Mấy ngày nay, dư luận xôn xao với câu hỏi "Như thế nào là trường quốc tế?". Hỏi nhưng không ai trả lời được vì ngay cả nghị định số 86 của Chính phủ (về quy định, hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục) cũng không định nghĩa như thế nào là trường quốc tế!
Câu hỏi đặt ra là tại sao người ta lại thích cái mác quốc tế đến vậy?
Trước hết, điều đó bắt nguồn từ tâm lý sính ngoại của một bộ phận phụ huynh, mà tâm lý này có nguyên nhân sâu xa từ việc phụ huynh đã mất niềm tin đối với giáo dục trong nước. Họ muốn con mình được học trường quốc tế như một lối thoát sáng suốt. Từ đó, nhiều trường thi nhau lấy tên quốc tế để thu hút phụ huynh, đồng thời cũng tự "nâng" mình lên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nâng học phí lên cao.
Theo cách hiểu của tôi, trường quốc tế trước hết phải dạy chương trình của nước ngoài, bằng cấp của họ được nhiều quốc gia công nhận và sử dụng nó để tuyển sinh, tuyển lao động… Thế nhưng trên thực tế có những trường giảng dạy hoàn toàn chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, bằng cấp do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cấp, chỉ tăng cường thêm tiếng Anh, kỹ năng sống… nhưng vẫn đề tên trường là quốc tế!
Sự nhập nhằng này có lỗi trước hết ở các cơ quan quản lý nhà nước. Khi cấp phép "anh" đã quá dễ dãi cho người ta lấy tên là trường quốc tế. Hoặc không cấp phép là trường quốc tế, nhưng nhà trường tự ý thêm hai từ "quốc tế" vào biển hiệu thì "anh" phải "thổi còi", chứ sao lại làm ngơ?
Hoặc nếu sòng phẳng hơn, các cơ quan quản lý nhà nước cần minh định rõ và công khai tất cả thông tin của các trường có yếu tố nước ngoài: giảng dạy chương trình nào, chất lượng giáo dục có được kiểm định hằng năm hay không, tổ chức nào kiểm định… để phụ huynh biết rõ thông tin và quyết định có cho con em mình học hay không.
Từ đó, những phụ huynh có điều kiện về tài chính cũng phải tập làm quen với khái niệm: trường quốc tế thực sự và trường tư thục có nhiều dịch vụ chất lượng cao.
Thực tế hiện nay, thông tin về các trường quốc tế trên địa bàn TP.HCM hầu như do các trường tự công bố. Phụ huynh phải tự "bơi" trong mớ thông tin hỗn độn, không biết cái nào là chính xác và cái nào do nhà trường tự "nâng" mình lên. Từ đó, nó tạo nên một sự nhập nhằng đánh lận con đen và người hiểu lầm, chọn lầm không ai khác chính là phụ huynh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận