Bệnh viện hồi sức COVID-19 Thủ Đức thành lập trên cơ sở của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2. Bệnh viện này được xem là tuyến cuối trong phân tầng của ngành y tế, do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách - Ảnh do tác giả cung cấp
Giữa khuya của một ngày tháng 8-2021, đường phố im lìm vắng lạnh đến rợn người, chỉ có những chiếc xe cứu thương với những hồi còi lanh lảnh xé tan màn đêm lao vun vút trong đêm, tôi và ba may mắn tìm được một chiếc xe với 2 bình oxy nhỏ còn lại.
Suốt cả quãng đường dài trong cơn mưa, chỉ số SpO2 của ba tôi vẫn chỉ ở mức 85 - 90. Tôi khá hơn đôi chút, nhưng vẫn thở dốc nặng nhọc.
Nhập viện chỉ mấy tiếng đồng hồ, ba tôi không thể cầm cự nổi cho dù máy trợ thở, bình oxy chạy liên tục. Và khoảng 2h sáng, êkip bác sĩ đã buộc phải mở khí quản cho ông, bắt đầu chuỗi ngày chiến đấu trong hôn mê, trong hy vọng mong manh.
Suốt những ngày sau đó, tôi cũng như các bệnh nhân khác gắn chặt mình trên giường bệnh, toàn bộ sinh hoạt trên đó.
Ở Bệnh viện hồi sức COVID-19 này, nơi được xem là tầng cuối cùng tiếp nhận bệnh nhân đa phần ở tình trạng nặng, loại người "khỏe" hơn chút như tôi cũng thở bằng ống, cấm bước xuống giường vì sợ tụt oxy.
Bên cạnh đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng chủ lực từ Bệnh viện Chợ Rẫy, còn là những nhân viên y tế từ nhiều địa phương khác. Không ai nhìn rõ mặt họ sau chiếc khẩu trang chuyên dụng, trong bộ đồ bảo hộ nóng bức..., chỉ nhận ra bằng cái tên viết trên áo, kèm theo xuất xứ của họ: Hải Phòng, Viện E Hà Nội...
Họ miệt mài tất bật với bệnh nhân, chăm sóc bằng sự tận tình không ngơi nghỉ. Khó có thể tả được hết những hoạt động vượt quá sức của những "thiên thần áo trắng" với những bệnh nhân suốt quãng thời gian dài.
Người bệnh không chỉ biết ơn đội ngũ nhân viên y tế, mà còn là hình bóng luôn hiện hữu của tình nguyện viên, từ chuyện cung cấp các suất ăn miễn phí mỗi ngày, quét dọn, đổ rác, cho đến việc trợ giúp các bệnh nhân vệ sinh cá nhân, đút ăn uống..., tất cả đều mang tinh thần tự nguyện, kể cả chuyện phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người bệnh mỗi ngày, hoặc khi không may không qua khỏi.
Người bệnh dần được xuất viện, dù theo hình thức này hay cách khác. Cho dù trong câu chuyện kể lại cho mọi người vẫn còn những nét kinh hãi của những tháng ngày trải qua đại dịch năm 2021, chắc chắn không bao giờ phai nhạt sự cảm động của tình nhân ái nơi ranh giới mong manh của cái chết và sự sống.
Qua đại dịch, vẫn còn đó những tấm lòng nhân ái vô vụ lợi, thể hiện đúng tinh thần "sống vì mọi người!".
Trong chuyến xe ra về hôm ấy, không ít người có người thân vẫn còn nằm lại. Ba tôi sau đó cũng không qua khỏi, về nhà trong chiếc hũ sành do quân đội mang tới.
Thời gian sau, Bệnh viện hồi sức COVID-19 Thủ Đức, TP.HCM cũng giải thể. Nhân viên y tế tăng viện từ các địa phương đã trở về nhà, những tình nguyện viên có lẽ sẽ lại lăn xả vào các hoạt động thiện nguyện mới.
Nhưng có một điều chắc chắn rằng: tất cả họ luôn mang trong mình ký ức không thể phai nhòa của những người phải trải qua quãng thời gian khốc liệt nhất của đại dịch COVID-19.
Hành trang của tác giả khi rời bệnh viện điều trị COVID-19 - Ảnh do tác giả cung cấp
Cùng Tuổi Trẻ gửi lời tri ân
Năm 2021, hàng chục nghìn bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa các trường đại học, chiến sĩ quân y… từ mọi miền đã tới các tỉnh thành phía Nam, trong đó có TP.HCM, để cùng các địa phương chống dịch COVID-19. Trong đồ bảo hộ bít bùng, khẩu trang kín mít, nhiều bệnh nhân không biết mặt người ngày đêm điều trị, chăm sóc mình.
Rất nhiều cảm xúc, lưu luyến, nhiều lời cảm ơn chưa kịp nói khi người bệnh xuất viện, khi các bác sĩ, điều dưỡng... rời đi lúc đại dịch bớt căng thẳng.
Tuổi Trẻ Online mời bạn gửi lời tri ân những thiên thần áo trắng, chia sẻ các kỷ niệm, cảm xúc, kỷ vật còn lưu giữ trong những ngày bạn hoặc người thân điều trị COVID-19. Bài viết, hình ảnh xin gửi về: hongtuoi@tuoitre.com.vn.
Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận