23/08/2016 10:32 GMT+7

Từ dinh Norodom đến hội trường Thống Nhất

KTS 
NGUYỄN HỮU THÁI
KTS 
NGUYỄN HỮU THÁI

TTO - Công trình hoành tráng khởi đầu thời kỳ đế quốc Pháp ở Sài Gòn là dinh Toàn quyền (thường gọi là dinh Norodom do nằm trên đại lộ này) được xây xong năm 1875...

Dinh Toàn quyền còn gọi là dinh Norodom - Ảnh: KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN cung cấp

Công trình hoành tráng khởi đầu thời kỳ đế quốc Pháp ở Sài Gòn là dinh Toàn quyền (thường gọi là dinh Norodom do nằm trên đại lộ này) được xây xong năm 1875, theo phong cách tân - Baroque tiêu biểu thời đế chế Napoléon đệ tam, nay không còn tồn tại để mà khảo sát. Khi mới xây, đây được coi là công thự quy mô lớn và đẹp nhất Á Đông.

Dinh Độc Lập bị ném bom

Vào năm 1954, sau thất bại Điện Biên Phủ, người Pháp trao trả dinh Norodom của Toàn quyền Đông Dương ở phía Nam lại cho chính quyền Việt Nam cộng hòa và tòa dinh thự có tên mới là dinh Độc Lập.

Năm 1962, phe đảo chính chính quyền Ngô Đình Diệm đã dùng máy bay ném bom khiến cánh trái dinh bị hư hại nặng, không thể phục hồi. Một công trình mới được xây dựng trên nền dinh cũ theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Công cuộc tái thiết dinh mới đến tháng 10-1966 thì hoàn tất.

Ngày 30-4-1975, dinh Độc Lập là nơi hội quân giải phóng miền Nam và cũng là nơi diễn ra sự chấp nhận đầu hàng của chính quyền tướng Dương Văn Minh, kết thúc 30 năm chiến tranh, thống nhất đất nước. Dinh nay có tên là hội trường Thống Nhất.

Dinh Độc Lập là một công trình kiến trúc hiện đại dù mới xây dựng được nửa thế kỷ nhưng đã trở thành một di tích lịch sử - văn hóa hàng đầu của cả nước, một địa chỉ văn hóa du lịch thu hút gần một nửa số lượng du khách đến tham quan TP.HCM.

Ngày 2-7-1976, cũng chính tại dinh Độc Lập đã diễn ra cuộc họp lịch sử thống nhất Bắc - Nam một nhà và Sài Gòn từ đó được chính thức đặt tên là TP.HCM.

Cuộc thi thiết kế nhanh trong một ngày

Sau vụ ném bom ngày 27-2-1962, chính quyền Ngô Đình Diệm thật ra chỉ muốn sửa chữa rồi sử dụng lại. Tuy vậy, sau vài tháng thi công người ta mới khám phá kết cấu công trình đã hỏng nặng nên vấn đề xây dựng mới phải được đặt ra.

Không như mọi người lầm tưởng cho đến ngày nay, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ không phải là người duy nhất được giao thiết kế dinh Độc Lập. Nhắm chọn được một phương án tốt nhất xây dựng lại dinh, chính quyền Sài Gòn đã mời nhiều kiến trúc sư tên tuổi thời ấy đề xuất ý kiến.

Họ được mời lên Đà Lạt một ngày để tham gia cuộc thi thiết kế nhanh đề xuất ý tưởng xây mới lại dinh. Vào lúc đó, đã xuất hiện ba trường phái khác nhau trong các phương án này:

1- Nhóm chủ trương phong cách truyền thống gồm các kiến trúc sư Trường Mỹ thuật Đông Dương Hà Nội: Nguyễn Mạnh Bảo (nổi tiếng về dịch học và phong thủy), Hoàng Hùng (nguyên bộ trưởng kiến thiết) và Nguyễn Bá Chí.

2- Kiến trúc sư Trần Văn Đường, nhóm Phạm Văn Thâng - Nguyễn Quang Nhạc - Nguyễn Văn Hoa (một văn phòng thiết kế kiến trúc hàng đầu Sài Gòn) trẻ trung hơn thì muốn giữ lại phong cách kiến trúc Pháp.

3- Với ý hướng dùng kiến trúc hiện đại thế giới thể hiện được một phong cách mới cho Việt Nam là các phương án của nhóm các kiến trúc sư Bùi Quang Hanh - Lê Văn Lắm (tốt nghiệp Pháp) và Ngô Viết Thụ (giải Khôi nguyên La Mã).

Cuối cùng phương án của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ nổi trội nhất và được chọn.

Phương án Ngô Viết Thụ

Sau này chính kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã tâm sự với tôi rằng bản thân ông đã thật sự bị động về nhiều mặt khi phải tiến hành thiết kế dinh:

- Phần kết cấu bêtông cánh phải dinh đã thi công xong, do tiết kiệm ngân sách nên phải để phần ấy vào bản thiết kế mới.

- Mặt bằng dinh cũng phải sử dụng lại nền đất cũ, có mặt tiền hướng đông bắc nhìn ra đường Lê Duẩn không có ánh sáng và không phù hợp chút nào với khoa phong thủy truyền thống.

Tuy vậy, ông chủ trương kiến trúc là phải biết khắc phục cho được các trở ngại nêu trên và cả nắng, gió, mưa của điều kiện thời tiết khí hậu nhiệt đới phía Nam. Mối quan tâm hàng đầu khác của ông vào lúc bấy giờ là làm sao sử dụng được tối đa trí tuệ và nhân lực người mình, tiết kiệm và ưu tiên sử dụng vật liệu trong nước.

Dinh Độc Lập khởi công xây dựng ngày 1-7-1962 đến ngày 31-10-1966 mới khánh thành. Thời gian thi công là bốn năm, bị gián đoạn sáu tháng do cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.

Công trình chiếm 4.500m2 đất, tổng diện tích sàn là 20.000m2, chiều cao 26m, tương đương một cao ốc tám tầng, nổi bật lên giữa một khu vườn rộng gần 13ha, nằm ở vị trí trung tâm dải cây xanh chạy từ sau nhà thờ Đức Bà đến đường Cách Mạng Tháng Tám.

Vào giữa thập kỷ 1960, dinh Độc Lập từng là một công trình quy mô lớn nhất ở miền Nam, hiện đại vào bậc nhất châu Á và kinh phí xây dựng khá cao (tương đương hơn 150.000 lượng vàng) cũng như mang tính công nghệ cao.

Trang thiết bị trong dinh khá hiện đại, đủ để phục vụ thường xuyên hàng trăm người làm việc cũng như tổ chức lễ lạt quy tụ cả nghìn người. Có thể nói dinh hoạt động như một khách sạn năm sao loại lớn. Tổng hành dinh điều khiển chiến tranh nằm ngầm dưới mặt đất là một khối hầm bêtông dày, bọc thép, chịu đựng được bom lớn và đạn pháo kích, hệ thống truyền tin mạnh, đáp ứng mục tiêu phòng thủ quân sự hiện đại nhất thời bấy giờ.

Nửa thế kỷ sau ngày xây dựng, dinh Độc Lập vẫn còn là một công trình kiến trúc hiện đại, vừa đáp ứng được các yêu cầu cuộc sống mới lẫn các tiêu chí kiến trúc xanh và bền vững thời đại mới.

Công trình văn hóa lịch sử

Trong cuốn sách Sài Gòn 1698-1998 kiến trúc và quy hoạch xuất bản nhân Sài Gòn 300 tuổi, các nhà kiến trúc Pháp nghiên cứu về các công trình kiến trúc Sài Gòn đã nhận xét về dinh Độc Lập như sau:

“... Trên nền cũ của dinh Norodom còn gọi là dinh Toàn quyền, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cùng đồng sự đã đưa một kiến trúc hiện đại kết hợp với bố cục truyền thống tạo nên một công trình hoành tráng, hài hòa với không gian cây xanh, làm điểm kết lý tưởng của trục đường Lê Duẩn.

Khởi công từ năm 1962, hoàn thành năm 1966, kiến trúc mang dấu ấn lịch sử này đã tạo được nét biểu trưng cho một phong cách mới ở Sài Gòn trên nền kiến trúc mới: hành lang, tường hoa, không gian thoáng đãng, đường nét thanh thoát...

Tiêu biểu cho nền kiến trúc đương đại Việt Nam, dinh Độc Lập (sau năm 1975 được đổi tên là hội trường Thống Nhất) đã trở thành công trình văn hóa lịch sử của TP.HCM”.

Kỳ tới: Những kiến trúc sư tài danh trước năm 1975 

KTS 
NGUYỄN HỮU THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên