17/02/2024 22:38 GMT+7

Trung Quốc, Đức, Mỹ nói gì tại Hội nghị an ninh Munich

Tại Hội nghị an ninh Munich, ngoại trưởng Trung Quốc đe dọa việc chia tách Bắc Kinh khỏi thế giới sẽ là sai lầm lịch sử, trong khi thủ tướng Đức và phó tổng thống Mỹ nói về tương lai của NATO.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) bắt tay người đồng cấp Mỹ Antony Blinken bên thềm Hội nghị an ninh Munich ngày 17-2 - Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) bắt tay người đồng cấp Mỹ Antony Blinken bên thềm Hội nghị an ninh Munich ngày 17-2 - Ảnh: REUTERS

Ông Vương Nghị cảnh báo việc phương Tây cô lập Trung Quốc

Theo Hãng tin Reuters, hôm nay 17-2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố đanh thép tại Hội nghị an ninh Munich (Đức): "Bất kỳ ai nhân danh việc giảm rủi ro để tìm cách giảm sự hiện diện của Trung Quốc đều đang phạm sai lầm lịch sử".

Phát ngôn này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã và đang liên tục kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều vấn đề quan trọng của thế giới.

Cũng tại sự kiện này, ông Vương có cuộc hội đàm quan trọng với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken.

Trao đổi với ông Blinken, ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh: "Việc biến các động thái 'giảm rủi ro' thành 'giảm Trung Quốc', cũng như việc 'chia tách khỏi Trung Quốc' sẽ trở thành đòn 'gậy ông đập lưng ông' lên chính Mỹ".

Đức kêu gọi châu Âu ngừng phụ thuộc Mỹ

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich ngày 17-2 - Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich ngày 17-2 - Ảnh: REUTERS

Cũng trong ngày 17-2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định với Hội nghị an ninh Munich rằng các nước châu Âu cần tăng cường khả năng tự vệ bất kể kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 ra sao.

"Các nước châu Âu chúng ta phải quan tâm hơn nữa về an ninh của chính chúng ta, cả bây giờ và trong tương lai", ông Scholz khẳng định.

Tuyên bố này được đưa ra chỉ ít ngày sau khi rộ tin cựu tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định nếu ông thắng cử, Washington sẽ không bảo vệ các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không đóng góp đầy đủ cho liên minh này.

Trong nhiều năm qua, các nước thành viên NATO ở châu Âu ưu tiên phát triển kinh tế hơn quốc phòng. Một phần điều này được xem là xuất phát từ tâm lý ỷ lại vào cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ - thành viên lớn nhất liên minh.

Theo ông Scholz, Đức hiện đã tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP. Berlin sẽ tiếp tục cố gắng đáp ứng mốc đóng góp yêu cầu của NATO.

Mỹ cam kết với NATO, Ukraine

Phản hồi với những tuyên bố trên, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris nhấn mạnh Washington sẽ không bao giờ lơ là những trách nhiệm của mình với các đồng minh NATO.

"Sự tận tâm của chúng tôi trong việc xây dựng và duy trì các quan hệ đồng minh đã giúp Mỹ trở thành quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng nhất thế giới. Việc đe dọa những nỗ lực trên là thật ngu xuẩn", bà Harris tuyên bố.

Phó tổng thống Mỹ cũng cam kết với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Washington sẽ không ngừng hỗ trợ Kiev trong cuộc chiến với Nga.

Bà Harris khẳng định trong buổi họp báo chung với ông Zelensky: "Chúng tôi sẽ tiếp tục những nỗ lực tìm kiếm sự hòa bình công bằng và lâu dài. Chúng tôi sẽ tìm cách buộc Nga phải chi trả cho những tổn thất Ukraine hứng chịu.

Tổng thống (Joe) Biden và tôi cũng sẽ tiếp tục giành lấy những nguồn lực và vũ khí các bạn cần để thành công. Chúng tôi sẽ ở bên các bạn chừng nào cuộc chiến còn tiếp diễn".

Đức ký thỏa thuận an ninh 10 năm với UkraineĐức ký thỏa thuận an ninh 10 năm với Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến thủ đô Berlin (Đức) trong khuôn khổ chuyến công du Berlin - Paris, nhằm kêu gọi tăng viện trợ quân sự.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên