26/08/2022 09:06 GMT+7

Không lùi bước trong cuộc chiến số phận

HÀ THANH - NGUYÊN BẢO
HÀ THANH - NGUYÊN BẢO

TTO - Con gái đầu lòng, rồi đứa con trai thứ ra đời, người cha chết lặng khi cả hai đều nhiễm di chứng chất độc da cam. Con không lành lặn, ông càng phải dạy chúng biết nỗ lực vươn lên bằng chính sức lao động của mình.

Không lùi bước trong cuộc chiến số phận - Ảnh 1.

Bùi Phương Hiếu mỗi ngày đều ra chợ trông hàng quần áo giúp mẹ (ảnh trái) và Nguyễn Danh Tuân phụ làm hương sau giờ học - Ảnh: HÀ THANH, NGUYÊN BẢO

Trên chiếc xe cà tàng, ông Phương chở con gái ra khu chợ Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) để phụ mẹ bán quần áo. Bà con khu chợ này đã quen thuộc với cô gái hiền lành, ngoan ngoãn thường phụ mẹ bán hàng, trông quầy quần áo.

Lo cho cha mẹ và em trai

Khuyết tật nặng do di chứng chất độc da cam nhưng chị Bùi Phương Hiếu (33 tuổi) thật thà bảo "mình đỡ hơn cậu em trai tên Thành". Hồi bé, chị vẫn đến trường như bao bạn bè. Nhưng sau nhiều lần tự dưng lăn đùng ngất giữa lớp, cô giáo sợ quá phải kêu cha mẹ đưa về. Thế là chị phải nghỉ học. 

Đến em Thành, cô giáo phát hiện tay của em không thể cử động để cầm viết, cha mẹ lại phải cho con trai nghỉ học.

Kể từ giây phút đó, người cha phải chấp nhận thực tại các con mình là người khuyết tật! 

"Người ta vận động gia đình cho con vào trung tâm nhưng thương con quá, làm thế sao đành. Chạy chữa khắp nơi, hai lần bán nhà, cuối cùng đành về tá túc căn nhà nhỏ này. Vốn thiệt thòi nhưng tôi luôn dạy các con không được kêu ca phàn nàn mà phải phấn đấu làm việc "để sống, để khôn, để khéo", phải chiến đấu với cuộc sống để làm chủ đời mình" - ông Phương chia sẻ.

Bên chiếc giường nhỏ, hai chị em Hiếu và Thành chăm chú lắng nghe cha nói, ngoan ngoãn "dạ vâng" mỗi khi cha trải lòng về các công việc đã trải qua, hướng dẫn con phải làm việc, lao động ra sao để kiếm sống, cả cách sống với người xung quanh. Thương cha mẹ vất vả, hai chị em càng cố gắng nhiều hơn để cả nhà "chung sức chung lòng" vượt qua trở ngại.

Ngày nào cũng thế, chị Hiếu thức sớm cùng mẹ chuẩn bị cơm nước để 5h sáng cả nhà dắt díu nhau ra góc nhỏ hồ Tây. Ở đó, Hiếu và mẹ bán quần áo, cha và Thành mưu sinh với chiếc bơm xe đạp. Hết buổi sớm, chị lại về khu chợ Tứ Liên cùng mẹ bán tiếp. 

Gặp hôm trái gió trở trời, cơn đau đầu ập đến, cũng mệt lắm nhưng nghĩ đến cha mẹ và em, chị lại gắng gượng. 

"Còn gắng được thì cố, chỉ mong sao cuộc sống tốt đẹp hơn, mọi người luôn vui vẻ bình an" - chị Hiếu bày tỏ.

Nhưng đợt dịch vừa qua, cả nhà đành gác lại công việc mưu sinh. Thời điểm ấy, mọi thứ chỉ trông chờ vào cuộc điện thoại. Có ai gọi nhờ ông Phương sửa chữa gì, gia đình mới có tiền xoay trở tạm qua ngày. Hay tin được hỗ trợ vốn, chị Hiếu nhẩm tính sẽ lo được chiếc xe đẩy giao hàng, máy ép nước mía... 

"Có tiền, mình sẽ lo được cho bố mẹ và em Thành" - chị quả quyết.

Mỗi sự giúp đỡ dù lớn dù nhỏ đều quý, là nguồn động viên với gia đình tôi, là cơ hội để chúng tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ông BÙI VĂN PHƯƠNG (cha chị Bùi Phương Hiếu)

Học để thay đổi cuộc đời

Nguyễn Danh Tuân (19 tuổi), ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức (Hà Nội), bao năm nay đi lại khá khó khăn. Vừa lọt lòng, Tuân đã mang trong mình bệnh khớp giả bẩm sinh, phần đầu trái mắc u mỡ. Bàn chân của Tuân bị khuyết một phần xương không thể đi lại được.

Khi lên 9, sau nhiều năm ròng rã đi viện, nợ nần chồng chất, gia đình quyết định đưa Tuân đến bệnh viện lớn. May mắn mỉm cười khi Tuân đã có thể đi lại nhưng đôi chân yếu lắm, khó làm được việc nặng. 

"Mình đang nỗ lực không ngừng để có thể trở thành kỹ sư thiết kế đồ họa dù đường đi đầy chông gai" - Tuân nói.

Mẹ Tuân - bà Đàm Thị Lan (53 tuổi) dáng người gầy guộc, bao năm gồng gánh gia đình lại càng vất vả hơn khi hai anh em Tuân cùng đi học. Công việc làm hương thuê của mấy cha con bắt đầu từ tờ mờ sáng đến đêm song tiền công không thấm tháp vào đâu. Còn bà phải chấp nhận làm việc khác đi xa hơn.

Ngày Tuân vào cao đẳng, bà phải vay ngân hàng 50 triệu đồng mới có tiền đóng học phí, mua trang thiết bị học tập cho Tuân và cậu em trai đang học lớp 10. Thương cha mẹ, Tuân luôn nỗ lực học, phụ cha bó hương, dọn dẹp nhà cửa sau giờ học. Tuân nói dù việc học rất khó khăn, nắm bắt kiến thức chậm hơn bạn bè nhưng cậu chưa bao giờ có ý định nghỉ.

"Sức khỏe mình thế này sao làm được công việc lao động chân tay nặng nhọc nên chỉ có con đường học tập mới mong tiếp cận được ngành nghề phù hợp để thay đổi cuộc sống, san sẻ gánh nặng cùng mẹ", Tuân nói.

Trong ánh mắt đầy hy vọng, bà Lan kể Tuân từng thủ thỉ với bà "giá mua được cái máy làm hương thì tốt biết mấy, mẹ đỡ phải đi làm thuê xa mà sản lượng lại tăng, tiền công cũng cao hơn". 

"Tôi cũng chỉ ao ước thế thôi, kinh tế có vững mới tiếp tục cho con theo học được đàng hoàng" - bà Lan trải lòng.

1,8 tỉ đồng trợ vốn

Hôm nay 26-8, lễ trao kinh phí hỗ trợ "Sinh kế cho thanh niên khuyết tật, khó khăn" cho 50 bạn trẻ khuyết tật tại Hà Nội. Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Thành đoàn TP.HCM và Thành đoàn Hà Nội tổ chức, được Công ty cổ phần Tập đoàn Masterise tài trợ, giúp thanh niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 có điều kiện mưu sinh, căn cơ lâu dài.

Chương trình dành 1,8 tỉ đồng hỗ trợ cho 100 thanh niên khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại TP.HCM và Hà Nội. Kinh phí trao vốn từ 10 - 25 triệu đồng cho mỗi trường hợp tùy theo nhu cầu của người được xét chọn... bằng hiện vật cụ thể.

Chàng trai vẽ tranh trên nón lá Huế Chàng trai vẽ tranh trên nón lá Huế

TTO - Nhắc về Huế, người ta dễ nhớ ngay đến "chiếc nón bài thơ" đã quá quen thuộc trong thơ nhạc. Và có một chàng trai xứ Huế đang làm nhiều du khách mộng mơ khi ngắm những bức tranh trên nón lá.

HÀ THANH - NGUYÊN BẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên