Đầu tuần này Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố dữ liệu mới cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát chính - tại nước này trong tháng 6-2023 không thay đổi (tức ở ngưỡng 0%) so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,2% so với tháng 5-2023.
Bên bờ vực giảm phát?
Sự sụt giảm này đã đẩy CPI của Trung Quốc xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2-2021 - chủ yếu do giá thịt heo và năng lượng giảm.
Trong khi đó, do giá nguyên liệu thô giảm mạnh, chỉ số giá sản xuất (PPI) - thước đo chính về giá xuất xưởng - đã giảm 5,4% trong tháng 6-2023 so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12-2015.
Dữ liệu mới ngay lập tức khiến giới chuyên gia đưa ra các cảnh báo, đặc biệt về giảm phát. Báo Financial Times cho rằng Trung Quốc "đang trên bờ vực giảm phát tiêu dùng".
"Dữ liệu này yếu hơn dự báo" - ông Larry Hu, trưởng bộ phận nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc của Tập đoàn dịch vụ tài chính Macquarie, nhận định.
Ông Hu cho rằng cuộc khủng hoảng bất động sản và niềm tin vào thị trường giảm là những nguyên nhân chính khiến CPI của Trung Quốc thấp như vậy.
Còn ông Greg Daco, nhà kinh tế trưởng tại hãng dịch vụ kiểm toán Ernst & Young, bình luận: "Ở những nơi khác trên thế giới, nguy cơ lạm phát đang dai dẳng.
Nhưng ở Trung Quốc, nguy cơ là giảm phát kéo dài. Nếu bạn nhìn vào nhu cầu, cả về hàng hóa công nghiệp và tiêu dùng, thì cả hai đều cho thấy khả năng xảy ra giảm phát kéo dài đang ngày càng tăng".
Tuy nhiên theo Thời báo Hoàn Cầu, mặc dù dữ liệu mới nhất làm dấy lên lo ngại về giảm phát - vốn có thể gây hại cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, nhưng các chuyên gia nước này cho biết "không có rủi ro giảm phát trong cả năm 2023" tại Trung Quốc do giá tiêu dùng dự kiến sẽ tăng trong quý 3-2023, đồng thời nhiều chính sách kích cầu sẽ được triển khai.
Nguy hiểm không kém
Tình hình ở Trung Quốc trái ngược với Mỹ và các nước châu Âu, những nơi lạm phát cao liên tục và phải áp dụng nhiều đợt tăng lãi suất để kiềm chế.
"Lạm phát gây đau đớn. Nó cướp đi sức chi tiêu của tất cả mọi người, từ người đưa thư cho đến những chủ ngân hàng đầu tư quyền lực nhất Phố Wall. Nhưng giảm phát có thể còn tồi tệ hơn. Mặc dù giá cả giảm nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng môi trường giảm phát là điều tồi tệ đối với tăng trưởng" - tạp chí Fortune bình luận.
Như cựu giám đốc điều hành của Ngân hàng Goldman Sachs - Lloyd Blankfein - giải thích, mặc dù lạm phát là điều khủng khiếp đối với bất cứ nền kinh tế nào, nhưng giảm phát là điều mà các ngân hàng trung ương thực sự không thể "chịu đựng được", vì giảm phát có thể đè bẹp nhu cầu khi người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn mua sắm, đầu tư. Và đó chính là vấn đề Trung Quốc đang đối mặt.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay sau khi đã bỏ các biện pháp chống dịch COVID-19.
Cách đây sáu tháng, các nhà kinh tế và ngân hàng đầu tư đã lo việc Trung Quốc mở cửa lại sau ba năm áp dụng chính sách "Zero COVID" sẽ dẫn đến sự gia tăng hoạt động kinh tế trong năm nay, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát toàn cầu.
Tuy nhiên giờ đây, dù người tiêu dùng đã trở lại mua sắm, chi tiêu giải trí, nhưng sự phục hồi kinh tế không diễn ra mạnh mẽ như dự đoán. Lĩnh vực bất động sản yếu kém, tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao... đã đè nặng lên tăng trưởng kinh tế và khiến giá tiêu dùng trong nước chững lại.
Trong bối cảnh có dấu hiệu tăng trưởng yếu, Chính phủ Trung Quốc và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã nỗ lực thúc đẩy chi tiêu và đầu tư hơn. Nếu các nước khác liên tục tăng lãi suất để chống lạm phát trong năm nay thì PBoC đã cắt giảm lãi suất hồi tháng 6.
Tháng trước, Chính phủ Trung Quốc cũng cam kết đưa ra "các biện pháp mạnh mẽ hơn" để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các nhà phân tích tại Công ty Nomura tin rằng dữ liệu lạm phát mới nhất làm tăng khả năng sẽ có thêm các gói kích thích tài chính và tiền tệ xuyên suốt năm nay.
Giới đầu tư trông đợi
Hiện tại mọi chú ý sẽ dồn vào cuộc họp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trong tháng này khi các nhà lãnh đạo đánh giá hoạt động kinh tế của đất nước trong nửa đầu năm 2023 và tiết lộ kế hoạch cho nửa cuối năm.
Theo Hãng tin Reuters, các nhà đầu tư sẽ theo sát thông tin từ cuộc họp để nhận biết sớm những định hướng chính sách.
Nhà kinh tế Larry Hu tại Tập đoàn Macquarie nhận định sự phục hồi kinh tế Trung Quốc trong quý 3-2023 sẽ phụ thuộc vào sức mạnh của các chính sách Bắc Kinh đưa ra, với sự hỗ trợ nhiều hơn dự kiến đến từ cuộc họp của Bộ Chính trị nói trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận