23/04/2025 11:59 GMT+7

Trường trung cấp 'cạn nguồn' tuyển học sinh sau THPT

Nhiều trường trung cấp tại TP.HCM đang khó tuyển học sinh sau tốt nghiệp THPT mà gần như chỉ có thể tuyển học sinh hệ 9+, sau tốt nghiệp THCS.

trung cấp - Ảnh 1.

Một tiết thực hành bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí của học sinh Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đây là thực tế được nhiều trường trung cấp đưa ra trong các hội nghị tổng kết năm học 2024-2025 của các khối thi đua giáo dục nghề nghiệp TP.HCM thời gian qua.

Không thể cạnh tranh

ThS Hoàng Quốc Long - hiệu trưởng Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành - nói trong bối cảnh hệ thống giáo dục ngày càng mở rộng, các trường trung cấp đang chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt từ các hệ đào tạo cao hơn như cao đẳng và đại học.

Ông cho rằng hiện không còn là lựa chọn "rớt đại học, cao đẳng thì học trung cấp" như trước, các trường nghề giờ đây gần như không còn cơ hội tuyển sinh sau THPT. Tỉ lệ học sinh đăng ký học trung cấp sau khi tốt nghiệp phổ thông là rất thấp, gần như không đáng kể.

Theo ông, nguyên nhân chính là do đầu vào đại học ngày càng dễ hơn, đa dạng phương thức tuyển sinh khiến gần như học sinh tốt nghiệp THPT đều "lọt" vào đại học hoặc cao đẳng. Nguồn tuyển của trung cấp dần cạn.

Vì vậy theo ThS Hoàng Quốc Long, hiện đối tượng chủ yếu mà các trường trung cấp tiếp cận được là học sinh hệ 9+, tức sau khi hoàn thành THCS. Nhưng ngay cả phân khúc này cũng gặp khó khăn, do nhiều trường cao đẳng hiện nay cũng đã tham gia tuyển sinh và đào tạo hệ 9+.

Theo bà Đoàn Thảo Nguyên - phó hiệu trưởng Trường trung cấp Âu Việt - hoạt động tuyển sinh của các trường trung cấp hiện cũng gặp không ít thách thức. Nhiều trường phổ thông rất ngại khi cho trường trung cấp vào trường tư vấn. Tâm lý này khá ngược khi đón tiếp các trường đại học.

Tuy nhiên hiện tại có một thuận lợi khi Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã trở thành đầu mối quản lý các cơ sở giáo dục từ phổ thông đến trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn. Bà cho rằng sở có thể tận dụng lợi thế này để triển khai việc chia sẻ thông tin hướng nghiệp từ sớm, đồng thời phân vùng một số hoạt động tư vấn tuyển sinh theo địa bàn, giúp tăng cơ hội tiếp cận học sinh đồng đều hơn giữa các trường.

ThS Trần Phương - hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao - chia sẻ nhiều trường không đủ nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất hoặc nâng chất lượng đào tạo, dẫn đến học sinh dễ bỏ học giữa chừng. Việc thiếu giảng viên chất lượng cao cũng là rào cản lớn ảnh hưởng đến uy tín và hiệu quả đào tạo.

Ông Cao Minh Quý - trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp và đại học (Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM) - ghi nhận các khó khăn này và cho biết trong thời gian tới sở sẽ có những hướng hỗ trợ các trường trong công tác tuyển sinh, truyền thông. 

Đặc biệt, công tác phân luồng là một nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại TP.HCM hiện nay.

Trường trung cấp cũng phải tự làm mới

ThS Hoàng Quốc Long nhấn mạnh đã đến lúc cần nhìn nhận lại vai trò của trường trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. "Trung cấp không nên là phương án cuối cùng, mà phải là lựa chọn có định hướng từ đầu", ông nói.

Theo ông, trung cấp có thể trở thành nơi đào tạo kỹ năng thực hành vững vàng cho học sinh sau lớp 9, đặc biệt ở các ngành thiếu nhân lực như kỹ thuật, dịch vụ, sản xuất. Với ưu điểm đào tạo nhanh, gắn với tay nghề, trường trung cấp có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường lao động. Nếu làm tốt, đây sẽ là nguồn cung lao động có kỹ năng, giảm tải chi phí đào tạo lại cho doanh nghiệp.

Tương tự, bà Đoàn Thảo Nguyên khẳng định các trường trung cấp phải thay đổi hình ảnh, không còn là nơi "dành cho học sinh yếu", mà là nơi học thực hành, ra nghề nhanh, có việc làm rõ ràng. Một số trường đã đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, môi trường học tập thân thiện, mô phỏng môi trường doanh nghiệp, để học sinh có thể "làm thật" ngay trong quá trình học.

Chẳng hạn tại một số trường, mô hình "doanh nghiệp trong trường" hoặc hợp tác đào tạo với doanh nghiệp đã được triển khai. Học sinh có thể thực tập, làm việc và được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.

"Khi học sinh, phụ huynh thấy rõ lộ trình nghề nghiệp cụ thể, việc tuyển sinh không còn là bài toán khó. Tuy nhiên công việc này sẽ tốn rất nhiều thời gian", bà Nguyên nhấn mạnh.

Trường trung cấp nói 'cạn nguồn' tuyển học sinh sau THPT - Ảnh 3.TP.HCM trình Thủ tướng hợp nhất 2 ban quản lý, một số trung tâm và trường trung cấp

TP.HCM trình thành lập Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM trên cơ sở hợp nhất với Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao, và tiếp nhận một số đơn vị.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên