09/11/2022 10:28 GMT+7

Chuyện nghề thời 4.0: Sáng chế máy móc để giảm chi phí

NGUYỄN HỒNG HUY (nhà sáng lập thương hiệu Chocolate Hallelu)
NGUYỄN HỒNG HUY (nhà sáng lập thương hiệu Chocolate Hallelu)

TTO - Nếu chủ động được công nghệ, máy móc chế biến thì chi phí sản xuất của sản phẩm chocolate có thể giảm đi rất nhiều, khi đó nhà sản xuất có thể mua giá hạt ca cao từ người nông dân cao hơn mà vẫn đảm bảo sức cạnh tranh.

Chuyện nghề thời 4.0: Sáng chế máy móc để giảm chi phí - Ảnh 1.

Nguyễn Hồng Huy bên hai chiếc máy do mình sáng chế - Ảnh: H.H.

Với suy nghĩ đó, tôi bắt đầu mày mò tìm cách thiết kế chiếc máy sản xuất chocolate.

Đánh tan những hoài nghi

Vốn liếng là tấm bằng kỹ sư ô tô của ĐH Giao thông vận tải, cùng kinh nghiệm từng làm qua hãng xe của Nhật, chứng chỉ đăng kiểm... Tôi bắt đầu bắt tay sáng chế chiếc máy Conching (máy nghiền ca cao). Máy có hoạt động giúp nghiền các hạt ca cao một cách mịn nhất và có thể chạy liên tục trong 60 giờ. Đây cũng là bước đầu tiên trong dây chuyền sản xuất chocolate gồm 10 công đoạn.

Mất sáu tháng trời để có một chiếc máy nghiền hạt cho ra kết quả đầu thật mịn, và khoảng một năm sau để chiếc máy có thể ổn định công suất nghiền 80kg hạt/lần.

Chiếc máy nghiền ra đời vào năm 2016, một năm sau công ty sản xuất chocolate mới ra đời.

Khi bắt tay vào làm, ngay cả người thân bạn bè đều hoài nghi. Anh trai tôi có xưởng cơ khí ở quê nhưng tôi không dám đưa về nhà làm. Mãi sau này, khi chiếc máy đầu tiên ra đời, hoạt động được thì sự hoài nghi mới tan dần.

Nhiều người cũng thắc mắc tại sao chọn "khởi nghiệp" sản xuất sô cô la (chocolate) "made in Vietnam" lại bắt đầu từ công đoạn sáng chế máy móc, thiết bị mà không dành dụm rồi mua hẳn một dây chuyền sản xuất cho khỏe.

Nhưng nếu không thử thì sẽ không biết đâu là giới hạn của bản thân. Nếu mua hẳn máy xịn nhập về thì cần vốn lớn, còn nếu nhập khẩu máy nghiền từ Trung Quốc lại băn khoăn. Vì lõi nghiền máy Trung Quốc thường làm bằng inox trong khi phải dùng lõi nghiền bằng đá mới đảm bảo chất lượng.

Một chiếc máy khác cũng khiến tôi tự hào là máy gia nhiệt. Trong thời gian tìm hiểu về công nghệ nhiệt lạnh, tôi nhẵn mặt với khu chợ Tân Uyên, Nhật Tảo... đi săn lùng các thiết bị cũ về để làm thử nghiệm. Sau gần 5 năm, dây chuyền sản xuất với 10 bước mới bắt đầu hoàn thiện. 

Điều thú vị là khi bắt tay vào làm, tôi phát hiện có rất nhiều nguyên lý vận hành dây chuyền sản xuất máy chocolate rất liên quan đến các động cơ xe hơi. Hiện nay máy tempering (máy gia nhiệt) đã không chỉ phục vụ cho sản xuất của công ty mà còn có thể bán ra thị trường cho các hợp tác xã, là những người bán hạt ca cao cho nhà máy.

Đi theo con đường sản xuất, sáng chế có vẻ là một quyết định ngược dòng với các bạn 9X cùng trang lứa. Có những người bạn giàu nhanh nhờ bán xe hơi, bất động sản, bitcoin... khiến tôi lăn tăn con đường mình đi đã đúng hay chưa. Nhưng khi nhìn những chiếc máy cho ra những mẻ chocolate ngon, thơm lừng thì những lăn tăn đã tan biến.

NGUYỄN HỒNG HUY

Lợi thế cạnh tranh nhờ tự chủ công nghệ

Làm chủ được máy móc, chi phí "khởi nghiệp" bỗng dưng tiết kiệm được hơn một nửa, tôi mạnh dạn đẩy giá thu mua ca cao cho bà con nông dân cao hơn mà không lo bị lỗ. Cũng nhờ sản xuất ra được dây chuyền sản xuất, việc tăng công suất khi nhu cầu mở rộng sản lượng cũng chủ động hơn, chỉ cần hai tháng có thể lắp đặt một dây chuyền mới trong khi nếu nhập khẩu máy móc phải chờ ít nhất sáu tháng.

Đi sâu vào ngành chế biến sâu, tôi mới ngộ ra tự chủ nguồn nguyên liệu là chưa đủ mà còn phải tự chủ được công nghệ, quy trình sản xuất thì mới có lợi thế cạnh tranh bền vững, lâu dài.

Sẽ vẫn còn những hoài nghi những khi nhìn vào giá trị đóng góp cho cộng đồng với dự án mà công ty tôi đang theo đuổi. Nhưng một khi tâm mình vững thì cứ bước tiếp. Hiện dây chuyền sản xuất đã hoàn chỉnh và tự tin giao những đơn hàng cho các nhà sản xuất khác. Công ty cũng có cam kết về độ bền và thời hạn của máy từ 10-20 năm.

Trong những năm theo đuổi với máy móc, tôi nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho người trẻ. Vì thế, để có thêm nhiều người trẻ mạnh dạn theo đuổi con đường kỹ sư này, vẫn cần thêm các chương trình hỗ trợ, để sinh viên ra trường không chỉ là những công nhân lành nghề mà còn có thể tự tin sáng chế, làm chủ công nghệ của mình.

Giá trị lớn hơn của việc "làm thợ"

Từ năm 2017 đến đầu 2022, quy trình sản xuất 10 công đoạn của sản phẩm chocolate của tôi mới tạm gọi hoàn thiện. Hiện trung bình với các dây chuyền đang có, công ty cho ra thị trường khoảng 3 tấn thành phẩm chocolate các loại, trong đó sản phẩm chế biến sâu hơn được thị trường khá đón nhận trong hai năm dịch bệnh là son được làm từ chiết xuất bơ của hạt ca cao.

Giá trị lớn hơn của việc "làm thợ", theo tôi là đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. Những chiếc máy này đang giúp bà con nông dân gia tăng giá trị hạt ca cao lên 20 lần, có thêm đầu ra cho sản phẩm. Người nông dân không phải chặt bỏ các gốc ca cao khi không có người mua hay bán với giá quá rẻ.

Chuyện nghề thời 4.0: Sáng chế máy móc để giảm chi phí - Ảnh 4.
Lan tỏa Chuyện nghề thời 4.0 Lan tỏa Chuyện nghề thời 4.0

TTO - Nằm trong tuyến diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ" năm 2022, báo Tuổi Trẻ và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khởi động cuộc thi "Chuyện nghề thời 4.0", với sự đồng hành của Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Hàn (VITASK).

NGUYỄN HỒNG HUY (nhà sáng lập thương hiệu Chocolate Hallelu)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên