Giới quan sát chờ đợi một bước ngoặt cho chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tại G20 - Ảnh: AFP
Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang nuôi hi vọng cho một thỏa thuận kết thúc chiến tranh thương mại, khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau vào cuối tuần này tại hội nghị G20.
Thế nhưng, các vấn đề nội bộ ở cả hai quốc gia đang khiến thỏa thuận đáng mong ước trên gần như không thể đạt được, tờ South China Morning Post (SCMP) bình luận.
Mỹ tạm thời ung dung
Tại Mỹ, các quan chức vẫn chưa vội chốt thỏa thuận cùng Trung Quốc.
Tổng thống Trump đang khá tự tin nhờ tăng trưởng kinh tế vững vàng và Phố Wall đạt kỷ lục tích cực. Thêm vào đó, Cục Dự trữ liên bang (FED) đã tuyên bố sẵn sàng điều chỉnh lãi suất để ứng cứu nếu diễn biến xấu ập đến.
Chừng nào kinh tế Mỹ vẫn duy trì sức khỏe của mình, ông Trump vẫn có thể dẹp yên những luồng quan điểm chỉ trích từ phía phản đối trong nước, đồng thời bảo vệ cả chiến dịch tái tranh cử ổng thống năm sau.
Nếu tăng trưởng kinh tế bắt đầu chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, Tổng thống Mỹ vẫn luôn có thể nhượng bộ, chốt thỏa thuận cùng Bắc Kinh và tận hưởng được phản ứng tích cực từ thị trường chứng khoán khi các nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn.
Có vẻ như ở thế cuộc nào thì ông Trump cũng đắc lợi.
Tương tự, chính phủ Trung Quốc cũng không mấy vội vã để chốt thỏa thuận "đình chiến" này. Tuy nhiên, tình cảnh của Bắc Kinh không giống như Washington.
Kinh tế Trung Quốc quá lệ thuộc vào xuất khẩu
Cả ông Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đều phải đối mặt với chỉ trích trong nước về việc nhượng bộ đối phương quá nhiều.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong cuộc gặp tại Washington hồi tháng 4-2019 - Ảnh: AFP
Tuy nhiên, nếu Tổng thống Mỹ chỉ lãnh chịu những chỉ trích đó từ trước, ông Lưu hiện đang tiếp tục nhận lấy chúng. Điều này khiến Bắc Kinh khó lòng nhượng bộ yêu cầu của Mỹ.
Khi xuất khẩu sang nền kinh tế lớn nhất toàn cầu là Mỹ, doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải cạnh tranh với những đối thủ mạnh nhất thế giới. Sự cạnh tranh này buộc họ phải tăng cường đầu tư sáng tạo, cải tiến công nghệ để nâng hiệu quả sản xuất.
Hệ quả tất yếu sẽ là sự hình thành nhiều việc làm hơn và thu nhập tăng. Điều này cũng khiến Trung Quốc trở nên lệ thuộc vào xuất khẩu nhiều hơn nữa.
Lý do là vì khối doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, với đa số là các nhà xuất khẩu, mới chính là lực lượng đóng góp nguồn việc làm và năng suất chính của quốc gia này. Trong khi đó, khối doanh nghiệp nhà nước vốn được hỗ trợ nhưng đang gặp nhiều khó khăn.
Nói cách khác, báo SCMP nhận định nền kinh tế Trung Quốc vẫn bị chi phối quá nhiều bởi các doanh nghiệp xuất khẩu tư nhân, trong khi chính phủ muốn thúc đẩy thị trường nội địa trở thành nguồn lực thay thế.
Chiến tranh thương mại leo thang sẽ khiến khối tư nhân trì hoãn đầu tư vì lo ngại bất ổn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước lại không đủ sức gánh vác vì phát triển quá ì ạch.
Đây có thể không phải là vấn đề quá lớn đối với Trung Quốc trong năm 2019, nhưng về lâu dài chưa ai biết hậu quả sẽ tới mức nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận