Chàng trai xương thủy tinh Hoàng Trung Nghĩa trên chiếc xe lăn xúc động theo dõi chương trình - Ảnh: NAM TRẦN
Sáng 26-8, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Thành đoàn Hà Nội với sự tài trợ của Công ty cổ phần Tập đoàn Masterise, đã tổ chức lễ trao "Sinh kế cho thanh niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn" cho 50 thanh niên đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, với tổng kinh phí 900 triệu đồng.
Đóng góp dù nhỏ bé nhưng lan tỏa ra xã hội
"Một chương trình hỗ trợ đặc biệt, không trao tiền mặt, mà trao các thiết bị, phương tiện để giúp các thanh niên mưu sinh, lập nghiệp" - bà Đỗ Thị Ngọc Hà, trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội, chia sẻ tại lễ trao sinh kế.
Bà Đỗ Thị Ngọc Hà - trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội - Ảnh: HÀ THANH
Dịch COVID-19 đã đẩy nhiều lao động, nhiều gia đình vào tình cảnh khó khăn. Với những thanh niên khuyết tật, khó khăn còn chồng chất nhiều lần. 50 thanh niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn không chỉ là những người nhận hỗ trợ, mà còn mang đến 50 câu chuyện đầy ý nghĩa của những con người giàu ý chí, luôn vượt lên chính mình với khát khao được làm việc, kiếm sống, đóng góp cho gia đình và xã hội.
Ông Trần Quốc Hoài, phó tổng giám đốc, kiêm giám đốc khối pháp chế và tuân thủ, Masterise Homes - Ảnh: NAM TRẦN
Đại diện nhà tài trợ - ông Trần Quốc Hoài, phó tổng giám đốc, kiêm giám đốc khối pháp chế và tuân thủ, Masterise Homes (thành viên của Masterise Group) chia sẻ, sau gần 3 năm chống chọi với dịch COVID-19, dù doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong đại dịch nhưng vẫn có thể giúp đỡ các bạn trẻ. Trong khó khăn, Masterise nhận thấy cần tạo ra chương trình để cùng nhau xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.
Chứng kiến những tấm gương vượt khó đang hiện diện trong khán phòng, ông Hoài xúc động nói: "Chúng tôi mong rằng những hành động, đóng góp dù nhỏ bé nhưng có thể lan tỏa đến xã hội, tạo động lực để các anh chị vươn lên, vượt qua khó khăn".
Ông Trần Quốc Hoài, phó tổng giám đốc, kiêm giám đốc khối pháp chế và tuân thủ, Masterise Homes, trao hỗ trợ máy tính cho các thanh niên khuyết tật tại chương trình - Ảnh: NAM TRẦN
50 câu chuyện vượt lên số phận
Từ sớm, Cung văn hóa Thiếu nhi (Hà Nội) đã đón 50 nhân vật đặc biệt đến tham dự buổi lễ. Người ngồi xe lăn, người chống nạng bước đi, có người phải nhờ bố mẹ dìu đến… Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng vượt lên tất cả là nghị lực sống vươn lên "như những đóa hoa".
Hoàng Trung Nghĩa (24 tuổi), ở Hà Nội bị căn bệnh xương thủy tinh, chỉ nặng khoảng 20kg, Nghĩa chẳng nhớ nổi đã bao nhiêu lần bị gãy xương phải nhập viện điều trị. Thế nhưng trong thân hình nhỏ bé ấy mang đầy nghị lực phi thường để tranh đấu với số phận.
Chị Lương Thị Kiều Thúy, sáng lập tiệm giặt là của người điếc, chia sẻ về nỗ lực vượt qua số phận và mở ra lối đi mới cho cộng đồng người điếc - Ảnh: NAM TRẦN
"Người bình thường hay người khuyết tật mà không cố gắng thì đều sẽ bị tụt lùi.
Mình nghĩ mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, quan trọng là mình đối diện, sống như thế nào" - Nghĩa quả quyết.
Dù không được học qua trường lớp, chỉ với chiếc máy tính cũ mèm, Nghĩa đã tự mò mẫm, học hỏi kiến thức trên mạng, học hỏi kinh doanh online. Hiện nay anh đang đảm nhận công việc bán hàng online cho người nước ngoài.
Chiếc máy tính để bàn dùng đã nhiều năm, xuống cấp nên chỉ đáp ứng được khoảng 50% công việc hiện tại của Nghĩa. Hiện tại anh đang rất cần một chiếc máy tính xách tay để thuận tiện làm việc, tăng thêm thu nhập, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Anh Ngô Văn Thiện, trưởng Ban đoàn kết thanh niên và địa bàn dân cư Thành đoàn Hà Nội, phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp thanh niên thành phố, trao hỗ trợ cho thanh niên khuyết tật - Ảnh: NAM TRẦN
Thông qua chương trình, những chiếc máy tính, xe máy, máy ép mía, máy may… là những công cụ, vật dụng sinh kế sẽ là "người bạn đồng hành" góp phần tiếp sức cho các bạn trong chặng đường đời sắp tới.
"Thật sự xúc động khi tôi được nhìn thấy nhân viên của mình xuất hiện ở đây. Các bạn dùng ngôn ngữ ký hiệu để nói ra được mong muốn, khó khăn và được mọi người lắng nghe, giúp các bạn tự tin hơn trong cuộc sống. Xin cảm ơn chương trình đã hỗ trợ chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn trong dịch COVID-19" - chị Lương Thị Kiều Thúy, sáng lập tiệm giặt là của người điếc, chia sẻ.
Đại diện báo Tuổi Trẻ nhận bảng tượng trưng 1,8 tỉ đồng từ nhà tài trợ Công ty cổ phần Tập đoàn Masterise - Ảnh: NAM TRẦN
Lễ trao "Sinh kế cho thanh niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn" sáng 26-8 tại Hà Nội. Chương trình dự kiến có một lễ trao tặng nữa tại TP.HCM - Ảnh: NAM TRẦN
Chương trình "Sinh kế cho thanh niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn" do Công ty cổ phần Tập đoàn Masterise tài trợ 1,8 tỉ đồng để hỗ trợ cho khoảng 100 thanh niên khuyết tật, thanh niên đặc biệt khó khăn tại Hà Nội và TP.HCM mỗi trường hợp từ 10 - 25 triệu đồng, tùy từng trường hợp cụ thể.
Đây là một trong những hoạt động thuộc chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19" mà báo Tuổi Trẻ đã tổ chức thực hiện ngay khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận