Các diễn giả phát biểu tại hội nghị sáng 10-10 - Ảnh: M.G.
Đây là ý kiến nhiều đaị biểu tại hội nghị giáo dục "Định hướng tương lai", do Forbes Việt Nam tổ chức sáng 10-10 tại TP.HCM.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng chất lượng giáo viên chưa cao, giáo viên phải làm quá nhiều việc giảng dạy, phương pháp và định hướng giáo dục chưa theo xu hướng chung, thiếu triết lý giáo dục khiến chất lượng giáo dục thấp.
TS Nguyễn Quốc Toàn - giám đốc điều hành Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ Equest - cho rằng nhiều phương pháp giảng dạy mới với sự hỗ trợ của công nghệ nhưng công nghệ không thể thay thế con người. Giáo viên phải được giải phóng khỏi những công việc ngoài chuyên môn như sổ sách, báo cáo mới có thể có thời gian đầu tư chuyên môn.
Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Chí Hiếu - giám đốc điều hành Tổ chức giáo dục IEG - cho rằng giáo viên phải làm quá nhiều việc hành chính khiến họ không còn thời gian đầu tư chuyên môn. Mỗi tuần giáo viên làm việc từ 18-35 giờ và họ cũng mất ngần ấy thời gian để làm công tác giáo vụ, học vụ, tương tác phụ huynh.
Chất lượng giáo viên chưa cao đã tác động đến việc giảng dạy trong khi giáo viên có vai trò rất quan trọng trong chất lượng đầu ra của học sinh. Cần phải thay đổi cơ chế làm việc của giáo viên, đào tạo và bồi dưỡng phải liên tục chứ không chỉ diễn ra một tuần trong hè như hiện nay.
Cũng theo ông Hiếu, đầu tư cơ sở vật chất tốt, mua giáo trình quốc tế, thuê giáo viên giỏi, đầu tư dịch vụ giáo dục tốt chưa phải đã làm giáo dục. Cần phải có triết lý giáo dục và triết lý đó phải được tổ chức triển khai hiệu quả trong thực tế.
"Giáo dục hiện nay tập trung nhiều vào kiến thức và kỹ năng mà bỏ qua kỹ năng kiểm soát bản thân. Ở Mỹ, sau thời gian bị lãng quên người ta đang quay lại giảng dạy về phẩm chất và tính cách cho học sinh. Một sản phẩm tiêu dùng hư có thể thu hồi được nhưng một sản phẩm giáo dục lỗi không thể thu hồi được" - ông Hiếu nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận