26/05/2023 09:39 GMT+7

Trình nghị quyết đặc thù phát triển TP.HCM: Ý nghĩa đặc biệt không chỉ với TP mà với cả nước

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Trình nghị quyết đặc thù phát triển TP.HCM: Ý nghĩa đặc biệt không chỉ với TP mà với cả nước - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày thẩm tra dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM - Ảnh: QUOCHOI.VN

Sáng 26-5, ngay sau khi Chính phủ trình dự thảo nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (tạm gọi nghị quyết mới), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đã trình bày thẩm tra dự thảo nghị quyết này.

Tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết mới, ông Mạnh cho biết việc có chính sách vượt trội tạo bước đột phá theo đúng tinh thần nghị quyết 31 của Bộ Chính trị là cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với TP.HCM mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.

Theo ông Mạnh, qua tổng kết nghị quyết số 54 năm 2014 cho thấy nhiều kết quả tích cực được mang lại thông qua thực hiện những chính sách đặc thù. Tuy nhiên, các chính sách hiện hành cơ bản chỉ tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù. 

Phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá. Trong khi đó, TP.HCM là đô thị đặc biệt quan trọng, với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có số người lao động lớn nhất toàn quốc, điều tiết số thu về ngân sách trung ương cao nhất, hiện đang đóng góp khoảng 27%.

Trình nghị quyết đặc thù phát triển TP.HCM: Ý nghĩa đặc biệt không chỉ với TP mà với cả nước - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54 - Ảnh: QUOCHOI.VN

Trình bày tờ trình trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết việc xây dựng nghị quyết mới nhằm tạo cơ sở pháp lý phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Đồng thời góp phần xây dựng và phát triển TP như mục tiêu đã đặt ra tại các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.

Theo ông Dũng, dự thảo nghị quyết có 7 nhóm cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tổ chức bộ máy TP, tổ chức bộ máy TP Thủ Đức, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Xét về tính mới và kế thừa, dự thảo nghị quyết gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách gồm: cơ chế chính sách được kế thừa từ nghị quyết số 54; cơ chế, chính sách được quy định tại các nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo luật đang trình Quốc hội cho ý kiến và cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.

Nghị quyết đã đủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc?

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn các chính sách trong nghị quyết đã đủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách pháp luật, đang cản trở tiến trình phát triển của TP hay chưa.

Xét về số lượng chính sách là tương đối rộng, do vậy ủy ban này đề nghị có sự lựa chọn, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải để bảo đảm chính sách thực sự có thể đi vào cuộc sống.

Đồng thời, đề nghị lưu ý chỉ đưa vào nghị quyết những chính sách đã rõ về căn cứ thực tiễn, rõ về nội hàm, không quy định vấn đề chưa rõ, tránh vướng mắc trong triển khai.

Mặt khác, Chính phủ cần chú trọng hơn những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả về tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tại dự thảo đã có một số chính sách được coi là đột phá như đề xuất thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Cơ chế này sẽ tạo nguồn lực xã hội cho phát triển, giảm chi ngân sách song cũng chỉ ở quy mô hẹp.

Vì vậy, đề nghị nghiên cứu để có bước thực sự đột phá, thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, tránh nhiều về số lượng chính sách nhưng hạn chế về sức nặng, tính sáng tạo.

Một số quy định còn rập khuôn như các địa phương khác (chuyển đổi đất trồng lúa, quy hoạch, thu hút nhà đầu tư chiến lược…). Trong khi đó, có thể nghiên cứu trên nền các chính sách này để vận dụng theo hướng đột phá hơn, mạnh mẽ tương xứng với quy mô, vị thế của TP.

Để bảo đảm đúng mục tiêu thí điểm, tờ trình của Chính phủ cần làm rõ giá trị nhân rộng mô hình sau thời gian thí điểm theo quy định, theo đó các tỉnh thành khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… có thể học tập.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Tạo động lực mới phát triển TP.HCMChủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Tạo động lực mới phát triển TP.HCM

Cuộc trò chuyện với người đứng đầu chính quyền TP.HCM được Tuổi Trẻ thực hiện trước phiên họp quan trọng vào sáng nay (26-5).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên