29/10/2022 10:33 GMT+7

Cuộc thi viết 'Chuyện nghề thời 4.0': Quyết từ nhà buôn thành nhà sản xuất

ÔNG ĐẶNG NGỌC QUÝ (giám đốc điều hành  Công ty TNHH kỹ thuật  công nghệ Nam Sơn)
ÔNG ĐẶNG NGỌC QUÝ (giám đốc điều hành Công ty TNHH kỹ thuật công nghệ Nam Sơn)

TTO - Dù theo đuổi nghề sản xuất sẽ phải đối diện với rất nhiều gian nan, nhưng chúng tôi đã không bằng lòng chỉ là một "nhà buôn" dù công việc này khá tốt, mà quyết tâm rót vốn đầu tư mở nhà máy.

Cuộc thi viết Chuyện nghề thời 4.0: Quyết từ nhà buôn thành nhà sản xuất - Ảnh 1.

Sản xuất tại công ty Công ty TNHH kỹ thuật công nghệ Nam Sơn - Ảnh: N.AN

Chúng tôi đã gắn bó với nghề phân phối các dòng máy laser suốt nhiều năm qua, chủ yếu là hoạt động nhập khẩu để phân phối cho các dòng máy của Mỹ, EU, Đài Loan... Nhưng nhận thấy từ nhu cầu thị trường và kinh nghiệm tích lũy được, Nam Sơn đã quyết định mở nhà máy, trực tiếp sản xuất ra những sản phẩm máy laser "Made in Vietnam".

Làm công nghiệp rất gian truân

Tại thời điểm đầu tư vào 10 năm trước, chúng tôi là công ty duy nhất ở Việt Nam sản xuất thiết bị máy laser. Nhưng đúng là "sản xuất không trải hoa hồng". Nhiều lần thử thất bại, tháng 7-2012 sản phẩm máy cắt, khắc laser mới được nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công với tên Namson PowerMark.

Nhưng làm ra sản phẩm là một chuyện, có được thị trường chấp nhận hay không lại là chuyện khác. Chúng tôi đã phải đối mặt với những nghiệt ngã nhất của thị trường.

Quyết định đi vào phân khúc giữa, cung cấp những chiếc máy laser có chất lượng tốt với giá thành phù hợp, chỉ khoảng 25.000 USD. Nhưng với một công ty Việt Nam còn non trẻ thì việc đầu tư vào lĩnh vực yêu cầu hàm lượng nghiên cứu, chất xám lớn, để thuyết phục được thị trường là cực khó.

Nhiều người chỉ nghe giới thiệu đã không muốn, họ chỉ nghĩ tới hàng nhập khẩu. Bởi khi đó, trong suy nghĩ của giới máy móc kỹ thuật, định vị về thương hiệu sản phẩm Made in Vietnam ở lĩnh vực cơ khí chính xác, dòng máy công nghệ cao là chất lượng chưa cao. Người ta nghĩ tới Việt Nam là chỉ nghĩ đến cà phê, lúa gạo, cá tra hay nông sản... chứ không mấy ai nghĩ tới nước sản xuất máy móc thiết bị.

Rồi cạnh tranh với Trung Quốc vẫn luôn là rào cản lớn, khi nước này có lợi thế về sản xuất quy mô lớn, công nghệ phát triển. Trong khi đây là lĩnh vực khó và rất mới mẻ ở Việt Nam, chưa có trường đào tạo nên đội ngũ của Nam Sơn laser phải tự đi học, tự bỏ tiền trả cho các đối tác, chuyên gia nước ngoài để có thêm kiến thức.

Quá trình thử nghiệm cho mỗi sản phẩm mới cũng không đơn giản khi linh kiện để sản xuất máy laser rất đắt. Đây là dòng sản phẩm có tốc độ phát triển nhanh, nếu nhập linh kiện về mà không kịp nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất thì sẽ dễ bị "đào thải" do lỗi thời và thị trường bão hòa.

Bởi vậy, khi bỏ tiền đầu tư nghiên cứu một sản phẩm mới với Nam Sơn laser là sự chạy đua với thời gian, phải làm nhanh và nỗ lực gấp đôi, gấp ba để tránh những rủi ro trong đầu tư. Nhưng nghiên cứu ra rồi, để kinh doanh được thì sản phẩm phải được gửi đi kiểm định, có những dòng máy phải gửi ra nước ngoài với chi phí lên tới 300 triệu đồng/lần kiểm định và cấp giấy chứng nhận.

Một hành trình tự thân vận động

Trong chặng đường ấy, Nam Sơn laser gần như phải tự thân vận động mà không có nhiều hỗ trợ. Từ các khoản đầu tư tài chính ban đầu rất lớn, hay việc mua sắm máy móc trang thiết bị đắt tiền đều phải tự huy động từ nhiều nguồn. Đến quá trình sản xuất, thử nghiệm sản phẩm và bán hàng, doanh nghiệp cũng phải lặn lội, bươn chải khắp nơi để làm ra một sản phẩm Made in Vietnam với giá thành cạnh tranh nhất, thu hút được khách hàng.

Thậm chí, dù "có suất" vào khu công nghiệp công nghệ cao tại TP.HCM để được hưởng các ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, song vì phải thuê đất qua bên thứ ba với chi phí lớn, nên chúng tôi cũng đành ngậm ngùi chấp nhận ra bên ngoài để thuê đất, xây nhà máy.

Đến nay, một số chính sách hỗ trợ công ty nhận được là hỗ trợ từ... Tập đoàn Samsung, họ đến nhà máy giúp doanh nghiệp áp dụng mô hình 5S (quản trị sản xuất tinh gọn); hay tham gia các hội chợ, triển lãm... để tìm thị trường.

Đối thủ đến từ Trung Quốc rất đáng gờm, khi nước họ hỗ trợ các dòng sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm xuất khẩu được hoàn thuế lên tới 17%, nên rất cạnh tranh.

Do đó, chúng tôi rất mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ thực sự "ra tấm ra món", bởi doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp trong ngành sản xuất vốn rất gian nan. Chúng tôi mong có được một phần nguồn lực ban đầu, như vốn, giảm chi phí vay, mặt bằng đất đai hoặc công nghệ, thử nghiệm sản phẩm, tăng cường quản trị và cải tiến sản xuất, giúp cho doanh nghiệp Việt Nam đạt được những tiêu chuẩn quốc tế để có nhiều cơ hội hơn ra thị trường nước ngoài.

Mong dần bớt gian nan

Khi doanh nghiệp hướng ra xuất khẩu, làm các thủ tục cấp xuất xứ ưu đãi, phải liệt kê rất chi tiết về quy trình sản xuất... phức tạp, khiến doanh nghiệp phải bỏ cuộc và chấp nhận làm xác nhận theo mẫu thông thường, không được hưởng ưu đãi thuế.

Có những tranh cãi về nguồn gốc xuất xứ đối với sản phẩm công nghiệp, hầu hết linh kiện phải nhập khẩu nhưng giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám của sản phẩm nằm ở việc nghiên cứu, thiết kế thì lại không được tính vào tỉ lệ xuất xứ. Dẫn tới những sản phẩm của chúng tôi dù tự làm ra, tự nghiên cứu cũng không thể được hưởng ưu đãi. Chúng tôi mong Nhà nước có hướng dẫn cụ thể hơn, hỗ trợ doanh nghiệp và xác định phương pháp tính cho phù hợp.

Lan tỏa Chuyện nghề thời 4.0

Nằm trong tuyến diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ" năm 2022, báo Tuổi Trẻ và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khởi động cuộc thi "Chuyện nghề thời 4.0", với sự đồng hành của Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Hàn (VITASK).

Khởi động từ ngày 27-10, cuộc thi là diễn đàn ghi nhận những chuyện đời, chuyện nghề trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, qua đó nhằm khơi dậy tinh thần xã hội sản xuất.

Cuộc thi nhằm tạo sân chơi, cơ hội cho những người công nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, công nghiệp hỗ trợ chia sẻ về công việc, nghề nghiệp, câu chuyện tìm hiểu và ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, mở rộng quy mô, giá trị để phát triển doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về ngành nghề được xem là "khô khan" như công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ.

Bài dự thi có thể là câu chuyện của chính bạn đọc hay kể lại câu chuyện của những doanh nghiệp trong và ngoài nước chia sẻ về việc kinh doanh, khởi nghiệp bằng nghề cơ khí, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Những câu chuyện đời thường trong hoạt động sản xuất công nghiệp, như việc người công nhân, kỹ sư mày mò tìm hiểu, tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật, hướng đến sản xuất thông minh để đạt được hiệu quả năng suất và thành công, với những kế hoạch định hướng cho tương lai, những góp sức cho sự phát triển của nền công nghiệp nước nhà.

Cuộc thi cũng tiếp nhận đăng tải những bài viết chia sẻ và tôn vinh những người lao động, người thợ lành nghề trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trên khắp cả nước. Chia sẻ những kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà quản lý nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, từ đó hiến kế những giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp ngành công nghiệp.

Đối tượng tham gia: Người Việt Nam hoặc người nước ngoài đều có thể tham gia, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp.

Yêu cầu bài dự thi:

- Bài viết tối đa 1.500 chữ, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa.

- Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt.

- Tác giả ghi rõ địa chỉ, số điện thoại, email, số tài khoản (nếu có) để ban tổ chức liên lạc.

- Bài dự thi chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào và chưa từng đăng tải trên tất cả các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Bài dự thi được chọn đăng trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ sẽ được ban tổ chức trả nhuận bút.

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải nhất: 20 triệu đồng.

- 1 giải nhì: 10 triệu đồng.

- 1 giải ba: 5 triệu đồng.

- 2 giải phụ đặc biệt: 10 triệu đồng mỗi giải (dành cho doanh nghiệp ngành công nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả trong sản xuất).

Lễ trao giải: dự kiến tháng 12-2022.

Quy định chung:

- Tác giả chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin trong bài viết và bản quyền

bài viết.

- Cán bộ, phóng viên, công nhân viên báo Tuổi Trẻ và nhân viên đơn vị đồng hành chương trình cùng những người trong gia đình được tham gia viết bài nhưng không được xét chấm giải.

- Ban tổ chức được quyền sử dụng bài dự thi đoạt giải cho mục đích tuyên truyền, quảng bá trong và sau cuộc thi.

- Ban tổ chức giữ quyền xem xét và quyết định các giải thưởng.

- Các bài được đăng coi như vào vòng sơ khảo, ban giám khảo gồm các chuyên gia có uy tín sẽ xét duyệt chấm giải từ những bài vào sơ khảo.

Địa chỉ nhận bài: Bạn đọc gửi bài dự thi về địa chỉ email: chuyennghecongnghiep@tuoitre.com.vn hoặc gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ghi rõ tiêu đề tham gia cuộc thi viết "Chuyện nghề thời 4.0".

Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 27-10 đến hết ngày 10-12-2022.

BAN TỔ CHỨC

Cuộc thi viết Chuyện nghề thời 4.0: Quyết từ nhà buôn thành nhà sản xuất - Ảnh 4.
Lan tỏa Chuyện nghề thời 4.0 Lan tỏa Chuyện nghề thời 4.0

TTO - Nằm trong tuyến diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ" năm 2022, báo Tuổi Trẻ và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khởi động cuộc thi "Chuyện nghề thời 4.0", với sự đồng hành của Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Hàn (VITASK).

ÔNG ĐẶNG NGỌC QUÝ (giám đốc điều hành Công ty TNHH kỹ thuật công nghệ Nam Sơn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên