27/07/2022 19:39 GMT+7

Cầm tờ giấy xuất viện trên tay, mẹ vẫn nghĩ mình đang mơ

THIÊN AN
THIÊN AN

TTO - Lúc mẹ tôi rất bi quan, hoảng loạn vì COVID-19 tiến triển nặng, bà được bác sĩ dỗ dành, và cả gắt gỏng. Nhưng những lời nói chân thành sau đó của đội ngũ thầy thuốc khiến mẹ tôi rưng rưng nước mắt.

Cầm tờ giấy xuất viện trên tay, mẹ vẫn nghĩ mình đang mơ - Ảnh 1.

Suốt 14 ngày phải điều trị cách ly tại bệnh viện dã chiến thu dung vừa đủ để tôi có dịp nhìn thấy biết bao hy sinh vất vả của các anh chị y bác sĩ - Ảnh: THIÊN AN

Ký ức của tôi về những ngày tháng gian khó cuối hè năm 2021 bắt đầu từ tiếng thở nặng nhọc của mẹ tôi, năm nay đã ngoài 60 tuổi. 

Trong ba thành viên gia đình nhiễm bệnh phải nhập viện gồm mẹ và vợ chồng tôi thì mẹ là bệnh nhân nặng do có nhiều bệnh lý nền, xuất hiện nhiều triệu chứng như khó thở, suy hô hấp. Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn để thay đổi phác đồ điều trị, đồng thời yêu cầu theo dõi sát sao.

Tình hình căng thẳng ấy khiến tôi rất bất an và bật khóc đôi lần. Ý nghĩ phải mất đi người thân yêu và quan trọng nhất với mình luôn ám ảnh tôi từng ngày, mặc dù các anh chị bác sĩ chuyên điều trị cho mẹ tôi thường xuyên nhắn tin cho tôi về tình hình điều trị. 

Trong thời gian dịch COVID-19 diễn tiến căng thẳng, thuốc không được hỗ trợ đầy đủ, các xét nghiệm cũng hạn chế, khiến diễn biến bệnh của mẹ tôi có lúc rất căng thẳng. 

Rất may mắn là cuối cùng mẹ tôi cũng khỏi bệnh sau 10 ngày điều trị, khi tình trạng khó thở được cải thiện dần và cuối cùng hết hẳn.

Khi quay về phòng bệnh thường với chúng tôi, mẹ kể lại rằng đã có lúc mẹ rất bi quan, hoảng loạn và chỉ muốn buông xuôi. Nhưng các bác sĩ liên tục động viên, dỗ dành thậm chí bất đắc dĩ phải gắt gỏng: "Nếu bác không chịu thở oxy, không chịu nằm sấp để thở thì tụi con thật sự bất lực". 

Gay gắt là thế nhưng khi mẹ tôi khỏi bệnh, các bác sĩ đến nhận lỗi rất chân thành: "Tụi con xin lỗi bác. Thầy thuốc không nên nói như thế với bệnh nhân, nhưng tình thế cấp bách, tụi con không còn cách nào khác để vực dậy ý chí sống cho bác". 

Những lời nói chân thành mà thấm thía ấy khiến mẹ tôi rưng rưng nước mắt.

Đến tận hôm nay, mẹ tôi vẫn luôn nhắc mãi về tấm lòng, tinh thần không quản ngại gian khó, tận tụy cứu chữa người bệnh của đội ngũ y bác sĩ trong đợt dịch COVID-19 năm 2021. 

Mẹ thường bảo: "Sự sống này của mẹ do các bác sĩ mang đến. Mẹ không bao giờ nghĩ mình sẽ qua khỏi. Khi tận tay cầm tờ giấy xuất viện, mẹ vẫn nghĩ mình đang mơ. 

Lúc được hồi sức, mẹ thấy đời sống này thật kỳ diệu, mà điều kỳ diệu lớn nhất đến từ các y bác sĩ đã tận tâm cứu chữa mẹ suốt 10 ngày khốc liệt ấy".

Quả thực, suốt 14 ngày phải điều trị cách ly tại bệnh viện dã chiến thu dung vừa đủ để tôi có dịp nhìn thấy biết bao hy sinh vất vả của các anh chị y bác sĩ. 

Bệnh viện dã chiến gánh vác hàng trăm tỉ thứ trách nhiệm, chẳng khác gì một xã hội thu nhỏ, nên những vất vả nhọc nhằn cũng tăng lên gấp bội. 

Giữa mùa dịch bệnh, đội ngũ y bác sĩ không chỉ phòng chống dịch mà còn phải tiếp tục công việc điều trị để duy trì sự sống cho những bệnh nhân khác. 

Có những người gần như phải sống ở bệnh viện cả tháng, chỉ có thể giao tiếp với gia đình, bố mẹ qua video. Có những người sẵn sàng phải đỡ đẻ, phải phẫu thuật cho bệnh nhân, bất kể người đó có dương tính với COVID-19 hay không.

Cầm tờ giấy xuất viện trên tay, mẹ vẫn nghĩ mình đang mơ - Ảnh 2.

Đội ngũ y bác sĩ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ - Ảnh: THIÊN AN

Các bác sĩ ở đây làm việc không biết ngày nghỉ, ngày lễ. Hầu như sáng nào, tôi cũng thấy họ xuất hiện ở các buồng bệnh. Những ngày cao điểm, họ phải khám và xử lý thuốc cho từ 210 - 230 F0 với bộ bảo hộ mặc liên tục từ 2 - 5 giờ đồng hồ. 

Mồ hôi họ nhễ nhại, tay nhợt nhạt do nước ứ đọng trong găng tay, cổ họng khát khô. Công việc thường ngày của một bác sĩ thường bao gồm rất nhiều vấn đề, từ xử trí bệnh nhân diễn biến nặng, khám bệnh, nhận xét hồ sơ bệnh án, cho thuốc, lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân cao tuổi. Thậm chí, họ còn làm luôn cả những công việc của điều dưỡng như vận chuyển oxy, cho bệnh nhân cao tuổi ăn uống, làm vệ sinh phòng bệnh.

Họ luôn truyền cho người bệnh một niềm tin rất lớn vào sự tiến bộ của y học sẽ khiến nhân loại thật sự hồi sinh sau nguy biến. Và rõ ràng, sự dốc sức của các y bác sĩ đã mang đến "quả ngọt" khi rất nhiều gia đình chờ đón được người thân ngấp nghé bên cửa tử quay trở lại cuộc sống bình thường.

Chứng kiến những hành động tận tụy đầy trách nhiệm ấy, tôi càng cảm phục tinh thần của đội ngũ y bác sĩ. 

Xin được gởi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến các anh chị y bác sĩ đã không quản ngại khó khăn, tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong suốt những ngày tháng dịch bệnh hoành hành tại TP.HCM. Chính các anh chị là người đã mang đến biết bao mùa xuân mới, hồi sinh biết bao người trong tâm dịch tại thành phố này.

Cùng Tuổi Trẻ gửi lời tri ân

Năm 2021, hàng chục nghìn bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa các trường đại học, chiến sĩ quân y… từ mọi miền đã tới các tỉnh thành phía Nam, trong đó có TP.HCM, để cùng các địa phương chống dịch COVID-19. Trong bộ đồ bảo hộ bít bùng, khẩu trang kín mít, nhiều bệnh nhân không biết mặt người ngày đêm điều trị, chăm sóc mình.

Rất nhiều cảm xúc, lưu luyến, nhiều lời cảm ơn chưa kịp nói khi người bệnh xuất viện, khi các bác sĩ, điều dưỡng... rời đi lúc đại dịch bớt căng thẳng.

Tuổi Trẻ Online mời bạn gửi lời tri ân những thiên thần áo trắng, chia sẻ các kỷ niệm, cảm xúc, kỷ vật còn lưu giữ trong những ngày bạn hoặc người thân điều trị COVID-19. Bài viết, hình ảnh xin gửi về: hongtuoi@tuoitre.com.vn.

Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Tôi mãi cảm động vì câu nói Tôi mãi cảm động vì câu nói 'Y bác sĩ không biết khi nào được về'

TTO - Nghệ sĩ Kim Đào kể trong thời gian chị và con trai điều trị COVID-19 trong Bệnh viện dã chiến số 8 (TP.HCM), có bệnh nhân quậy đòi ra viện, y tá đã có tâm sự khiến họ rất cảm động.

THIÊN AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên