01/06/2022 18:50 GMT+7

TS Trần Du Lịch: Cơ chế đặc thù cho TP.HCM nhưng quy trình thực hiện chưa đặc thù

THẢO LÊ
THẢO LÊ

TTO - TS Trần Du Lịch - phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khóa XIII - cho rằng TP.HCM thực hiện chính sách đặc thù nhưng quy trình thực hiện lại chưa đặc thù. Vấn đề ách tắc hiện nay chính là ở quy trình.

TS Trần Du Lịch: Cơ chế đặc thù cho TP.HCM nhưng quy trình thực hiện chưa đặc thù - Ảnh 1.

Tọa đàm TP.HCM sau 4 năm thực hiện cơ chế đặc thù - Ảnh: T.L

Chiều 1-6, ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM và TS Trần Du Lịch - phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khóa XIII - tham dự tọa đàm với chủ đề "TP.HCM sau 4 năm thực hiện cơ chế đặc thù" do VTV tổ chức.

Nghị quyết đặc thù nhưng quy trình thực hiện chưa đặc thù

Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, ông Võ Văn Hoan cho biết thời gian qua, nghị quyết 54 đã tạo động lực cho TP phát triển nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng mà TP đề ra.

Ông Hoan cho rằng có nguyên nhân là giai đoạn 2020 - 2021, TP.HCM tập trung phòng chống dịch nên việc triển khai bị gián đoạn. Tuy nhiên về chủ quan thì đây là những vấn đề hệ trọng, liên quan đến đại bộ phận người dân, TP cũng là lần đầu tiên triển khai nên thận trọng.

Mặt khác, phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng nghị quyết nêu rõ những cơ chế đặc thù mà TP được hưởng nhưng khi thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.

Ông dẫn chứng nghị quyết cho TP.HCM hưởng 100% tiền thu được từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Muốn hưởng phải tiến hành cổ phần hóa và phải có phương án sử dụng đất nhưng chưa có cơ quan trung ương nào hướng dẫn về việc này.

Hay nghị quyết quy định TP.HCM được hưởng 50% số thu tài sản sắp xếp được từ các bộ ngành trung ương thông qua đấu giá. Nhưng thực tế có những cơ quan đã sắp xếp nhưng chưa được phê duyệt, có cơ quan đã được phê duyệt nhưng chưa được đấu giá, đấu giá rồi lại chưa có kết quả.

"Bên cạnh đó, hiện chưa có quy định về việc sử dụng 50% nguồn thu này. Ngoài ra để quản lý nguồn vốn này phải xác định cơ quan quản lý, TP cũng có đề án thành lập ban quản lý nguồn vốn nhà nước của TP. Tuy nhiên khi trình các cơ quan thì có ý kiến khác nhau, đến giờ chưa thông qua được", ông Hoan nói.

Đồng quan điểm với ông Hoan, TS Trần Du Lịch cho rằng TP thực hiện chính sách đặc thù nhưng quy trình thực hiện lại chưa đặc thù. Ông dẫn chứng vừa rồi, TP.HCM được tự quyết dự án nhóm A. HĐND TP được quyết định thay Thủ tướng nhưng quy trình phải làm như cũ. Hiện nay vấn đề ách tắc lại chính là ở quy trình.

Cần phân cấp phân quyền rõ ràng hơn

Do đó, ông Trần Du Lịch cho biết nghị quyết thay thế cần làm rõ ràng hơn nữa trong cơ chế phân cấp phân quyền, ủy quyền cho TP.HCM.

Hiện nay Luật tổ chức chính quyền địa phương quy định rõ thế nào là phân cấp, phân quyền, ủy quyền nhưng luật chuyên ngành lại không có. Phải minh bạch như lĩnh vực xây dựng vấn đề gì xin bộ ngành, cái nào tự quyết. Việc nào địa phương làm thì cấp trên giám sát, chứ không phải ôm hồ sơ từng cái một lên bộ ngành.

"10, 15 năm trước tôi hay nói chúng ta quản lý nhà nước theo kiểu một cái lưới bắt mọi loại cá. Cá lớn thì dính, cá nhỏ thì lọt. Quản lý nhà nước không thể chỉ có một mô hình chung. Thời gian qua TP có mô hình chính quyền đô thị nhưng mới chỉ bắt đầu.

Để thực hiện được các cơ chế đặc thù này thì phải có nghị định hướng dẫn. Địa phương căn cứ vào đó mà làm, các bộ ngành không thể cho rằng trái quy định", ông Lịch nói.

Định hướng điều chỉnh 4 vấn đề trong nghị quyết thay thế nghị quyết 54

Về nghị quyết thay thế nghị quyết 54, ông Võ Văn Hoan cho rằng TP định hướng điều chỉnh 4 vấn đề trong nghị quyết thay thế.

Cụ thể, nghị quyết mới phải là nghị quyết để thực hiện chứ không thí điểm nữa. Nội dung đặc thù toàn diện trên nhiều lĩnh vực hơn như quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính ngân sách, đô thị môi trường, văn hóa xã hội, kinh tế, tổ chức bộ máy, phân cấp ủy quyền.

Trong đó, TP kiến nghị nghị quyết mới phải có chương quy định những cơ chế riêng cho TP Thủ Đức trực thuộc TP.HCM.

Bên cạnh đó, TP sẽ kiến nghị đưa một số nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số chức năng nhiệm vụ của bộ ngành giao về cho TP trực tiếp quản lý, điều hành.

Trong đó, ông Hoan nhấn mạnh nghị quyết mới phải có quy định có nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện.

Trong nghị quyết, phải quy định trách niệm của TP là chủ động xây dựng quy trình thủ tục để triển khai quy định. Tất nhiên TP cũng liên hệ với các văn bản hướng dẫn các bộ ngành. Nếu không có quy định để TP chủ động mà phải chờ hướng dẫn của các cơ quan thì sẽ rất khó khăn.

TP.HCM 2019: Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của QH TP.HCM 2019: Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện nghị quyết 54 của QH

TTO - Đó là chủ đề năm 2019 mà Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM thống nhất tại Hội nghị lần thứ 22 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa X. Hội nghị cũng thảo luận, góp ý thông qua 9 nội dung.

THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên