Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Zhang Jun - Ảnh: REUTERS
Trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin Reuters ngày 9-6, Đại sứ Zhang Jun (Trương Quân) nhấn mạnh phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là mục tiêu của Bắc Kinh và nước này "không muốn một vụ thử hạt nhân nào khác".
Trong vài tuần qua, Mỹ đã liên tục cảnh báo Triều Tiên sắp thử vũ khí hạt nhân sau các vụ phóng tên lửa đạn đạo. Washington cùng đồng minh cũng tìm cách tăng áp lực lên Bình Nhưỡng bằng cách thúc đẩy các lệnh trừng phạt bổ sung tại Hội đồng Bảo an LHQ.
Một nỗ lực như vậy đã bị Nga và Trung Quốc bác bỏ cách đây 2 tuần, đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2006 Hội đồng Bảo an không đạt được nhất trí về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.
Hôm 8-6, trong một phiên họp của Đại hội đồng LHQ, đại diện của Mỹ đã đấu khẩu với đại diện Nga và Trung Quốc liên quan chuyện hai nước này phủ quyết đề xuất trừng phạt Bình Nhưỡng.
Theo Đại sứ Zhang, Bắc Kinh có lý do để phủ quyết đề xuất trên và tin rằng điều này là nhằm ngăn Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân chứ không phải dung túng Triều Tiên.
"Chỉ khi đối thoại, chúng ta mới thấy tình hình được cải thiện - ông Zhang nói - Lập trường cơ bản của chúng tôi rất rõ ràng, đó là các lệnh trừng phạt không giải quyết được vấn đề".
Trong vài năm trở lại đây, nhất là sau khi COVID-19 bùng phát, Trung Quốc đã yêu cầu LHQ nới lỏng các lệnh trừng phạt Triều Tiên vì lý do nhân đạo.
Ông Zhang đã hối thúc Washington giảm bớt các lệnh trừng phạt đơn phương đối với Triều Tiên và chấm dứt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc nhằm khôi phục các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng. Đáp lại, Mỹ cho biết họ đã nhiều lần liên hệ với Triều Tiên nhưng không nhận được phản hồi nào từ Bình Nhưỡng.
Việc khởi động lại các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ, theo ông Zhang, không phải là "nhiệm vụ bất khả thi".
"Mỹ là siêu cường số một trên thế giới nên nếu họ muốn tham gia đối thoại với bất kỳ nước nào, đó không phải là một điều khó khăn. Triều Tiên sẽ tự có quyết định cho mình và chúng tôi luôn sẵn lòng hỗ trợ cho một nỗ lực đối thoại", ông Zhang nhắc lại quan điểm của Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận