Theo Trung tâm Địa chấn Địa Trung Hải châu Âu (EMSC), trận động đất thứ hai mạnh 7,7 độ xảy ra chiều 6-2, giờ Việt Nam, có tâm chấn cách thành phố Kahramanmaras ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 67km và ở độ sâu khoảng 4km.
Truyền thông Syria đưa tin dư chấn cũng làm rung chuyển thủ đô Damascus nhưng chưa rõ thông tin cụ thể. Theo Hãng tin Reuters, các thành phố của Iraq như Dohuk, Erbil và Mosul cũng cảm nhận được dư chấn nhỏ. Hàng chục dư chấn xảy ra trong hơn 10 giờ qua.
Hơn 2.300 người chết do động đất
Trong khi đó, con số thương vong do trận động đất sáng cùng ngày tiếp tục tăng nhanh chóng. Tổng cộng hơn 2.300 người đã thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Hàng ngàn người khác bị thương và hàng trăm người còn mắc kẹt dưới đống đổ nát của vô số ngôi nhà bị phá hủy.
Hãng tin AFP dẫn nguồn chính phủ và lực lượng cứu hộ Syria cập nhật số người chết ở nước này đã lên đến gần 800 người. Bộ Y tế Syria cập nhật hơn 1.200 người bị thương.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, cơ quan quản lý thảm họa địa phương xác nhận hơn 1.000 người chết, chỉ vài phút sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thông báo hơn 900 người chết và hơn 5.300 người bị thương.
Ông Erdogan nói không thể ước tính được con số thương vong sẽ tăng lên bao nhiêu và các nỗ lực cứu hộ vẫn đang tiếp diễn.
"Mọi người đều nỗ lực hết mình mặc dù mùa đông, thời tiết lạnh giá và động đất xảy ra vào ban đêm khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu.
Theo Hãng tin AFP, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong một trong những khu vực động đất hoạt động mạnh nhất thế giới.
Vùng Duzce của nước này đã hứng chịu trận động đất 7,4 độ vào năm 1999, mạnh nhất trong nhiều thập kỷ.
Trận động đất đó đã khiến hơn 17.000 người thiệt mạng, trong đó có khoảng 1.000 người ở thành phố Istanbul.
Các chuyên gia đã cảnh báo một trận động đất lớn có thể tàn phá Istanbul, thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi đây từ lâu đã cho phép xây dựng tràn lan mà không có biện pháp phòng ngừa an toàn.
Động đất được đo như thế nào?
Các trận động đất được đo bằng máy đo địa chấn theo dõi sóng địa lan truyền sau động đất.
Các nhà khoa học đã sử dụng thang đo độ Richter trong nhiều năm nhưng hiện nay phần lớn dựa theo thang đo cường độ Mercalli đã sửa đổi (MMI), mà Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ cho rằng đo chính xác hơn.
Thang Richter đo độ lớn, trong khi thang MMI đo cường độ. Độ lớn và cường độ là khái niệm khác nhau đối với động đất.
"Đối với các nhà khoa học, một trận động đất là một sự kiện bên trong trái đất. Đối với phần còn lại của chúng ta, đó là một chuyển động khác thường của mặt đất. Độ lớn đo cái đầu tiên, trong khi cường độ đo cái sau", Đài CNN dẫn lời Viện Công nghệ California giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận