Học sinh Trường quốc tế Bắc Mỹ trao đổi với giáo viên nước ngoài - Ảnh: M.G.
Điều đó cho thấy cơn khát nhân lực "tầm quốc tế" trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Chủ trương này cũng đã được lãnh đạo TP.HCM công bố tại hội thảo "Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TP.HCM giai đoạn 2020-2030" diễn ra mới đây. Vấn đề là ở lĩnh vực nào và bằng cách nào?
Để đạt được "trình độ quốc tế", Nhà nước đã có hai nỗ lực đáng ghi nhận, dù chưa thật thành công.
Thứ nhất là thành lập hai đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM. 25 năm đã trôi qua, chất lượng đào tạo của hai đơn vị có nhỉnh lên, nhưng chưa vượt trội và còn lâu mới đạt tới đẳng cấp quốc tế.
Thứ hai là mời các trường đại học nước ngoài đến để hình thành các đại học mũi nhọn làm đầu tàu mạnh nhằm kéo các trường đại học địa phương đi theo, hòng làm thay đổi bức tranh giáo dục Việt Nam, như các trường Việt - Đức, Việt - Pháp, Việt - Nhật...
Muốn tiếp cận đến trình độ quốc tế, điều quan trọng nhất là tạo ra một mặt bằng học thuật đủ lớn theo kiểu "nước lên, thuyền lên" để các nhân lực được đào tạo ra nói chung lớn dần lên thành "quốc tế" và trong số đó xuất hiện những người giỏi nổi trội, đồng thời môi trường đó đủ sức tiếp nhận các "nhân lực quốc tế" từ các nước khác đến làm việc.
Trong hệ thống phân tầng, các trường đại học top đầu phải được định hướng phát triển đúng, đầu tư lớn, có cơ chế đột phá. Khi nào 70-80% sinh viên và giảng viên Việt Nam sử dụng thành thạo tiếng Anh thì khi đó ước mơ nhân lực quốc tế có cơ may được hiện thực hóa.
Thứ nữa, cần tìm ra một cơ chế khác để liên minh những tinh hoa của đất nước lại. Đất nước không thiếu người tài giỏi, nhưng dường như họ chưa "bung xõa" thật hết mình, nếu họ liên kết lại được với nhau thì sẽ tìm ra phương án hình thành nên thị trường nhân lực quốc tế.
Thay đổi trạng thái của một quốc gia chỉ có thể bắt đầu từ chính nội lực của mình, chưa có nước nào thành công mà nhờ ngoại viện cả, cho dù lực lượng đó rất quan trọng.
Việc tìm ra lĩnh vực đột phá để tiếp cận đến trình độ quốc tế cũng là điều cần bàn thảo. Sáu nhóm ngành mà TP.HCM hướng đến gồm: công nghệ thông tin - truyền thông - trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và người máy, y tế, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng và du lịch là rất cần thiết, nhưng giá như thêm một ngành nữa là đào tạo các "thủ lĩnh" để quản trị những nhà kỹ trị của các nhóm ngành kia.
Một khi có đội ngũ những người lao động có trình độ quốc tế mà không có những người lãnh đạo họ ở tầm quốc tế thì trước sau họ cũng bỏ xứ đi làm thuê cho nước ngoài. Tại sao các nước phát triển hút được người tài?
Vì các chuyên gia tầm cỡ quốc tế biết chắc ở đó có những nhà "quản trị" có tài và biết sử dụng họ một cách xứng đáng. Việt Nam rất cần những trường đào tạo ra những nhà lãnh đạo chuyên nghiệp có trình độ cao như Trường Hành chính công Lý Quang Diệu, Trường Hành chính công Kennedy (Mỹ), Trường Hành chính công quốc gia Pháp.
Cuối cùng, có một lĩnh vực mà chúng ta có thể thành công sớm, đó là đào tạo các công nhân lành nghề, kỹ thuật viên đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các nước ở các lĩnh vực như điện, điện lạnh, xây dựng, cơ khí...
Công nhân Việt Nam có tay nghề rất giỏi, trình độ ngang bằng, thậm chí cao hơn trong khu vực, bằng chứng là có khá nhiều công nhân xây dựng lành nghề được trọng dụng ở Dubai, Malaysia... Nhân lực có trình độ quốc tế ở các lĩnh vực kỹ thuật không đáng được đầu tư để trở thành ngang tầm quốc tế hay sao?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận