Cơ hội xuất khẩu rau quả vào thị trường 1,4 tỉ dân ngày càng rộng mở khi cuối năm 2023 Việt Nam ký thêm nghị định thư xuất khẩu dưa hấu sang thị trường này.
Dự kiến trong năm 2024, Trung Quốc sẽ mở cửa thêm cho các loại trái cây chủ lực của Việt Nam như bơ, chanh leo, dừa... Từ những tín hiệu tích cực này cho thấy năm nay xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc sẽ tiếp tục "bùng nổ".
Nhiều tín hiệu tích cực
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Tấn Đạt, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết việc ký kết nghị định thư về xuất khẩu dưa hấu là bước quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp truyền thống của Việt Nam và chuẩn hóa các quy định về xuất khẩu nông sản giữa hai nước.
Tính đến nay, Việt Nam có 162 vùng trồng dưa hấu và hơn 1.000 cơ sở đóng gói tại 38 tỉnh được cấp mã số để xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết trung bình mỗi năm kim ngạch xuất khẩu dưa hấu Việt Nam vào Trung Quốc khoảng 50 triệu USD.
"Việc ký nghị định thư xuất khẩu dưa hấu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng này được kỳ vọng sẽ thu về thêm 20 - 30 triệu USD mỗi năm. Điều quan trọng nhất là việc kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu sẽ nhanh hơn nhiều.
Hải quan Trung Quốc sẽ giảm tần suất lấy mẫu kiểm tra chỉ còn 2-3% nên sẽ không còn lo bị ùn ứ khi bước vào cao điểm như lễ Tết mọi năm", ông Nguyên nói.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết trong chuyến làm việc của bộ tại Trung Quốc giữa tháng 1-2024, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đồng ý sẽ mở thêm các loại trái cây chủ lực của Việt Nam, đặc biệt sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục để mở cửa cho trái bơ và chanh leo của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
"Đây là tin mừng cho những người nông dân trồng trái bơ và trái chanh leo ở Tây Nguyên và ĐBSCL", ông Nam nhận định.
Ông Nam cũng cho biết trong chuyến làm việc tại Trung Quốc vừa qua, đoàn công tác của bộ đã khảo sát làm việc với chợ đầu mối Quảng Đông và chợ trung tâm nông sản Thâm Quyến. "Phía bạn đồng ý đưa sản phẩm nông sản, trái cây Việt Nam vào hai chợ đầu mối này.
Đặc biệt là chợ trung tâm nông sản ở Thâm Quyến, giám đốc chợ nhất trí dành riêng một gian hàng lớn để các sản phẩm OCOP Việt Nam được trưng bày bán tại đây.
Đây là chợ chiếm 10% lưu lượng hàng hóa vào thị trường Trung Quốc và phục vụ 40 triệu dân ở Thâm Quyến và Hong Kong.
Phía bạn rất muốn tăng cường hợp tác, kể cả gạo, trái cây và các sản phẩm OCOP vào trung tâm này" - ông Nam nói và cho biết sau Tết âm lịch, đoàn công tác của chợ trung tâm nông sản Thâm Quyến sẽ sang Việt Nam để phối hợp cùng các doanh nghiệp bàn kỹ cách hợp tác theo chuỗi logistics nhằm đưa rau quả, nông sản Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường 1,4 tỉ dân này.
Sầu riêng vẫn là "át chủ bài"
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết trong tháng 1-2024, xuất khẩu rau quả ước tính đạt gần nửa tỉ USD (khoảng 480 triệu USD), tăng gấp đôi so với tháng 1 năm trước. Với những tín hiệu lạc quan về thị trường ngay trong tháng đầu năm, ông Nguyên tin rằng xuất khẩu rau quả của cả năm nay sẽ đạt kim ngạch từ 6 - 6,5 tỉ USD.
Theo ông Nguyên, năm 2024 và các năm tiếp theo, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục "bùng nổ" là hoàn toàn có cơ sở bởi ngoài nghị định thư về dưa hấu thì chúng ta đang đàm phán để chuẩn bị ký nghị định thư về chanh leo, bơ, sầu riêng đông lạnh, bưởi, dừa...
"Năm 2023, Trung Quốc chiếm 65% thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam, dự báo năm 2024 sẽ chiếm khoảng 70% thị phần. Giữa Việt Nam và Trung Quốc có khoảng cách địa lý gần, vùng trồng rau quả rất tiềm năng nên rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc rất thuận lợi, thị hiếu tiêu dùng tương đối giống nhau, tạo điều kiện để ngành rau quả phát triển mạnh hơn", ông Nguyên tin tưởng.
Ông Nguyên cũng khẳng định năm 2024 sầu riêng, dừa, chuối, xoài, thanh long vẫn là những mặt hàng chiến lược của Việt Nam, trong đó sầu riêng vẫn là mặt hàng "át chủ bài" bởi đến đầu tháng 1 năm nay có 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đặc biệt, nếu nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được ký kết sớm trong năm nay thì sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh sẽ đưa về khoảng 3,5 tỉ USD. Tương tự, trái dừa nếu ký được nghị định thư thì hứa hẹn sẽ mang về từ 500 - 600 triệu USD.
"Do xung đột ở Biển Đỏ, xuất khẩu bằng đường biển phải đi vòng, kéo dài thêm khoảng nửa tháng nên hàng hóa từ châu Âu, châu Mỹ về Trung Quốc có thể bị trễ và chi phí tăng cao. Do đó, Trung Quốc có thể thiếu rau quả trong dịp Tết Nguyên đán này. Đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng để gia tăng thêm lượng và giá trị xuất khẩu rau quả", ông Nguyên đánh giá.
Ông Lê Thanh Hòa, cục phó Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), khẳng định Trung Quốc vẫn là thị trường trọng tâm xuất khẩu rau hoa quả tươi của Việt Nam. "Tới đây, nếu Trung Quốc mở cửa trái dừa thì đây là cú hích lớn cho xuất khẩu rau quả, cũng có thể dừa trở thành cây tỉ USD trong thời gian tới sau thanh long, sầu riêng" - ông Hòa nói.
Đảm bảo chất lượng, mẫu mã mới bền vững
Ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh tiềm năng các sản phẩm trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc còn rất lớn.
"Qua buổi thăm và làm việc với chợ đầu mối ở Giang Nam (Quảng Đông, Trung Quốc), chúng tôi nhận thấy các sản phẩm trái cây Việt Nam có lợi thế vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là sầu riêng, phía bạn đánh giá rất cao.
Nhưng bạn cũng cảnh báo chúng ta rằng nếu chúng ta không chú trọng vào chất lượng, mẫu mã và xuất xứ hàng hóa sẽ đánh mất tiềm năng. Vì sắp tới có khả năng phía bạn sẽ cho phép một số nước khác xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc", ông Nam nói.
Theo ông Nam, phía Trung Quốc than phiền rằng một số sản phẩm trái cây không để rõ ngày sản xuất. Hay có một số lô hàng sầu riêng không đảm bảo chất lượng cho nên đã ảnh hưởng rất lớn các tiểu thương phía Trung Quốc.
Do đó, ông Nam đề nghị đến tất cả những hộ nông dân đang trồng sầu riêng nói riêng và rau quả nói chung cùng các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý đến đảm bảo chất lượng, mẫu mã, xuất xứ hàng hóa khi xuất sang thị trường Trung Quốc thì mới có chỗ đứng bền vững.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, vấn đề vi phạm kiểm dịch hay chất lượng trái cây xuất khẩu không đảm bảo thì các nước xuất khẩu đều có chứ không riêng Việt Nam. Tuy nhiên, để không chỉ vì sơ hở nhỏ mà làm ảnh hưởng tới cả ngành, nhất là sầu riêng thì cần có biện pháp mạnh tay hơn như Thái Lan nếu cắt bán sầu riêng non phạt tiền, nghiêm trọng hơn thì truy tố.
Bên cạnh đó, ông Nguyên cũng cho rằng thời gian qua mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn tâm lý "bẻ kèo", phá vỡ hợp đồng, nhất là trong xuất khẩu sầu riêng. "Một số nhà vườn vì lợi nhuận trước mắt mà sẵn sàng bỏ doanh nghiệp, điều này là không tốt vì doanh nghiệp sẽ mất uy tín với đối tác nhập khẩu.
Do đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong ngành hàng rau quả phải hướng đến liên kết phát triển bền vững hơn, một khi đã chọn liên kết thì nên trung thành với nhau, "cục muối chia đôi", không vì những lợi ích nhất thời mà phá vỡ hợp đồng liên kết. Điều này cũng có thể ảnh hưởng tới cả ngành hàng xuất khẩu", ông Nguyên khuyến cáo.
Ông Lê Thanh Hòa cũng cho rằng thời gian qua chất lượng rau quả của chúng ta đã tốt nhưng chưa đạt được mức độ ổn định. Do vậy, Bộ NN&PTNT cũng như Cục Trồng trọt cùng địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất để làm sao có được chất lượng nông sản ổn định nhất để phục vụ xuất khẩu.
Xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường tăng
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2023 mặc dù gặp nhiều khó khăn và thách thức, đối mặt với nhiều yêu cầu, tiêu chuẩn và sự thắt chặt chi tiêu bởi tác động của lạm phát, của các thị trường tiêu thụ chính nhưng ngành hàng rau quả vẫn bứt tốc và ghi nhận mức tăng trưởng cao.
Kết quả đạt được là nhờ sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành, cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và sự đồng hành của hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Đáng chú ý, trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng rau quả, Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với tỉ trọng chiếm 65% tổng trị giá xuất khẩu. Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao là nhờ một số nghị định thư ký với Trung Quốc trong năm 2022. Do đó, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc năm 2023 đạt 3,6 tỉ USD, tăng 139% so với năm 2022.
Ngoài ra còn có nhiều hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký với các nước, điều này đã hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu trong đó có hàng rau quả. Vì vậy, hoạt động xuất khẩu của ngành hàng rau quả sang các thị trường khác cũng tăng trưởng đáng kể như thị trường Hoa Kỳ đạt 258 triệu USD, tăng 4% so với năm 2022.
Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 226 triệu USD (tăng 24,9%), Nhật Bản đạt 176,2 triệu USD (tăng 6,7%)...
Dự báo tiếp tục khởi sắc
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024 dự báo tiếp tục khởi sắc. Dư địa tại các thị trường lớn còn nhiều, cùng với đó chất lượng rau quả Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn, bảo đảm các tiêu chí vào nhiều thị trường.
Sự hiện diện ở hầu hết thị trường lớn, khắt khe về chất lượng đã khẳng định vị thế trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới, mở ra nhiều cơ hội phía trước. Tuy nhiên, ngành hàng rau quả cũng cần duy trì, nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc mới có thể tận dụng được cơ hội thị trường.
Bến Tre, Đồng Tháp chuẩn bị cho trái dừa tươi, xoài
Ông Huỳnh Quang Đức, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết hiện nay các thủ tục để đưa trái dừa tươi vào thị trường Trung Quốc đã xong, chỉ chờ phía nước bạn đưa ra quyết định.
Ông Đức cho biết hiện tỉnh Bến Tre có hai loại trái cây chuẩn bị xuất khẩu theo đường chính ngạch vào Trung Quốc là dừa tươi và bưởi da xanh. "Khi các loại trái cây này được xuất khẩu theo đường chính ngạch sẽ tiếp cận được nhà phân phối lớn từ phía Trung Quốc, từ đó giá cả cũng ổn định hơn.
Đặc biệt khi trái dừa tươi được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc sẽ kéo theo nhiều ngành nghề khác phát triển. Đó là những ngành nghề chế biến phụ phẩm từ dừa, các sản phẩm từ vỏ dừa, gáo dừa, cơm dừa, nước dừa, gỗ dừa...", ông Đức nói.
Nhờ những tín hiệu khởi sắc trong thời gian qua, các nhà vườn tại Bến Tre cũng đầu tư trở lại với loại cây trồng này. Ông Đức cho biết thêm mới đây phía Trung Quốc đã đi khảo sát thực địa vùng trồng, cơ sở đóng gói và đã có đánh giá rất cao về trái dừa của tỉnh Bến Tre.
Nói về công tác chuẩn bị cho việc đưa trái dừa tươi vào thị trường Trung Quốc trong năm 2024, ông Đức cho hay hiện toàn tỉnh đã xây dựng thí điểm các vùng sản xuất dừa tập trung, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Trong đó có gần 18.000ha dừa hữu cơ trồng theo tiêu chuẩn xuất đi các thị trường khó tính như Mỹ, EU.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có gần 80.000ha dừa, đạt sản lượng hơn 688.000 tấn trái/năm. Trong những năm giá dừa không ổn định và có những thời điểm dừa rớt giá còn khoảng 30.000 đồng/chục (12 trái) khiến nhiều nhà vườn chán nản, bỏ phế vườn dừa.
"Tuy nhiên, vài tháng gần đây giá dừa nhích lên chút đỉnh nên chúng tôi cũng mạnh dạn đầu tư hơn cho vườn dừa của mình. Đặc biệt các ngành chức năng tỉnh đã nhiều lần đến vườn khảo sát và thông tin rằng năm nay dừa sẽ được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc nên chúng tôi càng vững tin hơn vì chắc chắn giá cả sẽ ổn định hơn" - ông Nguyễn Phước Hữu, ngụ huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nói.
Bà Đinh Kim Nhung, giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp, cho biết năm 2023 lượng xoài xuất khẩu giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2022. Do lượng xoài tại vườn thất mùa, giảm năng suất, giá bán ở thị trường Trung Quốc bấp bênh.
"Bộ NN&PTNT quan tâm, tạo điều kiện kết nối giữa doanh nghiệp hai nước để bình ổn được giá cả, sao cho không lên quá cao hoặc quá thấp. Năm qua giá lên xuống thất thường, doanh nghiệp thua lỗ rất nhiều", bà Nhung nói.
Ông Lê Quốc Điền, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết toàn tỉnh có 295 vùng trồng xoài được cấp mã số vùng trồng, tương ứng 8.300ha tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh. Trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn đã được cấp 252 mã số vùng trồng (trên 7.000ha).
Doanh nghiệp đăng ký cấp mã số cơ sở đóng gói
Trong năm 2023, Văn phòng SPS Việt Nam và Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức hội nghị xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt thích ứng với bối cảnh tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt về phòng chống dịch COVID-19, thực thi lệnh 248 và 249 của Trung Quốc đạt được nhiều kết quả.
"Hiện đã có năm doanh nghiệp đăng ký cấp mã số cơ sở đóng gói xoài trên địa bàn tỉnh, một mã số đang hoạt động và bốn mã số đang chờ phê duyệt.
Để xuất khẩu thuận lợi, ngoài điều kiện có mã số vùng trồng và nhà đóng gói thì chúng ta còn phải tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; liên kết chặt chẽ trong chuỗi ngành hàng", ông Điền thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận