+7

Chuyện nghề 4.0: Tôi hài lòng khi chọn học nghề

TẤN KIỆT
TẤN KIỆT

Nhìn không ít người quen tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường vất vả tìm việc, tôi có chút hoài nghi về bản thân mình. Dù học lực không phải tệ nhưng tôi quyết định đi học nghề cho "chắc ăn".

Chuyện nghề 4.0: Tôi hài lòng khi chọn học nghề - Ảnh 1.

Huỳnh Đỗ Tấn Kiệt kiểm tra thao tác bộ phận điều khiển của máy cắt laser CNC tại nhà máy - Ảnh: TẤN LỰC

Sau hơn 4 năm trưởng thành từ trường nghề, tôi có một công việc như ý, thu nhập đủ trang trải cuộc sống gia đình và nhìn thấy tương lai đang mở ra trước mắt.

Lựa chọn đúng khi học nghề

Khách quan mà nói, với mức học lực khá những năm trung học phổ thông, việc tìm kiếm một trường đại học tầm trung có lẽ không phải thử thách quá lớn. Nhưng thật kỳ lạ, trong khi rất nhiều bạn bè hướng tới những trường top đầu, những ngành học "hot" thì tôi chỉ có suy nghĩ đi học nghề.

Nghĩ là làm, hết cấp 3 tôi nộp đơn vào Trường cao đẳng nghề Đà Nẵng, theo đuổi ngành cơ điện tử, sau này gọi là tự động hóa. Là nơi đào tạo nghề nên sau vài phần lý thuyết đại cương, chúng tôi nhanh chóng lao vào làm quen máy móc, trang thiết bị, những phần học thực hành chiếm tới 80% chương trình đào tạo. 

Chuyện nghề 4.0: Tôi hài lòng khi chọn học nghề - Ảnh 2.

Sau khi chắc tay nghề, anh Kiệt được chuyển sang bộ phận thiết kế và giám sát thi công - Ảnh: TẤN LỰC

Các thầy cô là thợ giỏi nghề, có người mở gara, nhà xưởng riêng, kinh nghiệm rất phong phú. Họ coi học viên như con em và rất nhiệt tình chỉ dạy những bí quyết trong nghề, mối quan hệ thầy - trò vì thế rất gần gũi và vui vẻ.

Là đơn vị trực thuộc UBND thành phố, lại có nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp liên kết nên trang thiết bị, máy móc phục vụ học tập của trường khỏi chê, nhiều loại máy rất hiện đại. Mấy đứa khóa chúng tôi hay nói đùa rằng tiền học phí quá rẻ nộp vào mỗi học kỳ có lẽ là không đủ để học viên "phá phách" khi tiếp cận máy móc, cắt gọt vật liệu trong quá trình học thực hành.

Những bài học trên máy giúp chúng tôi học được nhiều điều, mỗi khi sự cố xảy ra là dịp để các thầy khắc phục và chỉ dạy cho chúng tôi thêm kiến thức thực tế. Từ vận hành máy phay, máy tiện CNC, điều khiển khí nén đến lắp ráp, lập trình máy chúng tôi đều được học rất kỹ lưỡng.

Thời gian này, rất nhiều doanh nghiệp tìm đến trường kết nối và "đặt hàng" nguồn nhân lực. Chưa đợi ra trường, học viên đã được đưa về nhà máy tham gia hoạt động sản xuất, vừa học vừa làm.

Nuôi giấc mơ khởi nghiệp

Ra trường, tôi được công ty nơi thực tập nhận về công tác trong lĩnh vực gia công chi tiết kim loại. Sau hơn một năm đứng vận hành máy cắt CNC, tôi được chuyển qua làm công tác thiết kế, tiếp nhận yêu cầu khách hàng và lên bảng vẽ chuyển sang bộ phận sản xuất thực hiện. 

Thú thật yêu cầu công việc tại đây chỉ mới sử dụng một phần nhỏ so với những kiến thức được học tại trường. Tôi vẫn mong muốn sẽ có môi trường để tiếp tục phát triển tay nghề, làm những công việc có yêu cầu cao hơn, thử thách bản thân nhiều hơn. 

Chế tạo ra những sản phẩm cơ khí chính xác với yêu cầu cao hơn về chất lượng kỹ thuật và giá trị mang lại. Đáng tiếc là tại miền Trung nhu cầu của doanh nghiệp đối với các vị trí lao động như vậy là chưa nhiều.

Chuyện nghề 4.0: Tôi hài lòng khi chọn học nghề - Ảnh 3.

Huỳnh Đỗ Tấn Kiệt theo dõi công nhân thực hiện công đoạn dập trên máy chuyên dụng - Ảnh: TẤN LỰC

Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi cảm thấy hài lòng với công việc và mức thu nhập mà nghề mang lại. Đến nay hầu hết anh em bạn bè cùng khóa đều đã có việc làm ổn định, đúng nghề hoặc có liên quan tới nghề. Đồng lương thợ nghề không cao nhưng không thấp, so với mức lương của không ít sinh viên đại học ra trường hiện nay vẫn được coi là nhỉnh hơn. 

Trải qua hai năm dịch bệnh COVID-19, rất nhiều lao động các ngành nghề thất nghiệp, mất thu nhập nhưng anh em thợ nghề đa số vẫn duy trì được công việc. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh tạm ngừng, các nhà máy, xí nghiệp, khu điểm du lịch, nhà hàng khách sạn… tranh thủ thời gian nâng cấp dây chuyền thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất và đó là nguồn cung cấp việc làm cho người thợ cơ khí.

Tôi luôn nuôi ước mơ sau này sẽ tự mình khởi nghiệp, xây dựng nên doanh nghiệp cơ khí cho riêng mình. Còn bây giờ là lúc để hăng say làm việc, tiếp tục tích lũy kinh nghiệm, học hỏi thêm kiến thức mới và xây dựng các mối quan hệ phục vụ cho mục tiêu cuộc đời.

Từ kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy xã hội đang dịch chuyển vào con đường sản xuất và nhu cầu nhân lực lành nghề đang rất cao ở hầu hết mọi nhóm ngành sản xuất chế tạo. Vì thiếu lao động kỹ thuật, không ít công ty chủ động tìm tới trường nghề để chiêu mộ nhân lực, học viên ra trường đều có chỗ tiếp nhận, công việc ổn định. 

Tôi khuyên các bạn trẻ nếu chưa hình dung được tương lai mình sẽ làm gì thì thay vì đua theo số đông cứ mạnh dạn đi học nghề, học thật chắc một ngành nghề nào đó làm vốn lận lưng. Nếu có yêu thích và đam mê, rất nhanh các bạn sẽ tìm thấy trong nghề những ngóc ngách thú vị mà nếu bắt mạch và phát triển đúng, thành công sẽ nhanh chóng đến với các bạn.

Huỳnh Đỗ Tấn Kiệt (Cẩm Lệ - Đà Nẵng) 

Giải nhất Cuộc thi tay nghề Cơ điện tử TP Đà Nẵng 2018

Lan tỏa Chuyện nghề thời 4.0

Nằm trong tuyến diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ" năm 2022, báo Tuổi Trẻ và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khởi động cuộc thi "Chuyện nghề thời 4.0", với sự đồng hành của Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Hàn (VITASK).

Cuộc thi là diễn đàn ghi nhận những chuyện đời, chuyện nghề trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, qua đó nhằm khơi dậy tinh thần xã hội sản xuất.

Chương trình nhằm tạo sân chơi, cơ hội cho những người công nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, công nghiệp hỗ trợ chia sẻ về công việc, nghề nghiệp, câu chuyện tìm hiểu và ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, mở rộng quy mô, giá trị để phát triển doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Từ đó truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về ngành nghề được xem là "khô khan" như công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ.

Bài dự thi có thể là câu chuyện của chính bạn đọc hay kể lại câu chuyện của những doanh nghiệp trong và ngoài nước chia sẻ về việc kinh doanh, khởi nghiệp bằng nghề cơ khí, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Những câu chuyện đời thường trong hoạt động sản xuất công nghiệp, như việc người công nhân, kỹ sư mày mò tìm hiểu, tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật, hướng đến sản xuất thông minh để đạt được hiệu quả năng suất và thành công, với những kế hoạch định hướng cho tương lai, những góp sức cho sự phát triển của nền công nghiệp nước nhà.

Cuộc thi cũng tiếp nhận đăng tải những bài viết chia sẻ và tôn vinh những người lao động, người thợ lành nghề trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trên khắp cả nước.

Chia sẻ những kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà quản lý nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, từ đó hiến kế những giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp ngành công nghiệp.

Đối tượng tham gia: Người Việt Nam hoặc người nước ngoài đều có thể tham gia, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp.

Yêu cầu bài dự thi:

- Bài viết tối đa 1.500 chữ, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa.

- Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt.

- Tác giả ghi rõ địa chỉ, số điện thoại, email, số tài khoản (nếu có) để ban tổ chức liên lạc.

- Bài dự thi chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào và chưa từng đăng tải trên tất cả các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Bài dự thi được chọn đăng trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ sẽ được ban tổ chức trả nhuận bút.

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải nhất: 20 triệu đồng.

- 1 giải nhì: 10 triệu đồng.

- 1 giải ba: 5 triệu đồng.

- 2 giải phụ đặc biệt: 10 triệu đồng mỗi giải (dành cho doanh nghiệp ngành công nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả trong sản xuất).

Lễ trao giải: dự kiến tháng 12-2022.

Quy định chung:

- Tác giả chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin trong bài viết và bản quyền

bài viết.

- Cán bộ, phóng viên, công nhân viên báo Tuổi Trẻ và nhân viên đơn vị đồng hành chương trình cùng những người trong gia đình được tham gia viết bài nhưng không được xét chấm giải.

- Ban tổ chức được quyền sử dụng bài dự thi đoạt giải cho mục đích tuyên truyền, quảng bá trong và sau cuộc thi.

- Ban tổ chức giữ quyền xem xét và quyết định các giải thưởng.

- Các bài được đăng coi như vào vòng sơ khảo, ban giám khảo gồm các chuyên gia có uy tín sẽ xét duyệt chấm giải từ những bài vào sơ khảo.

Địa chỉ nhận bài: Bạn đọc gửi bài dự thi về địa chỉ email: chuyennghecongnghiep@tuoitre.com.vn hoặc gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ghi rõ tiêu đề tham gia cuộc thi viết "Chuyện nghề thời 4.0".

Thời gian nhận bài dự thi đến hết ngày 10-12-2022.

BAN TỔ CHỨC

Chuyện nghề 4.0: Tôi hài lòng khi chọn học nghề - Ảnh 5.
Cuộc thi viết Cuộc thi viết 'Chuyện nghề thời 4.0': Quyết từ nhà buôn thành nhà sản xuất

TTO - Dù theo đuổi nghề sản xuất sẽ phải đối diện với rất nhiều gian nan, nhưng chúng tôi đã không bằng lòng chỉ là một "nhà buôn" dù công việc này khá tốt, mà quyết tâm rót vốn đầu tư mở nhà máy.

TẤN KIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên