11/11/2014 15:42 GMT+7

​Trở về mặt đất

MY LĂNG - MINH PHƯỢNG - BẢO CHÂU
MY LĂNG - MINH PHƯỢNG - BẢO CHÂU

TT  - Dân trong nghề vẫn truyền nhau một luật bất thành văn là “nếu tiếp viên hàng không (TVHK) có thể chịu đựng đi cùng với nghề suốt bảy năm thì sẽ đi được với nó cả đời”.

Chị Diễm Quỳnh, từ hàng không nay chuyển sang truyền thông - Ảnh nhân vật cung cấp

Trước đây Vietnam Airlines có quy định thời hạn bay tối đa là nữ 38 tuổi, nam 42 tuổi nhưng từ khi Vietnam Airlines gia nhập Liên minh Skyteam thì quy định này không còn nữa.

Tuy nhiên, trên thực tế không nhiều TVHK có thể bay đến lúc này. Hầu hết đều nghỉ khi đã có gia đình hoặc chọn công việc khác.

Stress vì tìm việc như ý

Trước khi trở thành TVHK của Vietnam Airlines, chị Minh Tâm (31 tuổi, hiện đã nghỉ) là một trong tám TVHK người Việt đầu tiên của hãng hàng không nước ngoài Korean Airlines (Hàn Quốc). Sau khi rời Korean Airlines, Tâm thi tuyển và đậu vào Vietnam Airlines. Làm được hơn bốn năm Tâm nghỉ việc và sau đó làm đám cưới (năm 2010).

Mấy năm liền bay miệt mài trên trời, khi được hoàn toàn “hạ cánh” dưới mặt đất, Minh Tâm thành thật bảo cô chỉ muốn nghỉ ngơi. Tâm đã dành hẳn 30 ngày đi du lịch. Đến khi quay về VN, Tâm bắt đầu stress vì lo lắng.

Đã quá mệt mỏi vì những chuyến bay quốc tế dài đằng đẵng, giờ giấc quá chặt chẽ, Tâm bảo cô rất ghét làm theo ca. Cô chỉ muốn làm công việc văn phòng, toàn thời gian. Vậy mà xin vào làm ở một khách sạn Tâm vẫn phải làm theo ca. Đã thế, sự chênh lệch về mức thu nhập cũng là vấn đề khiến Tâm chán nản. Chưa hết hai tháng thử việc Tâm xin nghỉ tìm công việc mới.

“Khoảng thời gian đó tôi lo lắm. Cứ sợ mình không thích ứng được với môi trường làm việc dưới mặt đất, vì có những kỹ năng làm việc đã bị bỏ hổng trong ngần ấy năm đi bay. Tôi stress vì câu hỏi: nếu không kiếm được việc như ý mình thì sao?” - Minh Tâm chia sẻ.

Nghe lời khuyên của chồng sắp cưới, Tâm đăng ký học những khóa học về hành chính và tin học văn phòng. Cuối cùng, cô xin làm nhân viên thư ký phụ trách pháp luật cho một công ty bất động sản của Singapore. Tâm cho biết: “Có nhiều kỹ năng còn thiếu mình phải đi học, kết hợp với hỏi đồng nghiệp, bạn bè. Sống trên trời nhiều quá, xuống mặt đất khó thích nghi”.

Sự hòa nhập và quen với tính cách lẫn phong cách làm việc của người VN cũng là một thử thách với cựu TVHK này. Tâm bảo: “Những ngày còn trên máy bay, công việc vất vả, thèm được nói chuyện với người Việt. Làm TVHK kỹ năng làm việc theo nhóm rất quan trọng, nhưng khi vào làm trong công ty tiếp xúc với người VN, tôi thấy không quen. Những ngày đầu tôi cứ tự hỏi sao người VN mình lạ vậy? Thấy ma cũ ăn hiếp ma mới. Không đoàn kết với nhau. Tôi căng thẳng...”.

Phải mất gần nửa năm Minh Tâm mới chấp nhận được những khác biệt đó và hòa nhập vào môi trường mới. Cô tâm sự: “Làm việc cho hãng hàng không nước ngoài yêu cầu rất khắt khe nên tụi mình thuộc lòng công việc. Làm riết đến nhuần nhuyễn thì thành bệnh nghề nghiệp. Hồi mình mới làm ở đơn vị mới, vào nhà vệ sinh thấy nước văng trên kính cũng lấy khăn giấy lau, rồi giật mình: Ủa?! Mình đâu còn trên máy bay mà lau kính!”.

Nỗ lực gấp 2-3 lần

Mê bay đến nỗi sắp đến ngày cưới, Diễm Quỳnh (cựu TVHK Vietnam Airlines) vẫn muốn bay cùng nhóm trong chuyến bay VN - Đức, xem như chia tay thời độc thân, đến 6g sáng chủ nhật mới về đến Hà Nội, trong khi đám cưới diễn ra lúc 5g chiều cùng ngày. Vậy nhưng sau năm năm gắn bó với nghề, Quỳnh dứt ruột nộp đơn xin nghỉ việc. Lý do: thương chồng con quá.

Quyết tâm từ giã bầu trời chỉ thật sự bắt đầu khi liên tiếp hai lần bay đi Nga, Quỳnh nhận được điện thoại báo con đang vào bệnh viện cấp cứu.

“Ở xa mình có muốn về trước cũng không được. Thương con vô cùng. Rồi lúc con đi được bước đi đầu tiên, con mọc cái răng đầu tiên, tôi đều không có mặt. Suy nghĩ suốt hai năm, tôi nghĩ mình không thể tiếp tục bỏ qua quá nhiều khoảnh khắc trọng đại trong đời con mình được nữa. Vậy là thôi bay!”, Diễm Quỳnh kể.

Nói thì dễ nhưng làm thì lắm gian truân. “Khó khăn đầu tiên là mình bị chậm mất năm năm so với những người bằng tuổi trong nghề, phải chấp nhận mức lương tối thiểu của người học việc và phải nỗ lực gấp hai, gấp ba lần để không bị mọi người đánh giá là TVHK chỉ biết bay và ăn chơi”, Quỳnh cho biết.

Một may mắn của Quỳnh là với tấm bằng cử nhân kinh tế của ĐH Kinh tế TP.HCM, Quỳnh đã được nhận vào làm việc ở một công ty truyền thông, một ngành còn tương đối mới mẻ vào thời điểm 2008.

Tuy nhiên, từ cuộc sống tự do bay nhảy, việc thu hẹp trong bốn bức tường văn phòng không hề dễ dàng. “Ngồi trong văn phòng im ắng suốt ngày, chỉ nghe tiếng gõ lạch cạch của máy tính, không khí tù túng của phòng máy lạnh, tôi thấy rất gò bó và căng thẳng vì hoàn toàn khác với cuộc sống ồn ào, linh hoạt, giao tiếp với hàng trăm hành khách trước đây”, Quỳnh kể lại.

Cựu TVHK cố gắng tìm cách thích nghi bằng cách trò chuyện nhiều hơn với đồng nghiệp để hiểu cuộc sống của một nhân viên văn phòng là như thế nào, mỗi ngày cố gắng học ít nhất một khái niệm mới, một kiến thức mới trong nghề và “quan trọng nhất là phải luôn nhắc nhở mình đây là một bước ngoặt cần thiết, không được bỏ cuộc”, Quỳnh cho biết.

Phải mất đến sáu tháng Quỳnh mới quen với nhịp sống mới sáng đến cơ quan, chiều về nhà làm nội trợ, chăm sóc con.

Điều khá thú vị là những kiến thức thực tế về công việc và những trải nghiệm về văn hóa, lối sống của người dân các nước, từ cách ăn uống ở nhà hàng đến mua sắm ở siêu thị, rồi gu thời trang, cách trang trí nhà cửa... trong quá trình đi bay đã hỗ trợ công việc hiện tại của Quỳnh rất nhiều.

Khi làm việc trong ngành truyền thông, tiếp thị, Quỳnh có nhiều ưu thế về ý tưởng sáng tạo sao cho phù hợp với tiêu chuẩn, văn hóa của nhiều ngành hàng khác nhau. Ngoài ra, như Quỳnh nói: “Với vốn kỹ năng khi làm TVHK, tôi thấy mình nhẫn nại hơn khi chăm sóc khách hàng và làm các chiến dịch truyền thông cho đối tượng khách đi máy bay rất thuận lợi. Vì mình hiểu được tâm lý khách thích đọc gì và đọc như thế nào trên máy bay”.

“Đến tận bây giờ, khi thấy các bạn cùng lứa với mình vẫn đang bay đầy sung sức, tôi thấy máu nghề rộn ràng lắm, muốn bay vô cùng vì cuộc sống của TVHK sau mỗi chuyến bay rất nhẹ nhàng. Bao nhiêu lời phàn nàn của khách, bao nhiêu mệt nhọc đều đã nằm lại trên máy bay, không phải lo nghĩ gì. Còn ở văn phòng nhiều khi vẫn phải mang việc về nhà, trách nhiệm kéo dài chồng chất không bao giờ hết. Nhưng tôi không hối hận vì mình được gần con hơn”, Diễm Quỳnh chia sẻ.

Làm TVHK, điều không ai phủ nhận là lương luôn ở mức cao, trung bình 16-25 triệu đồng/tháng. Nếu làm liên tục, số giờ bay nhiều thì thu nhập có thể cao hơn nhiều. Tuy nhiên, không ít TVHK vẫn rơi vào cảnh túng thiếu hoặc chỉ vừa đủ sống.

“TVHK đi bay đến New York, Las Vegas (Mỹ), rồi Singapore, Hong Kong... tới những thiên đường mua sắm nên khó mà kìm lòng được. Một lý do khác là khi bay quốc tế, sự cô đơn nơi xứ người đã khiến TVHK lao vào các cuộc mua sắm, đi club, đi bar... để giết thời gian và giải tỏa sự trống vắng trong lòng. Riết lại thành thói quen không thể bỏ” - A.N., một TVHK hãng quốc tế, cho biết.

Hết tiền lại ra sức “cày”. Bay càng nhiều càng tốt để kiếm tiền, kể cả chọn cách buôn hàng xách tay, rồi tiếp tục mua sắm. Vòng tuần hoàn này đã là nỗi ám ảnh với không ít TVHK.

Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp vung tay quá trán vẫn có những TVHK chọn đăng ký các khóa học ngắn hạn, chuẩn bị cho tương lai “giải nghệ” sau này. Trần Minh Long trong thời gian làm TVHK chuyên đường bay đi Úc đã chọn đăng ký một khóa học về ngành quản trị nhà hàng - khách sạn.

Vậy là cứ mỗi lần đến Úc, anh lại cố tình chọn thời gian ở lại dài khoảng một tuần để có thể theo lớp. Sau một năm, Minh Long đã sở hữu tấm bằng về ngành học này và giờ đang là chủ một quán cà phê tại Sài Gòn.

 

MY LĂNG - MINH PHƯỢNG - BẢO CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên