"Năm ngoái chúng tôi đã chứng kiến mức tăng (chi tiêu quốc phòng) chưa từng có là 11% đối với Canada và các thành viên châu Âu của khối" - Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói trước báo giới hôm 14-2, theo kênh truyền hình France 24.
Ông Stoltenberg nói rằng các nước trên đã chi thêm tổng cộng 600 tỉ USD cho ngân sách quân sự kể từ năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Vụ sáp nhập này đã khiến các thành viên NATO đảo ngược việc cắt giảm chi tiêu mà họ đã thực hiện sau Chiến tranh lạnh.
Năm 2014, các nhà lãnh đạo NATO cam kết hướng tới chi 2% GDP của mỗi nước cho quốc phòng trong vòng một thập niên. Điều này gần như diễn ra chậm chạp, nhưng cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022 đã khiến họ chú ý hơn. Mức chi 2% GDP hiện được coi là yêu cầu tối thiểu.
"Năm nay tôi kỳ vọng 18 đồng minh (trong số 31 thành viên NATO) sẽ chi 2% GDP cho quốc phòng. Đó là một con số kỷ lục khác và là mức tăng gấp sáu lần so với năm 2014, thời điểm chỉ có 3 đồng minh đáp ứng mục tiêu" - ông Stoltenberg nói.
Tuần trước cựu tổng thống Mỹ Donald Trump - ứng viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 - cho biết ông từng cảnh báo sẽ khuyến khích Nga "làm bất cứ điều gì họ muốn" đối với nước thành viên NATO nào không đáp ứng mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi bình luận của ông Trump là "nguy hiểm" và "chống Mỹ". Còn ông Stoltenberg cho rằng bình luận của ông Trump đã gây ra những nghi ngờ về cam kết an ninh tập thể của NATO.
Theo điều 5 trong Hiến chương NATO - một nguyên tắc về phòng thủ tập thể, một cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên nào của NATO sẽ bị coi là tấn công chống lại tất cả thành viên, và tất cả thành viên sẽ phản ứng lại.
"Bất kỳ ý kiến nào cho rằng chúng ta sẽ không đứng lên vì nhau và chúng ta sẽ không bảo vệ nhau... đều sẽ phá hoại an ninh của tất cả chúng ta" - ông Stoltenberg nói.
Phát biểu gây tranh cãi của ông Trump làm dấy lên mối lo trong NATO, khối này cho rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine cũng như khả năng ông Trump trở lại Nhà Trắng là "sự thức tỉnh" để châu Âu phải tăng cường an ninh, quốc phòng nằm tránh sự phụ thuộc quá lớn vào vai trò của Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận