Chị Khuyên và bé Hạ Vy - Ảnh: NVCC
Chị Lường Thị Khuyên (sinh năm 1988, quê ở huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) đến giờ vẫn cảm thấy mình may mắn khi thoát khỏi cửa tử vì mắc COVID-19 khi mang thai 35 tuần.
Kết hôn 11 năm, hai vợ chồng chị Khuyên vẫn chưa được tiếng khóc trẻ thơ. Chữa chạy khắp nơi, năm 2020 vợ chồng chị quyết định làm thụ tinh ống nghiệm và thành công.
Mang thai ở tuần thứ 35, họ đều mong ngóng đến ngày đón con chào đời, rồi chị mắc COVID-19 vào ngày 13-5-2021.
"Đến ngày 19-5-2021, tôi bắt đầu có biểu hiện sốt cao, tức ngực, khó thở và được chuyển tuyến cấp cứu ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương", chị Khuyên nhớ lại.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, chị được hội chẩn các chuyên khoa hồi sức cấp cứu, sản khoa, ngoại khoa. Các bác sĩ tiên lượng nguy kịch với cả mẹ và con do bệnh nhân suy hô hấp cấp tính, tổn thương phổi nặng nề.
Hơn nữa bệnh nhân có rối loạn nặng nề về đông máu, vì vậy các bác sĩ nhận định đây là ca bệnh hết sức phức tạp. Các bác sĩ thống nhất cần phối hợp tất cả các chuyên khoa để cố gắng cứu sống cả mẹ và con, vì đây là trường hợp hiếm muộn rất éo le.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, nhận thấy tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân nặng dần lên, nguy cơ suy thai do mẹ thiếu oxy, các bác sĩ đã tổ chức hội chẩn chỉ định mổ cấp cứu lấy con vào ngày 21-5-2021.
Ngay sau đó, bé phải cách ly với mẹ và được đón về nhà, lúc này chị Khuyên mới bước vào cuộc chiến với "tử thần".
Bé Hạ Vy khi mới sinh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - Ảnh: BVCC
Đến ngày 22-5-2021, bệnh nhân tiến triển nặng. Tiến sĩ Vũ Đình Phú, trưởng khoa hồi sức tích cực bệnh viện, sau khi hội chẩn bệnh nhân đã quyết định cho thở máy kỹ thuật cao bảo vệ phổi, lọc máu hấp phụ cytokine, duy trì an thần giảm đau để bệnh nhân thở theo máy hạn chế tổn thương phổi, duy trì thuốc chống đông máu theo mục tiêu điều trị...
Sau 21 ngày thở máy liên tục và 9 lần lọc máu, kết hợp các biện pháp điều trị và chăm sóc tích cực chuyên sâu, chị Khuyên đã có những tiến triển tốt.
Đến ngày 13-6-2021, chị Khuyên được bỏ máy thở thành công. Gần nửa tháng sau, chị mới ổn định, hoàn toàn khỏe mạnh, được xuất viện và được Sở Y tế Điện Biên điều xe xuống đón về cách ly thêm.
Chị Khuyên nhớ lại: "Sau gần 2 tháng điều trị, tôi chỉ nằm đó không biết gì. Mọi thứ xung quanh đều mờ nhạt, chỉ biết rằng mình có thể ra đi bất kỳ lúc nào. Khi tỉnh dậy, bắt đầu có ý thức, tôi mới nhận ra mình đã hôn mê lâu đến thế. Lúc ấy chỉ mong mình khỏe thật nhanh để về nhà với con.
Nếu không có sự tận tâm cứu chữa của các y bác sĩ, không biết rằng tôi có thể nhìn thấy con gái mình không nữa".
Chị Khuyên khoe, ngày 21-7, bé được tròn 14 tháng, giờ đã chạy nhảy khắp nơi, gọi mẹ, gọi ba. Thi thoảng chị vẫn nhắn tin với bác sĩ Khánh. "Giờ con có vấn đề gì về sức khỏe lại nhắn bác, thi thoảng nhắn tin hỏi thăm bác. Bỗng dưng mình có thêm một bác sĩ gia đình", chị Khuyên cười nói.
“Hạ trong từ mùa hạ, vì bé được sinh ra vào mùa hạ. Còn Vy có ý nghĩa hai mẹ con đã chiến thắng Cô Vy”, chị chia sẻ về việc đặt tên con là Hạ Vy.
Cùng Tuổi Trẻ gửi lời tri ân
Năm 2021, hàng chục nghìn bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa các trường đại học, chiến sĩ quân y… từ mọi miền đã tới các tỉnh thành phía Nam, trong đó có TP.HCM, để cùng các địa phương chống dịch COVID-19. Trong đồ bảo hộ bít bùng, khẩu trang kín mít, nhiều bệnh nhân không biết mặt người ngày đêm điều trị, chăm sóc mình.
Rất nhiều cảm xúc, lưu luyến, nhiều lời cảm ơn chưa kịp nói khi người bệnh xuất viện, khi các bác sĩ, điều dưỡng... rời đi lúc đại dịch bớt căng thẳng.
Tuổi Trẻ Online mời bạn gửi lời tri ân những thiên thần áo trắng, chia sẻ các kỷ niệm, cảm xúc, kỷ vật còn lưu giữ trong những ngày bạn hoặc người thân điều trị COVID-19.
Bài viết, hình ảnh xin gửi về: hongtuoi@tuoitre.com.vn.
Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận